Vaccine là phương án tốt nhất “xóa sổ” COVID-19

Thứ Năm, 09/04/2020, 08:22
Mức độ tác động và hệ lụy của dịch bệnh là khác nhau ở mỗi quốc gia, song các chuyên gia đều nêu lên một thực tế là nếu mầm mống của dịch COVID-19 vẫn còn ở đâu đó trên thế giới thì nó luôn có thể bùng phát trở lại trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay.


COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp

Khởi phát từ một khu chợ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc cuối năm ngoái, dịch COVID-19 (tính đến 19h ngày 8/4) đã lan ra 209 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 1,45 triệu ca nhiễm, cướp đi hơn 82.000 sinh mạng. 

Sáng 8/4, trong sự chờ đợi của hàng triệu người, thành phố Vũ Hán đã được dỡ bỏ phong tỏa sau 76 ngày, cho thấy dịch bệnh tại đây đã trong tầm kiểm soát. 

Theo truyền thông Trung Quốc, các tuyến giao thông của đô thị 11 triệu dân được phép hoạt động trở lại, kéo hàng ngàn người tới các nhà ga để rời đi. Dẫu vậy, khác với Vũ Hán, tình hình ở nhiều nơi khác trên thế giới vẫn chứng kiến nhiều diễn biến khó lường.

 Tại Mỹ, “ổ dịch” COVID-19 lớn nhất toàn cầu, hơn 400.000 ca nhiễm đã được xác nhận với khoảng 13.000 ca thiệt mạng. Chỉ trong ngày 7/4, nước này chứng kiến 1.970 ca tử vong – mức cao nhất được ghi nhận trong 24h tại một quốc gia. 

Tiểu bang New York, với trên 140.000 ca dương tính COVID-19, có số người nhiễm còn lớn hơn số ca được thống kê tại Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ hai thế giới về số lượng bệnh nhân, khiến các cơ sở y tế tại bang này quá tải, nhiều người bệnh không nhận được chăm sóc y tế cần thiết.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục “lao đao” trước áp lực khổng lồ mà COVID-19 gây ra với hệ thống bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như tính thống nhất của khối. 

Cuối tuần qua, số ca bệnh và tử vong ghi nhận mới có dấu hiệu chững lại tại Italia, Tây Ban Nha và Pháp, khiến nhiều người cho rằng châu Âu đã thấy “le lói ánh sáng cuối hầm”, song giới chuyên gia cảnh báo dịch còn lâu mới kết thúc và người dân cần tiếp tục cố gắng, ai ở yên chỗ đấy để chặn đà lây lan. 

Trên thực tế, dù dấu hiệu khả quan xuất hiện tại một số nước, thì một loạt quốc gia khác lại ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt như Đức và Anh. “Lục địa già” hiện có 4 quốc gia có hơn 100.000 ca bệnh là Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Đức, trong khi số ca nhiễm tại Anh vượt mốc 50.000 ca, còn Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha… cũng đã xác định được từ 10.000-30.000 người nhiễm. 

Trước viễn cảnh dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh tế quốc tế thì ảm đạm, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cách đây hai hôm thậm chí cảnh báo: “EU đang thực sự đứng trước nguy cơ tồn vong”.

Diễn biến khó lường của dịch bệnh cũng buộc các quốc gia thắt chặt hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội hoặc nới rộng thời gian phong tỏa. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe ngày 7/4 chính thức áp đặt tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành phố, gồm thủ đô Tokyo. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở đất nước “Mặt trời mọc” và sẽ có hiệu lực tới ngày 6/5.

 Tại Singapore, nước này cũng quyết định đóng cửa toàn bộ trường học và doanh nghiệp không thiết yếu từ ngày 7/4, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trở lại.

Vaccine được xem là phương án tốt nhất đẩy lùi dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images.

Tiêm chủng vaccine là con đường tốt nhất

Mức độ tác động và hệ lụy của dịch bệnh khác nhau ở mỗi quốc gia. Khi một nước chế ngự thành công COVID-19 bằng những biện pháp cứng rắn nhưng mầm mống của dịch vẫn hoành hành ở đâu đó trên thế giới thì nó luôn có thể tái bùng phát khi biên giới được mở cửa trong thời kì toàn cầu hóa hiện nay. 

Bởi vậy, để xóa sổ bệnh dịch nguy hiểm này, tiêm chủng vaccine đại trà được xem là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban đầu cho rằng thế giới cần đến 18 tháng để vaccine phòng COVID-19 ra đời, song thời hạn này dường như sẽ được cắt ngắn đáng kể. WHO thông tin, vài mẫu vaccine hiện đã đang được thử nghiệm lâm sàng, trong khi hơn 50 “ứng cử viên” khác trong quá trình đánh giá. 

Các tổ chức đa phương được tài trợ bởi nhiều chính phủ, các công ty dược phẩm và các nhà hảo tâm đều đang đổ hàng trăm triệu USD vào nỗ lực phát triển vaccine cũng như những mẫu thuốc điều trị cho người nhiễm COVID-19.

Tại Mỹ, các nhà khoa học đã tiêm những mũi vaccine chống COVID-19 đầu tiên, được định danh là mRNA-1273, cho những tình nguyện viên ở Seattle cách đây hai tuần và đang đánh giá kết quả. 

Một công ty dược ở Pennsylvania, Mỹ ngày 7/4 cũng công bố kế hoạch thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 trong tuần này, sau khi được giới chức Mỹ cấp phép. Mẫu vaccine mới có tên INO-4800, được tài trợ bởi Quỹ Bill và Melinda Gates do tỷ phú công nghệ Bill Gates sáng lập. 

Tại Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh cho hay, họ cũng đã tiêm thử mẫu vaccine trên 108 tình nguyện viên để kiểm tra độ an toàn trước khi chuyển sang giai đoạn kiểm tra độ đặc hiệu của vaccine. Trong khi đó, Nga, một cường quốc khác về y tế, tin tưởng những kết quả tích cực trong nghiên cứu sẽ mang đến một vaccine hiệu quả ngay trong năm 2020…

Dẫu vậy, theo tờ New York Times, có một mặt trái của vấn đề này là, dù nhiều mẫu vaccine sắp ra đời, nhưng đây phần lớn là kết quả của các cuộc nghiên cứu riêng lẻ, tức không phải ai cũng lập tức được hưởng thành quả của nó. 

Các chính phủ theo đó cần cân nhắc một thỏa thuận hợp tác hướng đến việc chia sẻ, phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu khi nó hoàn thành, thay vì cố gắng tích trữ cho riêng một nước hay một vùng lãnh thổ nào. 

Trong một đại dịch, vaccine và thuốc chống virus không phải để bán cho người trả giá cao. Hai loại này nên có sẵn và giá cả phải chăng cho những người cần nhất. Việc phân phối như vậy không chỉ là lương tri, mà còn là chiến lược ngăn ngừa đại dịch trong tương lai. 

Còn từ nay tới khi vaccine được sản xuất hàng loạt và dịch được khống chế, giới chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh: Người dân cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn y tế đã ban hành, nhất là các biện pháp cách ly xã hội.

Mỹ chỉ trích cách xử lý dịch COVID-19 của WHO

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày 7 và 8/4 đã chỉ trích cách xử lý đại dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi cho rằng WHO “thiên vị cho Trung Quốc” và không đưa ra những khuyến cáo cần thiết để ngăn dịch từ đầu, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Ông Trump cảnh báo Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách chi cho hoạt động của tổ chức này. Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất cho WHO với khoảng 500 triệu USD vào năm ngoái. 

Phát ngôn của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh đơn kiến nghị Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu từ chức nhận được hơn 700.000 chữ ký tại nhiều quốc gia. Đến nay, WHO chưa đưa ra bình luận chính thức nào. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bác bỏ các cáo buộc hướng vào WHO. 

Theo người phát ngôn, Tổng thư ký Guterres rất tin tưởng vào cách lãnh đạo WHO của ông Tedros trong xử lý dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác trước đây như Ebola, đồng thời đánh giá cao việc WHO đã hỗ trợ các nước chống lại dịch bệnh và đưa ra các cảnh báo toàn cầu.

Thái An

Thiện Minh
.
.
.