Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI

Thứ Ba, 06/03/2018, 07:47
Sáng 5-3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, đã diễn ra phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) khóa XIII.

Đây là sự kiện chính trị lớn, tổ chức thường niên, nhằm thảo luận và thông qua các quyết sách lớn của Trung Quốc như dự toán ngân sách, mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ngân sách an ninh, quốc phòng và công tác xây dựng pháp luật.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc Vụ viện Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính Hiệp Du Chính Thanh và nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cùng hơn hơn 2.900 đại biểu Quốc hội đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp nhân dân Trung Quốc đã tham dự hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của quốc gia này.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thay mặt Quốc vụ viện trình bày “Báo cáo công tác của Chính phủ” nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, trong đó điểm lại cụ thể các mặt công tác, đưa ra Quy hoạch tổng thể các lĩnh vực công tác trong năm 2018 và các năm tới, nhấn mạnh những nhiệm vụ và công tác trọng điểm trong 5 năm tới và động viên toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, đồng lòng, dốc sức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu lớn lao “Hai mốc 100 năm”, qua đó từng bước xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ XXI.

Thủ tướng Trung Quốc phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân sáng 5-3. Ảnh: Reuters

Theo ông Lý Khắc Cường, trong 5 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng từ 54.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8.571 tỷ USD) lên 82.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 13.126 tỷ USD), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7,1%, tạo ra hơn 66 triệu việc làm mới ở các đô thị và thành phố, xóa đói giảm nghèo cho hơn 68 triệu người, thu nhập cá nhân đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 7,4% - cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ bản phổ cập bảo hiểm y tế cho 1,35 tỉ người dân Trung Quốc.

Cũng trong báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đàm phán, song sẽ “kiên quyết bảo vệ” các quyền hợp pháp và lợi ích của nước này.

Cùng với đó, Trung Quốc sẽ công bố kế hoạch phát triển phối hợp giữa vùng Quảng Đông - Hong Kong - Macau, nằm trong số các động thái khác nhằm thúc đẩy sự phát triển phối hợp mang tính khu vực của nước này trong năm 2018. Báo cáo nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực cùng có lợi giữa Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.

Ngoài ra, văn bản trên cũng cho biết, chính sách tiền tệ thận trọng của Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì trung lập trong năm nay, trong đó việc nới lỏng hoặc thắt chặt chính sách này chỉ được thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định Trung Quốc có đủ năng lực chặn đứng các nguy cơ hệ thống. Theo ông, các nguy cơ kinh tế và tài chính của Trung Quốc là hoàn toàn có thể xử lý được. Điều nước này cần làm là giải quyết cả các dấu hiệu lẫn nguyên nhân, cũng như thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm xóa bỏ những nguy cơ tiềm tàng.

Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật như gây quỹ bất hợp pháp, gian lận tài chính. Theo đó, Trung Quốc sẽ tăng cường phối hợp trong công tác quản lý tài chính, cải thiện quản lý hoạt động ngân hàng ngầm, tài chính mạng, các công ty tài chính và cải thiện hơn nữa quy định tài chính.

Ông cũng nhấn mạnh đến việc ngăn ngừa và tháo gỡ nguy cơ nợ ở chính quyền địa phương. Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết cải thiện cơ chế để đảm bảo tài chính cho chính quyền địa phương. Dự kiến trong năm nay, trái phiếu đặc biệt của chính phủ địa phương sẽ được phát hành ở mức 1.350 tỷ nhân dân tệ (tương đương 213 tỷ USD), tăng 550 tỷ nhân dân tệ (khoảng 86,9 tỷ USD) so với năm ngoái.

Theo Thủ tướng Trung Quốc, số trái phiếu đặc biệt trên sẽ được dùng hỗ trợ tài chính trong việc thực hiện các dự án hiện nay và phạm vi sử dụng cũng sẽ được mở rộng một cách phù hợp. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ nỗ lực hơn trong việc triển khai chiến lược phát triển lấy đổi mới làm động lực, tiếp tục góp phần giúp nền kinh tế nước này trở nên đổi mới và cạnh tranh.

Các nhóm và lãnh đạo đổi mới sẽ được trao thêm quyền đưa ra quyết định liên quan đến lộ trình công nghệ bởi họ đã sở hữu sẵn nguồn nhân lực, tài chính và các nguồn lực khác. Trung Quốc khuyến khích các du học sinh về nước để theo đuổi kinh doanh và các dự án đổi mới khác, đồng thời sẽ thu hút thêm các tài năng ngoài nước.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ thiết lập một quỹ bảo lãnh tài chính nhà nước, trong đó hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới được niêm yết, cũng như mở rộng chính sách thuế ưu đãi cho các dự án vốn đầu tư mạo hiểm và đầu tư khởi nghiệp.

Về các mục tiêu trong năm 2018, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng trong khoảng 3%, tạo thêm 11 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp khống chế trong mức 4,5%... đưa thu nhập của người dân tăng trưởng đồng bộ cùng tăng trưởng kinh tế, đưa cải cách kết cấu nguồn cung đạt được những tiến triển thực chất cũng như phòng ngừa tốt các rủi ro.

Theo kế hoạch, trong hơn 15 ngày (5 – 20-3) diễn ra kỳ họp, các đại biểu sẽ tiến hành bầu ra Ban lãnh đạo mới của Quốc hội Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc; thẩm định dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong đó có đề xuất bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước trong Hiến pháp; thẩm định và thông qua những nội dung quan trọng khác như báo cáo công tác chính phủ, Báo cáo dự toán ngân sách, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo Luật giám sát, Phương án cải cách bộ máy Quốc vụ viện..

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.