Venezuela nóng rực bởi nguy cơ đảo chính

Thứ Hai, 16/05/2016, 09:17
Venezuela đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất từ trước đến nay. Bằng chứng là Tổng thống Nicolas Maduro đã phải lệnh cho quân đội tiến hành tập trận trong vòng 1 tuần để đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài.


Cuộc tập trận của quân đội Venezuela được tiến hành bắt đầu từ ngày 16-5. Phát biểu tại thủ đô Caracas, Tổng thống Nicolas Maduro cho biết, ông yêu cầu diễn tập quân sự là để chuẩn bị bảo vệ lãnh thổ đất nước, bảo vệ trẻ em và quyền sinh sống hòa bình của người dân. Đồng thời, người đứng đầu chính quyền Caracas cũng cảnh báo rằng, các thế lực bên ngoài đang lợi dụng tình hình này để gây bất ổn trong nước, tạo những “đợt sóng” biểu tình để từ đó làm tiền đề cho một chiến dịch nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm.

Do đó, Tổng thống Venezuela kêu gọi người dân bình tĩnh và cảnh giác trước mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù và suy xét mọi việc thật thấu đáo, tránh nguy cơ bị lợi dụng vì mục đích chính trị.

Hôm 13-5, ông Nicolas Maduro cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước nhằm đối phó với những âm mưu của lực lượng đối lập nước này cũng như các thế lực bên ngoài hòng lật đổ chính phủ cánh tả của ông. Xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Venezuela đã thề sẽ hoàn tất nhiệm kỳ của mình, đồng thời cáo buộc Mỹ bí mật gây ra một cuộc đảo chính chống lại ông và các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thì đồng tình theo kế hoạch này.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và phu nhân trong cuộc gặp những người ủng hộ tại thủ đô Caracas hồi đầu tháng 5. Ảnh: AP.

Ông Nicolas Maduro nói: “Chính phủ Mỹ đang thực thi các biện pháp theo yêu cầu của phe cánh hữu ở Venezuela, vốn bị kích động bởi cuộc đảo chính ở Brazil”. Tổng thống Venezuela còn cho biết thêm rằng, lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sẽ kéo dài trong vòng 60 ngày…

Giới quan sát nhận định rằng, tình hình chính trị ở Venezuela đang ngày càng trở nên phức tạp. Lực lượng đối lập nước này tìm mọi các lật đổ ông Nicolas Maduro. Từ tháng 4 đến nay, liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) luôn gia tăng sức ép buộc Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống Nicolas Maduro. Thậm chí, họ còn sử dụng thủ tục kỹ thuật bằng việc thu thập đủ 200.000 chữ ký đề nghị lập mẫu biểu và khởi động tiến trình bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Tiếp đó, họ dự định thu thập thêm gần 2 triệu chữ ký ủng hộ để đi tới bước cuối cùng là trưng cầu dân ý về bất tín nhiệm. Tờ The New York Times cho biết, các danh sách chữ ký này đã được MUD gửi lên Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela (CNE).

Sau quá trình này, MUD một lần nữa cần thu thập hơn 7,5 triệu chữ ký trong tổng số 19 triệu cử tri Venezuela đồng ý bãi nhiệm ông Nicolas Maduro để có thể tổ chức bầu cử trước thời hạn. Theo quy định của Hiến pháp Venezuela, Tổng thống sẽ bị phế truất nếu số người bỏ phiếu bất tín nhiệm ông bằng hoặc vượt quá số lượng phiếu ủng hộ mà ông nhận được trong cuộc bầu cử năm 2013, tức là 7,5 triệu phiếu và ít nhất 25% số cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu. Hôm 10-5, để tạo thêm nhiều hiệu ứng nhằm chống lại Tổng thống, MUD một lần nữa lại kêu gọi người dân tham gia tuần hành trên đường phố và gây sức ép với CNE...

Trong khi đó, Mỹ ngày càng thể hiện rõ “sự can thiệp” của mình bằng những tuyên bố bày tỏ “sự lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela”.

Một số tờ báo Mỹ thường xuyên đăng tải các bài viết về tình hình ở Venezuela kèm theo nhiều bài bình luận hoặc những thông tin về cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ nhằm vào một số quan chức cấp cao của nước này để tạo nên cái nhìn tiêu cực về nội các chính phủ đương nhiệm.

Điển hình nhất là việc tờ The Wall Street Journal đưa tin Phó Chủ tịch đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền, nghị sĩ Diosdado Cabello bị điều tra do dính líu đến các hoạt động buôn bán ma túy và rửa tiền. Ngay sau đó, ông Diosdado Cabello đã làm đơn kiện dài 8 trang lên tòa án Manhattan của Mỹ. Ông Diosdado Cabello cáo buộc tờ The Wall Street Journal đăng tải thông tin bịa đặt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ông và đòi tờ báo này bồi thường những thiệt hại kinh tế mà thông tin này gây ra…

Chưa hết, theo ghi nhận của hãng Reuters, Mỹ còn tìm được một số đồng minh trong khu vực trong việc gây áp lực lên chính phủ đương nhiệm của Venezuela. Cụ thể là Tổng thống Colombia Alvaro Uribe trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 12-5 đã nói rằng, các lực lượng vũ trang Venezuela nên “sử dụng vũ khí để bảo vệ quyền con người và tự do chính trị thay vì chế độ độc tài”…

Rõ ràng, vòng vây nhằm vào chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang ngày càng thắt chặt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, kế hoạch lật đổ một chính thể kiểu như này khó có thể thực hiện được bởi lẽ cho đến nay, các lực lượng vũ trang Venezuela vẫn tuyên bố khẳng định trung thành với chính phủ, mạnh mẽ lên án các chiến dịch được tổ chức có hệ thống từ nước ngoài nhằm bôi nhọ và khiêu khích Venezuela.

Phan Hiển
.
.
.