Tư duy “Hòa bình thông qua sức mạnh” của Mỹ nhìn từ hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và Iran

Thứ Tư, 20/06/2018, 12:59
Tuyên bố hòa bình này của Bình Nhưỡng đã không được Washington lắng nghe và thấu hiểu bởi xuất phát từ tư duy “hòa bình thông qua sức mạnh”... 


Ngày 12-6-2018 sẽ đi vào lịch sử nền chính trị thế giới trong thế kỷ XXI với sự kiện lần đầu tiên lãnh đạo một nhà nước đã từng bị nhiều đời Tổng thống Mỹ coi là “xứ sở tội ác”, “trục ma quỷ” và “quốc gia bất trị” đã được Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump tiếp đón long trọng và cùng ngồi bên bàn đàm phán để giải quyết một trong những hồ sơ chính trị phức tạp nhất và kịch tính nhất-vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Kết thúc cuộc đàm phán, hai bên nhất trí ký Tuyên bố chung lịch sử, tạo cơ sở để thiết lập nền hòa bình bền vững sau hơn nửa thế kỷ bán đảo Triều Tiên ở trong trạng thái chiến tranh với vô vàn sự nghị kỵ và các hành động xung đột, đe dọa chiến tranh liên tiếp nhằm vào nhau.

Sau sự kiện lịch sử này, một vấn đề được giới phân tích chính trị quốc tế đặc biệt quan tâm là do đâu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới gần đây thôi từng tuyên bố sẵn sàng bấm nút phát động chiến tranh để hủy diệt Triều Tiên thì nay chấp nhận đàm phán để thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc? 

Câu trả lời ẩn giấu trong tư duy “hòa bình thông qua sức mạnh” của chính quyền Washington qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Theo tư duy này, Mỹ sẽ sử dụng ưu thế sức mạnh vượt trội của họ để buộc đối thủ cạnh tranh và kẻ thù phải đầu hàng, hoặc thuần phục.

Nhìn lại vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, có thể thấy trong suốt 65 năm qua kể từ khi kết thúc chiến tranh vào năm 1953, Washington vẫn chưa chịu ký kết hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng và chỉ chấp nhận trạng thái đình chiến. 

Trong suốt 65 năm đó, Washington luôn theo đuổi tham vọng xóa sổ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) bằng cách thay đổi chế độ chính trị ở Bình Nhưỡng. 

Trong điều kiện đó, Triều Tiên không có cách nào khác là phải thực hiện chiến lược song tiến, theo đó vừa xây dựng sức mạnh quốc phòng, vừa phát triển kinh tế. 

Để xây dựng sức mạnh quốc phòng nhằm đối phó với nguy cơ chiến tranh xâm lược từ Mỹ, Triều Tiên buộc phải phát triển chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên luôn tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ vào bất cứ thời điểm nào để chấm dứt chương trình này một khi Washington chấp nhận ký hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng và cam kết không can thiệp vào chính trị nội bộ của Triều Tiên. 

Tuyên bố hòa bình này của Bình Nhưỡng đã không được Washington lắng nghe và thấu hiểu bởi xuất phát từ tư duy “hòa bình thông qua sức mạnh”, Mỹ không bao giờ chấp nhận “yêu sách” của một quốc gia “bất trị” và bị coi là nằm trong “trục ma quỷ”. 

Sau khi lên cầm quyền vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa quan điểm học thuyết “hòa bình thông qua sức mạnh” vào Chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. 

Quan điểm này đã đưa chính quyền Washington tới hàng loạt hành động gây hấn, buộc Triều Tiên phải có biện pháp đáp trả và đẩy cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữ hai nước leo thang tới đỉnh điểm, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lớn ở Đông Bắc Á.

Trong khi đó, trong điều kiện bị Mỹ và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt hành loạt biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhất, Triều Tiên đã có những nỗ lực phi thường và tiến rất xa trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, hoàn tất các cuộc thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch và tên lửa đường đạn xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhất tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. 

Theo cách diễn giải của Tổng thống Nga V.Putin thì “Triều Tiên thà ăn cỏ nhưng họ sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân” bởi loại vũ khí này có sức mạnh răn đe hành động xâm lược từ bên ngoài.

Đến cuối năm 2017, hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên đã đạt tới điểm ngưỡng mang tính lịch sử, trong đó mọi toan tính của Washington ngăn chặn Triều Tiên về quân sự, chính trị và kinh tế đã không đạt được mục đích buộc Bình Nhưỡng phải “đầu hàng”. 

Xuất thân là một doanh nhân thành đạt, Tổng thống Mỹ Donald Trump quá hiểu rằng tư duy “hòa bình thông qua sức mạnh” không thể áp dụng được đối với Triều Tiên và trong điều kiện hiện nay Mỹ cần phải có sự nhượng bộ nhất định để tìm một giải pháp đột phá nhằm tạo ra bước tiến triển trong hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Làm được điều này, Tổng thống Donald Trump sẽ có được thắng lợi ngoại giao rất quan trọng không chỉ đối với cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào cuối năm 2018 mà còn đối với khả năng tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông vào năm 2020.  

Với nhãn quan chính trị nhạy bén và kiên định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng trong quan hệ với Mỹ, “để có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” và ông đã đạt được vị thế buộc Mỹ phải “lắng nghe” và nhân nhượng. 

Chính trong bối cảnh đó, ông Kim Jong-un chủ động đề xuất gặp và đàm phán trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ và để xuất đó đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận. Không chỉ chủ động đề xuất mà ông Kim Jong-un còn đưa ra “yêu sách” gồm 7 điểm đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Singapore. 

Đó là: (1) Mỹ phải đảm bảo an ninh cho cho Triều Tiên và  cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Bình Nhưỡng; 

(2) Mỹ sẽ dành những khoản đầu tư lớn để phát triển kinh tế của Triều Tiên như họ đã từng đầu tư tương tự ở Trung Quốc trong những năm Bắc Kinh cải cách mở cửa, còn Triều Tiên sẽ mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ và cam kết bảo vệ tin cậy lợi ích của các doanh nhân Mỹ khi họ đầu tư vào Triều Tiên; 

(3) Mỹ không được ngăn cản Triều Tiên và Hàn Quốc hợp tác với nhau trong những lĩnh vực mà hai bên đều thấy cần thiết; 

(4) các cơ quan truyền thông của Hàn Quốc và Mỹ phải chấm dứt hoạt động tuyên truyền sai lệnh và tiêu cực về Triều Tiên; 

(5) Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc và đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi Hàn Quốc sau khi Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa; 

(6) tất cả các lệnh cấm vận Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ phải được dỡ bỏ;

(7) sau khi thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa, Triều Tiên vẫn có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Một số “yêu sách” đó của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận trong bản tuyên bố chung gồm 4 điểm trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore. 

Đó là: (1) Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, còn Triều Tiên khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn; 

(2) Mỹ và Triều Tiên sẽ thiết lập các mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng;

(3) Mỹ khẳng định ủng hộ Tuyên bố Bàn Môn điểm ngày 27-4-2018 giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; 

(4) Mỹ và Triều Tiên tổ chức khôi phục tìm kiếm hài cốt tù binh chiến tranh và người mất tích.

Như vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã vượt qua được quá nhiều rào cản ngăn cách và sự nghi kỵ cũng như hành động thù địch tích tụ trong hơn nửa thế kỷ để tạo ra bước khởi đầu rất cơ bản và quan trọng nhằm thiết lập nền hòa bình ở Đông Bắc Á và vì thế hai ông được nhiều người đề nghị trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2019. 

Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò dư luận của trang mạng newsland.com đến ngày 16-6-2018, chỉ có 16% số người được hỏi cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump xứng đáng nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình. 

Trong khi đó, có tới 72% số người được hỏi cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới là người xứng đáng nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình bởi ông ấy là người có bản lĩnh chính trị và ý chí gang thép, buộc ông Donald Trump phải chấp nhận quá trình phi hạt nhân hóa theo điều kiện của Triều Tiên.

Còn hồ sơ hạt nhân của Iran lại có bản chất hoàn toàn khác, trước hết là chính quyền Teheran chưa sở hữu vũ khí hạt nhân đủ sức răn đe và làm phá sản tư duy “hòa bình thông qua sức mạnh” của Mỹ. 

Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ tuyên bố đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran mà còn đưa ra yêu sách 12 điểm, trong đó có 6 điểm quan trọng. 

Đó là: (1) Iran phải vĩnh viễn từ bỏ chương trình hạt nhân dưới sự kiểm chứng của các thanh sát viên quốc tế;

(2) Iran phải chấm dứt mọi hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo; 

(3) Iran phải rút tất cả các lực lượng nằm dưới quyền kiểm soát và chỉ huy của họ ra khỏi Syria; 

(4) Iran phải ngừng hỗ trợ tất cả các nhóm mà Mỹ coi là khủng bố ở Trung Đông như tổ chức Hezbollah của Lebanon, phong trào Hamas của Palestine và lực lượng người Housi ở Yemen; 

(5) Iran phải hoàn toàn từ bỏ mọi hành động đe dọa và kế hoạch hủy diệt nhà nước Israel; 

(6) Iran phải thả tất cả các công dân Mỹ và các đồng minh cũng như các đối tác của Mỹ từng bị Iran giam giữ.

Rõ ràng, những yêu sách này của Mỹ đã vượt ra ngoài khuôn khổ hồ sơ hạt nhân của Iran nhằm thực hiện toan tính thay đổi chính thể ở Teheran. Bởi vậy, chính quyền Teheran coi đó như là bản tối hậu thư buộc Iran phải “đầu hàng”. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố không chấp nhận các yêu sách này của Mỹ và cho rằng kỷ nguyên Mỹ có thể sử dụng sức mạnh để “bắt nạt” các nước đã qua rồi. 

Ông nhấn mạnh: “Iran sẽ đi theo con đường mà mình đã chọn. Tất cả nhân dân Iran ủng hộ chính phủ. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép Mỹ đưa ra quyết định thay cho cộng đồng quốc tế”.

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.