WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika

Thứ Tư, 03/02/2016, 09:26
Sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp hôm 1-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sự lây lan của virus Zika cũng như sự bùng phát của các ca dị tật ở trẻ sơ sinh có liên quan đến loại virus này.


Hãng tin Reuters dẫn lời của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan cho biết, kể từ khi được phát hiện bùng phát trở lại hồi tháng 5 ở Brazil, đến nay, virus Zika đã lây lan một cách nhanh chóng tới 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó khu vực Mỹ Latinh chịu tác động mạnh nhất với hơn 20 quốc gia báo cáo có người nhiễm virus Zika.

Vào ngày 1-2, trong khi Ủy ban Khẩn cấp WHO đang họp với các chuyên gia độc lập nhằm tìm biện pháp giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh bị dị tật não và đầu nhỏ bất thường tại Brazil thì có thêm 2 quốc gia khác báo cáo phát hiện ca nhiễm virus Zika là Costa Rica và Jamaica.

David Henrique Ferreira (5 tháng) ở Brazil đã bị mắc chứng bệnh đầu nhỏ bất thường từ khi mới sinh. Ảnh: Getty Imagine

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Ủy ban Khẩn cấp, nhiều khả năng tồn tại quan hệ giữa virus Zika lây truyền từ muỗi và sự gia tăng các trường hợp đầu nhỏ bất thường ở trẻ sơ sinh. Dấu hiệu của bệnh thường là sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt.

Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes (loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết), có một số bằng chứng có thể gợi ý virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày... Vì thế, WHO đã nhất trí về việc phải phối hợp các nỗ lực quốc tế nhằm tìm hiểu mối quan hệ này cũng như đẩy mạnh nghiên cứu nhằm giảm thiểu mối đe dọa của virus Zika. Nghĩa là, các nguồn tài trợ, phương thức điều trị và vaccine phòng chống virus Zika cũng sẽ được đẩy mạnh. 

Bà Margaret Chan khẳng định, biện pháp bảo vệ tốt nhất lúc này là phòng chống muỗi mang virus Zika, không để muỗi tiếp xúc với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Cùng với đó, những phụ nữ mang thai cần cân nhắc tránh đi đến những vùng bị ảnh hưởng bởi virus Zika.

Trên thực tế, virus Zika là một loại virus được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda gây nên, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi.

Năm 2007, châu Á đã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013, ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter. Cũng trong năm nay, Thái Lan đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do virus Zika ở một số tỉnh, thành phố và Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho rằng virus Zika có thể đã lưu hành tại Thái Lan.

Còn quan chức vùng Polynesia thuộc Pháp thì chứng minh mối liên hệ giữa virus Zika và các biến chứng liên quan đến thần kinh khi loại virus này lây lan. Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Brazil thì khẳng định, virus Zika có liên quan đến bệnh teo não ở trẻ sơ sinh. Kể từ tháng 10 năm 2015 đến nay, hơn 4.000 ca mắc bệnh đầu nhỏ đã được báo cáo tại Brazil, tăng gấp hàng ngàn lần so với con số 150 ca mắc bệnh vào năm 2014.

Hãng independent dẫn lời một chuyên gia y tế cho biết. Bệnh đầu nhỏ đặc trưng bởi phần đầu nhỏ bất thường do não phát triển lệch lạc hoặc ngừng phát triển. Dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ hoặc sau khi trẻ ra đời được vài năm. Virus Zika có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh đầu nhỏ. Bên cạnh đó, các hội chứng nhiễm sắc thể và rối loạn chuyển hóa thần kinh cũng liên quan đến dị tật này. Hiện chưa có phương pháp điều trị nào giúp đưa não của trẻ mắc bệnh về kích cỡ thông thường mà chỉ có thể tác động để kiểm soát khuyết tật thần kinh hoặc vấn đề ngôn ngữ.

Còn về vaccine phòng bệnh thì Mỹ đã tuyên bố thử nghiệm nhưng theo nhận định của GS Nikos Vasilakis tại Trung tâm Phòng vệ sinh học và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm Galveston, để nghiên cứu phát triển được loại vaccine này có thể mất hàng năm. Do đó, trước mắt, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo phụ nữ mang thai cần tự bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt và nếu có thể thì nên trì hoãn có bầu trong vòng 2 năm.

Sông Thương
.
.
.