Vaccine ngừa COVID-19 đang đẩy Nga - Mỹ vào vòng xoáy căng thẳng mới

Chủ Nhật, 30/08/2020, 09:40
Hôm 26/8, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 5 viện nghiên cứu của Nga vào danh sách trừng phạt vì cho rằng “có lý do hợp lý để tin” các cơ sở này tham gia phát triển vũ khí sinh học và vũ khí hóa học.

Phản ứng sau động thái của Mỹ, hôm 28/8, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Moscow coi việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cơ sở nghiên cứu của Nga là trắng trợn và không rõ Washington có kế hoạch giải thích như thế nào cho các công dân của mình về mưu toan trừng phạt những người đang làm việc và thành công đối với thuốc chữa căn bệnh đã giết chết hơn 180.000 người Mỹ.

Bà Maria Zakharova không tin đây là bước đi đúng đắn để hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch, mà tầm quan trọng của nó là không thể tranh cãi ngay cả ở Washington. Người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Nga có các câu hỏi về hoạt động y-sinh của Mỹ cả trên lãnh thổ của mình và ở các nước khác, đồng thời nhắc nhở, Mỹ vẫn là bên duy nhất của Công ước về cấm Vũ khí Hóa học (CWC), mà như trước đây vẫn sở hữu nó và cấp bằng sáng chế cho nhiều phát minh liên quan đến việc sử dụng các chất độc chiến tranh hóa học, bao gồm cả chất độc thần kinh. 

Nhiều nước đang nỗ lực chạy đua sản xuất Vaccine ngừa COVID-19.

Hồi đầu tháng 8, Nga thông báo đã đăng ký loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik V. Một tuần sau đó Nga cho biết nước này đã sản xuất lô vaccine đầu tiên. Giới chức Nga cho biết đã nhận được yêu cầu đặt hàng từ trên 20 quốc gia với tổng số hơn 1 tỷ liều. Mới đây nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại tiếp tục thông báo Nga sẽ đăng ký vaccine ngừa COVID-19 thứ hai vào 9 tới. Không nhanh như tiến độ phát triển vaccine ngừa COVID-19 của Nga, chiến dịch chế tạo vaccine của Mỹ dường như phải chờ ít nhất 1 tháng nữa mới thấy kết quả.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố “Chiến dịch Thần tốc” sản xuất vaccine COVID-19 trước năm 2021, đổ hàng tỷ USD đầu tư vào các công ty dược lớn như Novavax, Pfizer và Moderna. Ứng viên vaccine ngừa COVID-19 sáng giá nhất mà Mỹ mong đợi là mRNA-1273 của Moderna. Tuy nhiên, loại vaccine này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và dự kiến được hoàn thành trong tháng 9 tới.

Trong bối cảnh đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều hãng dược phẩm đã tăng tốc việc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên quy mô lớn. Thậm chí, một số nước đã chấp thuận việc sử dụng vaccine khẩn cấp dù loại vaccine này chưa hoàn tất thử nghiệm. Theo Wall Street Journal, hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc đang đàm phán với một số nước để được chấp thuận sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 dù chưa hoàn tất thử nghiệm.

Ông Pierre Morgon, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận kinh doanh quốc tế của CanSino cho biết, việc cung cấp hàng triệu liều vaccine trước khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng sẽ mở rộng cơ sở kiến thức về tính an toàn và hiệu quả của nó. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối thường có hàng nghìn người tham gia. Việc phân phối sớm vaccine hay thuốc men đòi hỏi phải được các nước cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Trước đó vào tháng 7, Trung Quốc đã cấp phép lưu hành vaccine CoronaVac, do Công ty Công nghệ sinh học Sinovac sản xuất, trong trường hợp khẩn cấp. Đây là một phần trong chương trình của nước này nhằm tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao như các nhân viên y tế. Hôm 23-8, vaccine của Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG) - một đơn vị thuộc sở hữu của Tập đoàn Dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) cũng đã được cấp phép lưu hành trong trường hợp khẩn cấp.

Trong khi đó, Anh hiện đang chuẩn bị sửa đổi luật để cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp kể cả trước khi loại vaccine này được cấp phép. Trong tuyên bố vào hôm qua, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cho biết, nước này đang áp dụng "các biện pháp bảo vệ tăng cường" để cho phép cơ quan quản lý thuốc của quốc gia cấp phép tạm thời cho vaccine COVID-19, miễn là vaccine này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng. Thông thường, vaccine chỉ được sử dụng sau khi hoàn thành việc xem xét cấp phép, một quá trình có thể mất vài tháng.

Hiện nay, hầu hết các loại vaccine COVID-19 triển vọng nhất trên thế giới mới đang dừng lại ở thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Kể cả vaccine Sputnik V được Nga đăng ký cũng chưa hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng. Chính vì vậy, cuộc đua phát triển vaccine phòng COVID-19 trên thế giới vẫn đang được tích cực triển khai. 

Theo kế hoạch, công ty dược phẩm Janssen của Johnson & Johnson sẽ bắt đầu giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine, do công ty này bào chế tại Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức vào tuần tới. Giai đoạn hai của cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài 2  tháng, với sự tham gia của 550 người tại 3 nước này. Theo Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa, đây là lần đầu tiên nước này cho phép việc thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người.

Theo Johnson & Johnson, nếu các cuộc thử nghiệm này thành công, hãng này sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng, với số lượng tình nguyện viên tăng lên thành 60.000 người. Hiện đã có hơn 150 vaccine phòng, chống COVID-19 được phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới, trong đó có 30 vaccine được thử nghiệm trên người.

Hải Hà (tổng hợp)
.
.
.