Vấn đề Triều Tiên đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây

Chủ Nhật, 10/03/2019, 08:35
Đó là khẳng định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hôm 8-3 (giờ địa phương) trước các phóng viên tại Nhà Trắng. Theo ông, “một mớ hỗn độn” dưới các thời Tổng thống Mỹ trước đang được chính quyền của ông sắp xếp lại rất nhiều. Tổng thống Mỹ vẫn cho rằng, cho đến khi CHDCND Triều Tiên không thử tên lửa và hạt nhân, nước Mỹ vẫn có thể hài lòng về kết quả này.

Tổng thống Donald Trump cũng đã một lần nữa nhắc lại mối quan hệ cá nhân giữa ông và Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vẫn đang “rất tốt” và ông sẽ rất thất vọng nếu thông tin Bình Nhưỡng xây dựng lại một địa điểm phóng tên lửa mà nước này từng phá hủy là đúng sự thật.

Người đứng đầu Nhà Trắng nói: “Tôi nghĩ mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên, giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tôi, đang rất tốt đẹp. Tôi nghĩ, mối quan hệ này vẫn còn rất tốt. Do đó tôi sẽ rất ngạc nhiên theo hướng tiêu cực nếu Triều Tiên có những động thái không phù hợp với quan điểm chung của hai bên. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra, song tôi sẽ rất thất vọng nếu tôi phải thấy các vụ thử nghiệm”.

Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP

Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ nước Mỹ bày tỏ quan điểm như vậy khi ông nghe được những thông tin ban đầu, rằng CHDCND Triều Tiên đang tiến hành xây dựng lại bãi phóng tên lửa Sohae ở Dongchangri - một địa điểm phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng từng phá hủy sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ nhất tại Singapore, như một cử chỉ thiện chí để xây dựng lòng tin.

Trước đó, ngày 6-3, Tổng thống Donald Trump cho rằng còn quá sớm để đánh giá về thông tin Triều Tiên tái xây dựng bãi phóng hay khả năng nước này sắp phóng tên lửa: “Chúng ta sẽ phải giải quyết nó. Tôi sẽ rất thất vọng nếu các báo cáo là đúng. Chúng chỉ là những báo cáo ban đầu. Chính Mỹ là người đưa ra bản báo cáo này trước tiên. Tôi sẽ rất thất vọng về Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhưng tôi hi vọng sẽ không phải như vậy. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ đến. Cuối cùng, vấn đề này cũng sẽ được giải quyết”.

Liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa, Nghị sĩ Oleg Morozov, một thành viên thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, ngày 8-3, nhận định CHDCND Triều Tiên khó có thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước năm 2021 khi cần có những đảm bảo của quốc tế để hoàn thành tiến trình này.

Nghị sỹ Oleg Morozov nêu rõ: “Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào các đảm bảo được trao cho CHDCND Triều Tiên. Những đảm bảo từ Mỹ sẽ không đủ. Cần có những đảm bảo từ quốc tế, và chỉ như vậy mới có thể đảm bảo việc từ bỏ vũ khí hạt nhân..., không thể có niềm tin vào một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề và việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên”.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8-3 cũng bày tỏ lạc quan rằng, phi hạt nhân hóa Triều Tiên có thể đạt được trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump. “Chúng tôi vẫn tin rằng, đó là điều có thể đạt được trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống và vẫn còn thời gian để làm điều đó. Chúng tôi đã thảo luận bao quát về lịch trình và đó là điều có thể làm được”.

Quan chức này nói rằng, phía Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ với các đối tác CHDCND Triều Tiên về mục tiêu phi hạt nhân hóa trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump. “Điểm mấu chốt của vấn đề không phải là mất bao nhiêu ngày, mà sẽ là mức độ nhất trí của 2 bên về những bước đi cần thiết để phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách đầy đủ và có thể xác minh”.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đã thu hẹp khoảng cách với Bình Nhưỡng về một số vấn đề liên quan đến phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, vẫn có những lĩnh vực quan trọng cần phải thúc đẩy các bước tiến hơn nữa. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 7-3 cho biết sẵn sàng có thêm các cuộc đối thoại với CHDCND Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định, Washington muốn nối lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng sớm nhất có thể, nhưng các nhà đàm phán của CHDCND Triều Tiên cũng cần phải đưa ra các thành ý và thiện chí nhiều hơn nữa so với thời điểm trước Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội.

Giới chuyên gia cho rằng, có thể sẽ mất tới 10 năm hay 15 năm để CHDCND  Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn toàn, và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đặt ra những mục tiêu quá cao. “Vì các lý do kỹ thuật, có nhiều điều có thể làm được để giảm mối đe dọa quân sự hay việc sử dụng quân sự, nhưng việc loại bỏ tất cả các chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ khó hơn nhiều, vì bạn sẽ phải xác minh”,  Siegfried Hecker, chuyên gia tại Đại học Stanford và đồng thời là cựu giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở New Mexico giải thích.

“Sẽ phải có một quá trình xác minh và chỉ riêng về mặt kỹ thuật thôi, đó cũng là điều không thể làm chỉ trong vòng 2 năm”, ông Hecker nói. Ngoài khía cạnh chuyên môn của quá trình phi hạt nhân hóa, việc tạo ra một thỏa thuận cũng cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn chính trị.

Trong khi đó, ông Joe Yun, cựu Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên cho biết: “Ở thời điểm này, quan điểm của 2 bên về phi hạt nhân hóa vẫn chưa đồng nhất, và đó là lý do cuộc đối thoại không đạt được kết quả. Không chỉ thế, việc thực hiện trong vòng 2 năm tới cũng nhiều khả năng không đạt được. Những gì chúng ta nên hướng tới là đồng nhất quan điểm về phi hạt nhân hóa và các bước thực hiện điều đó”.

Về phía CHDCND Triều Tiên, trong thông điệp đầu tiên đưa ra sau khi trở về nước sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung mọi nỗ lực vào việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Trong một lá thư gửi hội nghị toàn quốc các quan chức làm công tác tuyên truyền được tổ chức tại Bình Nhưỡng trong tuần này, ông kêu gọi các quan chức trong Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền nỗ lực giáo dục tư tưởng cho công dân để đảm bảo “đạt tiến bộ lớn trong công cuộc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Trước đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã kêu gọi toàn thể người dân tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực tự cường.

Bài xã luận đăng trên tờ Rodong Sinmun có đoạn viết: “Độc lập quốc gia là con đường tắt dẫn tới sức mạnh và sự thịnh vượng trong khi phụ thuộc vào lực lượng nước ngoài là con đường dẫn tới sự lệ thuộc và hủy hoại đất nước”. Bài báo kêu gọi người dân CHDCND Triều Tiên nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh để giúp đất nước đạt được sự phát triển độc lập.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.