Đàm phán hòa bình tại Syria sẽ diễn ra trong vòng 24-48 giờ tới

Thứ Ba, 26/01/2016, 09:43
Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 25-1 tại một cuộc họp báo ở Lào trong chuyến thăm chính thức “đất nước Triệu Voi” này. Cuộc hòa đàm đã được lên kế hoạch tổ chức trong ngày 25-1, theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), nhưng đã bị hoãn lại “vì lý do thực tế”, theo lời của người phát ngôn LHQ Ahmad Fawzi.

“Lý do thực tế” nêu trên thực chất là những bất đồng còn tồn tại trong việc lựa chọn ai sẽ đại diện cho các đoàn đại biểu đối lập tham gia hòa đàm. Ngoại trưởng Kerry cho hay, ông đã nhất trí với Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura rằng, không nên gửi thư mời tham gia hòa đàm cho đến khi “tất cả các thành phần tham gia đều được lên danh sách”, đồng thời cho biết cuộc hòa đàm sẽ chính thức bắt đầu “khi các bên thống nhất cấu trúc toàn bộ các thành phần tham dự”.

Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, cuộc đàm phán sắp tới sẽ bao gồm cả các phiến quân Hồi giáo, tuy nhiên thành phần này sẽ không phải “những kẻ khủng bố cực đoan”.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Đức bày tỏ: “Theo bạn thì chúng tôi có thể tìm đâu ra phe đối lập ôn hòa tại một quốc gia chìm sâu trong nội chiến trong suốt hơn 5 năm qua, nơi mà những hành động bạo lực kinh hoàng vẫn đang lan tràn? Tôi sợ rằng, chúng ta đã bỏ lỡ thời điểm khi chúng ta có thể lựa chọn đối tác và các nhà đàm phán”.

Trước đó, Ủy ban Đàm phán cấp cao của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu, trong đó bao gồm cả Liên minh Dân tộc Syria (NC) có trụ sở ở Riyadh cho biết, đã gửi danh sách 3 đại biểu tham gia đàm phán. Tuy nhiên, danh sách này bị chỉ trích mạnh mẽ vì đề tên Mohamed Alloush – lãnh đạo của nhóm nổi dậy Quân đội Hồi giáo làm Trưởng đoàn. Phía Nga cũng lên tiếng bác bỏ đề xuất của Saudi Arabia và yêu cầu cuộc đàm phán phải có sự tham dự của cựu phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil cũng như lãnh đạo lực lượng người Kurd ở Syria.

Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ đã bác bỏ các luận điệu của chính phủ và phe đối lập Syria trước thềm cuộc hòa đàm này. Theo ông, những phát biểu gần đây của giới chức Syria chỉ phản ánh “những căng thẳng” và “đồn đoán”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Hôm 24-1, chính quyền Syria đã lên tiếng khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ một sự nhượng bộ nào trên bàn đàm phán và rằng họ đang bị ép buộc tham gia đàm phán. Ông Hilal al-Hilal, Trợ lý Thư ký khu vực của đảng Baath xã hội chủ nghĩa Arab cầm quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không có bất kỳ nhượng bộ mới nào trong các cuộc hòa đàm sắp tới”.

Trước đó, chính quyền Syria đã thông báo sẵn sàng tham gia vào các cuộc thương lượng, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng, Damascus cần phải được cung cấp danh sách các nhóm khủng bố bị cấm tham gia cuộc hòa đàm cũng như tên của các nhân vật thuộc lực lượng đối lập tại Syria dự kiến tham gia các cuộc hòa đàm.

Theo Đặc phái viên Staffan de Mistura, các nhóm nổi dậy tại Syria được sự hậu thuẫn từ các chính phủ nước ngoài, bao gồm Pháp, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, đang cố tình phá hoại những nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tại Syria.

Cuộc đàm phán về hòa bình Syria được thực hiện theo Nghị quyết 2254 của HĐBA LHQ. Theo đó, trong vòng 6 tháng sau các cuộc thảo luận, Syria cần được thành lập chính phủ chuyển tiếp và khởi xướng xây dựng một hiến pháp mới. Ngoài ra, không muộn hơn 18 tháng, Syria phải tiến hành “bầu cử tự do và công bằng”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry thừa nhận rằng, những thách thức vẫn còn đang ở phía trước, việc tìm lời giải cho bài toán Syria không hề đơn giản và sẽ cần rất nhiều thời gian.

Ngoài “lý do thực tế” trên, một vấn đề khác được cho là có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình hòa bình Syria, đó là tương lai của Tổng thống Assad. Đây không phải là vấn đề mới nhưng tiếp tục là đề tài gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ. Trong khi những diễn biến trên chiến trường là lời khẳng định mạnh mẽ nhất cho lập trường của Moskva về tương lai chính trị của ông Assad thì Mỹ vẫn tiếp tục “nói cứng”. Tuy nhiên, trong một nỗ lực được cho là để tìm kiếm sự thỏa hiệp, Mỹ đã không còn nêu yêu cầu buộc ông Assad phải ra đi như một điều kiện tiên quyết của quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Wolfgang Schauble tuyên bố ủng hộ việc tăng cường hợp tác với Nga, coi Moskva có vị thế then chốt trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria cũng như cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay. Theo ông, một chiến lược của châu Âu cho khu vực Trung và Cận Đông không thể thiếu Mỹ và cũng không thể thiếu Nga, đồng thời cần phải tìm cách phát triển một chiến lược với Nga nhằm xoá bỏ sự đối đầu giữa liên minh dòng Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và liên minh dòng Shiite do Iran đứng đầu.

Khổng Hà
.
.
.