Venezuela “gồng mình” trước sức ép ngày một gia tăng từ Mỹ

Thứ Ba, 16/04/2019, 09:23
Phát biểu ngày 14-4 (giờ địa phương) tại Cucuta - thành phố biên giới Colombia tiếp giáp với Venezuela, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các biện pháp để tiếp tục gây áp lực lên Chính phủ Venezuela của Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro. Ngoại trưởng Mỹ còn cảnh cáo Cuba và Nga “sẽ phải chịu tổn thất” nếu tiếp tục ủng hộ chính quyền Venezuela.

Trước đó, tại Chile, quan chức này cũng đã cảnh báo Trung Quốc về những hành động can thiệp về tài chính và kinh tế tại Venezuela.

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu rõ: “Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng mọi biện pháp kinh tế và chính trị để hỗ trợ người dân Venezuela. Sử dụng các biện pháp trừng phạt, hủy cấp thị thực và nhiều biện pháp khác nhằm vào những người ủng hộ Chính phủ Venezuela của Tổng thống Nicolas Maduro”.

Trước đó, hôm 12-4, Bộ Tài chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 4 công ty dầu mỏ và 9 tàu của Venezuela nhằm tiếp tục gây sức ép đối với Tổng thống Nicolas Maduro. Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt vào danh sách cấm vận 4 công ty hoạt động trong ngành dầu mỏ của Venezuela, gồm 3 công ty có trụ sở ở Liberia là Jennifer Navigation Ltd, Lima Shipping Corp, Large Range Ltd, và công ty có trụ sở tại Italy là PB Tankers S.P.A.

Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro của Venezuela. Ảnh: Reuters.

Bộ này cũng đưa ra biện pháp tương tự đối với 3 tàu của 3 công ty Liberia trên và 6 tàu của Công ty PB Tankers S.P.A. Một số trong 9 tàu này thường vận chuyển dầu mỏ từ Venezuela sang Cuba. Theo biện pháp trừng phạt này, mọi tài sản và lợi ích của các thực thể trên tại Mỹ sẽ bị phong tỏa. Bên cạnh đó, công dân Mỹ cũng bị cấm có giao dịch với những thực thể trên.

Kể từ khi Venezuela đối mặt với khủng hoảng chính trị-xã hội từ tháng 1 vừa qua, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào quốc gia Nam Mỹ này cũng như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA). Hồi tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với 34 tàu của PDVSA.

Trước các sức ép ngày 1 gia tăng từ Mỹ và các quốc gia đồng minh, Chính phủ của Tổng thống Venezuela Maduro đang thực hiện nhiều biện pháp ứng phó cùng 1 lúc. Bên cạnh việc cải thiện tình hình trong nước, Venezuela cũng đang kêu gọi người dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ quốc gia, nhằm sẵn sàng ứng phó trước mọi hoàn cảnh.

Phát biểu hôm 14-4 tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng dân quân  quốc gia Bolivar, Tổng thống Nicolas Maduro đã kêu gọi người dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ quốc gia nhằm sẵn sàng ứng phó với mọi hoàn cảnh trong nước. Ông nhấn mạnh, với việc tăng cường thêm gần 1 triệu người, tính đến cuối năm nay, lực lượng này sẽ có gần 3 triệu thành viên, đồng thời khẳng định, lực lượng dân quân quốc gia Bolivar của Venezuela lấy nhân dân làm nòng cốt, chống lại mọi âm mưu phá hoại, và là lực lượng dân quân duy nhất có kinh nghiệm về quân sự tại Mỹ Latinh và Caribe.

Theo Tổng thống hợp hiến của Venezuela, nhiệm vụ chiến lược của Lực lượng dân quân quốc gia trong việc góp phần vào kế hoạch phòng thủ toàn diện và đảm bảo nền hòa bình cho đất nước.

Thời gian qua, Chính phủ Venezuela đã cải thiện được 1 phần cuộc khủng hoảng mất điện trên diện rộng mà nước này cáo buộc lực lượng đối lập và Mỹ gây ra. Hôm 12-4, Chính phủ Venezuela đã thành lập các nhóm chuyên gia nhằm thực thi một “kế hoạch chiến lược” để ổn định và tăng cường Mạng điện lưới Quốc gia (SEN). Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol cho biết các nhóm chuyên viên được chia làm 2 đội với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, một nhóm sẽ giải quyết tình trạng khẩn cấp hiện tại của SEN và nhóm kia sẽ cơ cấu lại toàn diện SEN nhằm “phản ứng với các nguy cơ mới”.

Trong khi đó, phó Tổng thống Delcy Rodriguez cho hay, các nhóm chuyên gia sẽ giải quyết tình trạng của mạng điện lưới, bao gồm máy phát, truyền tải, phân phối tại các trạm khác nhau. Bà cũng nhấn mạnh việc cơ cấu lại mạng lưới điện quốc gia là vô cùng quan trọng, với mục tiêu là “khôi phục sự ổn định và tạo bình đẳng trong đảm bảo cung cấp điện cho nhân dân của chúng ta”.

Cùng với đó, Tổng thống Nicolas Maduro cũng tuyên bố sẵn sàng nhận hàng cứu trợ quốc tế, với điều kiện các tổ chức nhân đạo cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc gia. Trong tuần qua, Venezuela đã đạt được thỏa thuận với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) về việc tiếp nhận hàng viện trợ nhân đạo. Chính phủ Venezuela và ICRC đã nhất trí phối hợp với các tổ chức của Liên hợp quốc để chuyển tới nước này tất cả những hàng viện trợ mang tính nhân đạo, đồng thời nhấn mạnh mọi sự hợp tác được thực hiện trên cơ sở không chính trị hóa vấn đề, thông qua con đường hợp pháp và tôn trọng chủ quyền của Venezuela.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Nước Nga ngày nay (RT) dẫn bài viết điều tra độc quyền của nhà báo Max Blumenthal đăng trên trang thông tin Grayzone ngày 13-4 cho biết, nhà báo trên đã thu thập được một danh sách các vị quan chức tham gia cuộc họp bàn tròn có tên “Đánh giá việc sử dụng biện pháp quân sự tại Venezuela” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, D.C tổ chức. Cuộc thảo luận được tổ chức vào ngày 10-4.

Nhà báo Blumenthal đã tiếp cận một số quan chức tham gia và được họ xác nhận thông tin. “Chúng tôi nói về quân sự… các phương án quân sự tại Venezuela. Cuộc họp tổ chức vào đầu tuần qua”, trợ lý nghiên cứu chương trình châu Mỹ Sarah Baumunk thuộc CSIS cho biết. Tuy nhiên, bà  cảm thấy không thoải mái và từ chối tiết lộ thêm thông tin.

Trong khi đó, Santiago Herdoiza - một cái tên khác xuất hiện trong danh sách những người tham gia và đang làm nghiên cứu viên thuộc công ty chiến lược quốc tế Hills & Company – tiết lộ đó là một “cuộc họp kín” và cũng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.

“Họ thực sự hoảng sợ khi thấy một người trong giới truyền thông biết về sự kiện. Đó là một cuộc họp cấp cao, với sự tham gia cơ bản là những nhân vật then chốt tại Washington liên quan đến việc định hình chính sách Venezuela của Tổng thống Donald Trump và họ muốn giữ bí mật về điều đó”, nhà báo Blumenthal chia sẻ với RT.

Danh sách những người tham gia hội nghị bàn tròn quy tụ các cựu quan chức quân sự,  dân sự và đương nhiệm tại Mỹ và Nam Mỹ, đại diện của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) cũng như các nhà phân tích từ nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Một số nhân vật được lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido “chỉ định” cũng tham dự. Nổi bật trong danh sách là Đô đốc Kurt Tidd, từng làm Chỉ huy Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ và Roger Noriega – một quan chức giữ nhiều chức vụ trong chính quyền Mỹ liên quan đến Venezuela và việc hợp tác với OAS.

Tháng 10 năm ngoái, chính ông Roger là người hối thúc Tổng thống Donald Trump chỉ định cựu Đại sứ Mỹ tại Venezuela William Brownfield dẫn dầu kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.