Tương lai nào cho NAFTA?

Chủ Nhật, 30/09/2018, 06:03
48h giờ tới sẽ là thời khắc quyết định của tương lai Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi. Điều này sẽ được xác định bằng việc ký kết giữa ba bên gồm Mexico, Mỹ và Canada hoặc chỉ giữa Mexico và Mỹ.


Sau hơn 1 năm bắt đầu tiến hành đàm phán, hôm 27-8 vừa qua, Mỹ và Mexico đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ của NAFTA sửa đổi, tập trung vào các quy định liên quan đến ngành ôtô vốn là một vấn đề gây bất đồng lớn, nhưng không có sự tham gia của Canada. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ để Canada đứng ngoài cuộc chơi và sẽ ký thỏa thuận chỉ riêng với Mexico nếu Canada không tham gia đàm phán. Người đứng đầu Nhà Trắng gần đây thậm chí còn đe dọa áp một khoản thuế quan khổng lồ đối với mặt hàng ôtô xuất khẩu của Canada, điều sẽ khiến hai bên khó có thể đi tới một thỏa thuận. 

Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sơ bộ của NAFTA sửa đổi, tập trung vào các quy định liên quan đến ngành ôtô.

Để tránh khả năng này xảy ra, các nhà đàm phán Mỹ và Canada đang chịu một sức ép lớn nhằm đạt được một thỏa thuận vào cuối tháng này mà họ tin rằng, có thể bảo vệ được lợi ích của người dân mỗi nước. 

Hiện hai bên đang nỗ lực đàm phán để đi đến đồng thuận trong một số vấn đề còn bất đồng liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại, công nghiệp giải trí và thị trường sữa.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, đối với Mỹ, mong muốn tiếp cận thị trường sữa của Canada đã trở thành một trong những vấn đề lớn trong các cuộc đàm phán NAFTA và là lý do tại sao Tổng thống Donald Trump cho rằng NAFTA là sai lầm nghiêm trọng gây thiệt hại cho những nông dân chăn nuôi bò sữa của Mỹ. 

Canada sử dụng cái được gọi là hệ thống quản lý nguồn cung cấp đối với sữa, trứng và gia cầm để điều phối chặt chẽ số lượng sản phẩm có thể được sản xuất và áp mức thuế cũng như hạn ngạch nghiêm ngặt đối với các mặt hàng này khi được vận chuyển vào trong nước. 

Chính sách mới này của Canada khiến ông chủ Nhà Trắng tức giận và cho rằng đang xảy ra một số điều bất công ở Canada mà ảnh hưởng tới những nông dân Mỹ nuôi bò sữa và những người khác. Mỹ không muốn Canada thay đổi toàn bộ hệ thống quản lý nguồn cung, nhưng lại muốn thâm nhập nhiều hơn thị trường sữa của Canada.

Và mặc dù điều đó có thể thực sự tốt cho người tiêu dùng Canada, nhưng đây là vấn đề nhạy cảm về chính trị ở nước này. Việc bảo vệ ngành sữa cũng là một vấn đề thời sự ở Quebec, nơi mà Đảng Tự do của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang mất vị thế so với đảng Bảo thủ trong các cuộc bầu cử ở cấp tỉnh. Vì vậy, đảng này có thể không muốn làm ảnh hưởng tới vị trí đang lung lay của mình. 

Canada không muốn bán đứng nông dân của mình, đặc biệt là trước một cuộc bầu cử quan trọng. Trong khi đó, Mỹ đã thể hiện rõ ràng rằng họ đang quan tâm sâu sắc về vấn đề sữa. Theo Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow, đối với Mỹ, những cuộc đàm phán gần đây đều hướng về vấn đề “sữa”.

Còn đối với Canada, để nước này nhượng bộ trong vấn đề sữa và trở lại vào bàn đàm phán nhằm tiến tới một NAFTA sửa đổi, Mỹ có thể sẽ cần phải nới lỏng lập trường của mình đối với Chương 19 của NAFTA. Thủ tướng Justin Trudeau đã khẳng định quan điểm rõ rằng, Canada sẽ không đàm phán nếu Chương 19 bị loại bỏ bởi “nó đảm bảo các quy tắc được thực sự tuân thủ”. 

Đối với Ottawa, Chương 19 là một cách để cân bằng các rủi ro và lợi ích trong thương mại với Washington. Canada coi đó là một biện pháp phòng vệ chống lại các chính sách thương mại bảo hộ, giúp bảo vệ nền kinh tế của đất nước nếu Mỹ áp đặt các rào cản thương mại hoặc thuế quan. 

Ngoài ra, một điểm quan trọng khác đối với Canada là quốc gia này muốn NAFTA vẫn phải bao gồm “miễn trừ văn hóa” cho truyền thông, nghệ thuật và phát thanh của Canada. Điều này có nghĩa các loại sản phẩm văn hóa đó sẽ không được coi là hàng hóa thương mại được giao dịch thông qua NAFTA và Canada có thể bảo vệ tốt hơn những ngành đó. 

Theo chuyên gia Bown, Internet đã không thực sự là một vấn đề khi bắt đầu đàm phán NAFTA, vì vậy Canada có thể đang tìm cách củng cố sự bảo vệ ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, chuyên gia chính sách và thương mại quốc tế Marc Busch từ Đại học Georgetown cho biết, về bản chất, Canada muốn có sự miễn trừ này là vì họ muốn bảo vệ văn hóa của mình chống lại sự xâm nhập của Mỹ.

Còn một vấn đề lớn giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada là cả hai nhà lãnh đạo đều cân nhắc về các cuộc đàm phán NAFTA theo những cách rất khác nhau. Trong khi Thủ tướng Justin Trudeau cứng rắn đặt ra các ưu tiên của Canada, thì Tổng thống Donald Trump tăng cường đe dọa trả đũa, đặc biệt là thuế quan. 

Tuy nhiên, đe dọa Canada có thể không phải là chiến lược hiệu quả nhất của Mỹ bởi đa số người Canada không ưa thích Tổng thống Mỹ và các cuộc đàm phán khó khăn dường như đem lại đòn bẩy giúp ông Justin Trudeau đẩy lùi các yêu cầu của Washington.

Trong số hơn 12.000 quy định của NAFTA sửa đổi, chỉ có 5 quy tắc có nhiều bất đồng nhất, bao gồm hội nhập khối đối với ngành công nghiệp ôtô, khi Mexico chấp thuận 40% giá trị một chiếc xe được sản xuất tại Mỹ và Canada – những nơi có mức lương cơ bản trên 15USD/h. 

Các vấn đề về lao động và môi trường được đưa vào thỏa thuận tuân theo cùng các quy tắc giải quyết tranh chấp, thay vì riêng lẻ như trong phiên bản NAFTA cũ. Bên cạnh đó, nhiều quy tắc mới cũng được đưa vào NAFTA sửa đổi như thương mại điện tử và chống tham nhũng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.