VIỆT NAM-ISRAEL: Từ quá khứ đến tương lai
Đối tác quan trọng
Với diện tích có tới hơn 60% là sa mạc hoặc bán sa mạc, lượng mưa ở những vùng nông nghiệp chỉ đạt chưa đến 120mm một năm, Israel đã làm nên kì tích bằng cách ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và quốc phòng. Đến nay, Israel đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi có thể chủ động được 95% nhu cầu lương thực cho toàn quốc, xuất khẩu nông nghiệp đạt 3,6% tổng sản lượng xuất khẩu với thị trường lớn nhất là Liên minh châu Âu (EU).
Hiện Israel là quốc gia Trung Đông hiếm hoi được xếp vào hàng các nước phát triển và một trong số 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Israel cũng đang đứng đầu thế giới về năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; có ngành công nghiệp rất phát triển với tỷ lệ sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và thứ 2 về số lượng các công ty công nghệ thông tin, sau thung lũng Silicon tại Mỹ.
Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin. Nguồn ảnh: Getty |
Là đối tác quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông, Israel đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Tới năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đã có bước tăng trưởng vượt bậc, đạt 2,3 tỷ USD. Hai bên cũng đang tiếp tục đàm phán và hy vọng sẽ sớm ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương, nhằm tạo nền tảng vững chắc hơn cho trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Bên cạnh hợp tác nông nghiệp, hai nước hiện cũng đang có những bước đi vững chắc nhằm củng cố hợp tác về khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác hiện hai nước có nhu cầu và nhiều tiềm năng như giáo dục, lao động.
Từ 2008 đến nay, Israel đã tiếp nhận hơn 2.130 tu nghiệp sinh Việt Nam sang vừa học vừa làm tại các nông trại Israel trong thời hạn 1 năm. Hiện mỗi năm có tới 1.000 sinh viên Việt Nam sang Israel nghiên cứu về nông nghiệp, toán học và hoá học dưới nhiều hình thức khác nhau.
Là một quốc gia đang đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với phát triển khoa học công nghệ với hơn 90 triệu dân cùng lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, Việt Nam đối với Israel được xem là một thị trường vô cùng lớn và giàu tiềm năng để hợp tác và đầu tư.
Lịch sử và triển vọng tương lai
Mặc dù hai nước mới chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1993, nhưng nền móng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Israel đã được xây dựng từ năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Israel David Ben Gurion đã có cuộc gặp gỡ tại Paris và cùng chia sẻ những hoài bão, ước mơ về giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong hơn 2 thập kỉ vun đắp mối quan hệ chính thức, hai nước đã luôn duy trì trao đổi đoàn các cấp và kí kết hàng loạt hiệp định quan trọng về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp và thương mại. Tuy nhiên, với tiềm năng lớn vẫn chưa được khai thác, chuyến thăm lần này tới Việt Nam của Tổng thống Israel được kì vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia không chỉ trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại mà cả trong các lĩnh vực như an ninh-quốc phòng, y tế, giáo dục…
Trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin khẳng định, quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp và nhanh chóng trong những năm gần đây, mỗi năm lên một ngưỡng mới và bày tỏ tin tưởng rằng đây là thời điểm thích hợp cho chuyến thăm lịch sử để nhìn lại tất cả những thành tựu mà hai bên đạt được, đồng thời tạo động lực mới để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ trong thời gian tới.
Với lịch sử tương đồng, cùng chung tinh thần khởi nghiệp năng động và những kết quả vô cùng khả quan trong quan hệ hợp tác trong quá khứ. Tổng thống Reuven Rivlin cho biết ông và các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ có rất nhiều vấn đề để thảo luận như tăng cường quan hệ giữa hai nước, tìm cách cải thiện đời sống nhân dân hai nước,… cũng như giải quyết những thách thức toàn cầu bao gồm an ninh, ổn định và sáng tạo.