Vụ đánh bom ở Ai Cập khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ

Chủ Nhật, 26/11/2017, 11:57
Vụ đánh bom khủng bố xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo Al Rawdah ở Bir al-Abed, phía Tây thành phố Arish thuộc tỉnh Bắc Sinai, Ai Cập, khiến ít nhất 305 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em, hôm 24-11 (giờ địa phương) đã khiến cộng đồng quốc tế vô cùng phẫn nộ. 

Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên án vụ tấn công này, đồng thời gửi lời chia buồn đến chính phủ và người dân Ai Cập.

Thông qua mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar ngày 25-11 bình luận: “Chính phủ Ấn Độ cực lực lên án hành động dã man của khủng bố đã cướp đi mạng sống của người dân vô tội ở Ai Cập”, đồng thời khẳng định vụ việc này cho thấy cần phải phát triển một chiến lược toàn cầu chống mối đe dọa khủng bố.


Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời chia buồn sâu sắc với gia đình những người dân vô tội bị thiệt mạng và nhấn mạnh rằng, Ấn Độ kiên quyết ủng hộ cuộc chiến chống tất cả các hình thức khủng bố và sát cánh cùng người dân cũng như Chính phủ Ai Cập.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi lời chia buồn tới người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. Tổng thống Putin nhấn mạnh, “việc giết hại thường dân trong lễ cầu nguyện đã cho thấy tính chất tàn bạo của vụ tấn công. Chúng tôi một lần nữa tin rằng, khái niệm nhân đạo hoàn toàn xa lạ đối với những kẻ khủng bố”. Đồng thời, người đứng đầu Điện Kremlin cũng xác nhận, Moscow sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Cairo trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cuộc tấn công trên là hành động “xấu xa và hèn nhát”. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố: “Thế giới không thể dung thứ chủ nghĩa khủng bố, chúng ta cần phải tiêu diệt chúng bằng biện pháp quân sự cũng như lên án tư tưởng cực đoan tạo ra nền tảng cho sự tồn tại của khủng bố”.

Từ Trung Đông, Bộ Ngoại gia Iraq cũng đã ra tuyên bố lên án vụ tấn công, trong đó “khẳng định tình đoàn kết với Cộng hòa Ai Cập anh em và bày tỏ sự chia buồn chân thành tới gia đình các nạn nhân, mong muốn những người bị thương nhanh chóng hồi phục”. Bộ Ngoại giao Iraq cũng nhắc lại lời kêu gọi xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng cực đoan nhằm vào những người vô tội trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các nước khác như Thụy Điển, Bahrain, Oman, Palestine… cũng lên án vụ tấn công và gửi lời chia buồn sâu sắc đến người dân Ai Cập. Về phía các tổ chức quốc tế, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công đẫm máu, cho rằng hành động khủng bố nhằm vào các thường dân vô tội là không thể chấp nhận được. Liên Hợp Quốc cũng mạnh mẽ lên án vụ tấn công này,

Tại Ai Cập, quân đội nước này hiện đang tiến hành các cuộc không kích xung quanh khu vực xảy ra vụ tấn công đẫm máu trên, nơi được cho là địa điểm phiến quân đang ẩn náu. Các cuộc không kích đã khiến 128 phần tử bị nghi là phiến quân bị thương.

Trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi tuyên bố, các lực lượng an ninh của nước này sẽ đáp trả bằng “sức mạnh” đối với các phần tử khủng bố thực hiện vụ tấn công đẫm máu nhằm vào đền thờ Al Rawdah.

Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Tổng thống al-Sisi đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng, đồng thời cho biết: “Tôi tuyên bố 3 ngày quốc tang sau vụ tấn công hèn nhát và đau đớn này. Những kẻ khủng bố muốn hủy diệt tinh thần của chúng ta, phá hủy sức mạnh và khả năng của chúng ta nhưng điều này chỉ làm cho chúng ta càng tăng thêm sức mạnh, quyết tâm và ý chí để chống lại những kẻ khủng bố”.

Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp với lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Nội vụ và lãnh đạo các cơ quan tình báo.

Trong bốn năm qua, các lực lượng An ninh Ai Cập đã đẩy mạnh cuộc chiến chống lại sự nổi lên của các phần tử khủng bố, nhất là tại Bắc Sinai, nơi đã chứng kiến hàng trăm người thuộc lực lượng an ninh thiệt mạng trong các vụ tấn công do chi nhánh của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Bán đảo Sinai thực hiện. Ngoài ra, những kẻ khủng bố còn đang cố mở rộng địa bàn hoạt động khi thực hiện các vụ tấn công nhằm vào nhà thờ Cơ đốc giáo Ai Cập và những người hành hương.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.