Trung Đông lại “nóng” sau vụ tấn công vào cơ sở dầu khí của Saudi Arabia

Thứ Hai, 16/09/2019, 08:14
Với việc hai cơ sở khai thác dầu mỏ quan trọng bị tấn công, hơn một phần hai sản lượng dầu của Saudi Arabia bị ảnh hưởng, tương đương với 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày (5% nguồn cung toàn thế giới), đồng thời làm dấy lên lo ngại về gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông.


Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái xảy ra rạng sáng 14-9 tại hai nhà máy sản xuất dầu ở hai thành phố Abqaiq và Khurais, thuộc quản lý của công ty dầu khí nhà nước Aramco của Saudi Arabia. Đại diện của Aramco xác nhận rằng dù vụ tấn công không gây ra thương vong nhưng sản lượng dầu thô của công ty giảm 5,7 triệu thùng/ngày, đồng thời cho biết công ty đang khôi phục sản xuất và thông tin sẽ được cập nhật trong 48 tiếng kể từ vụ tấn công. Aramco là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Năm 2017, công ty này có trữ lượng tương đương 260,2 tỷ thùng dầu và trữ lượng có tuổi thọ lên đến 54 năm. Công ty này sản xuất 10,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, theo số liệu năm ngoái, với chi phí sản xuất dầu thô thấp nhất thế giới, ở mức chỉ 2,8 USD/thùng.

Khói bốc lên từ hiện trường vụ tấn công ở nhà máy dầu tại Abqaiq, Saudi Arabia. Ảnh Reuters

Aramco sử dụng đến 76.000 nhân viên trong năm 2018, làm việc trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, cơ sở nghiên cứu, các văn phòng trên toàn thế giới. Lực lượng Houthi tại Yemen sau đó đã đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này. Kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của Houthi cũng cho biết lực lượng này đã mở một chiến dịch quy mô lớn gồm 10 máy bay không người lái nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ nói trên.

Hồi tháng trước, Houthi thừa nhận thực hiện một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Aramco tại Shaybah, gần biên giới với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, nhưng không gây thương vong. Nhóm này cũng đã tấn công hai trạm bơm dầu của đường ống dẫn dầu quan trọng tại Saudi Arabia, khiến hai trạm này phải dừng hoạt động trong nhiều ngày.

Bất chấp tuyên bố của Houthi, Mỹ vẫn cho rằng Iran đứng đằng sau vụ tấn công. Trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết “không có bằng chứng gì cho thấy vụ tấn công này có nguồn gốc từ Yemen”. Mặc dù vậy, hiện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc của ông Pompeo.

Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia John Abizaid cho biết Mỹ “phản đối mạnh mẽ các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu ở Abqaiq và Khurais. Những vụ tấn công này nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, gây nguy hiểm cho dân thường, không thể chấp nhận được”. Những tuyên bố từ Mỹ thấy lập trường “diều hâu” hơn của Washington đối với Tehran, sau những dấu hiệu về sự “tan băng” trong quan hệ giữa hai nước.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng gặp gỡ với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nhiều khả năng là bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Ông Pompeo cho biết các cuộc đàm phán như vậy có thể diễn ra mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Về phần mình, ông Rouhani đã nói rằng Tehran sẽ không đàm phán với Mỹ cho đến khi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Nhà Trắng ngày 15-9 thông báo Mỹ cam kết bình ổn thị trường dầu mỏ sau vụ tấn công trên. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết nước này sẵn sàng “mở” kho dầu dự trữ chiến lược nếu cần thiết. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cho biết bộ của ông sẽ cùng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cơ quan điều phối chính sách năng lượng của các quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới, trong trường hợp cần một hành động toàn cầu.

Thái tử Saudi Mohammed bin Salman cho biết trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Riyadh có ý chí và khả năng “đối đầu và đối phó với sự xâm lược của khủng bố” này, theo hãng thông tấn SPA của Saudi. Đáp lại, ông Trump đã nói với Thái tử Saudi rằng Washington sẵn sàng hợp tác với Riyadh để đảm bảo an ninh.

Đại diện Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến có liên quan. Nhiều nước Arab vùng Vịnh và Ai Cập cũng lên án vụ tấn công. Trong một thông cáo, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Martin Griffiths cho rằng, sự leo thang căng thẳng mới nhất này là cực kỳ đáng lo ngại, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh những bước đi có thể gây nguy ngại tới tiến trình đàm phán mà Liên hợp quốc đang thúc đẩy.

Theo các chuyên gia, những vụ tấn công của nhóm nổi dậy người Houthi cho thấy, lực lượng này có trong tay những loại vũ khí tối tân và là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Saudi Arabia, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nước này.

Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 15-9 bác bỏ những lời buộc tội của Mỹ rằng Tehran đứng đằng sau vụ tấn công. Không dừng lại ở đó, Chỉ huy Lực lượng Không quân của Vệ binh Cách mạng Iran Amirali Hajizadeh cùng ngày cũng cho biết tất cả các “căn cứ quân sự và tàu sân bay của Mỹ trong bán kính 2.000km từ Iran đều nằm trong tầm bắn của tên lửa” nước này.

Hãng tin Tasnim còn đưa tin cho biết, Chỉ huy này cũng nhấn mạnh rằng “Iran luôn sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện”, dù không đề cập đến vụ tấn công vào nhà máy dầu của Saudi Arabia.

Căng thẳng trong khu vực vốn dĩ đã leo thang sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được hồi năm 2015 và tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Những vụ tấn công như trên cũng đang đổ tiếp dầu vào chảo lửa căng thẳng ngày một nghiêm trọng tại vùng Vịnh, sau các vụ tấn công và những hành vi phá hoại nhằm vào các tàu chở dầu hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua, mà Mỹ và Saudi Arabia đều quy trách nhiệm cho Iran, bất chấp sự bác bỏ mạnh mẽ của nước này.

Đỉnh điểm là vụ máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ mới đây do xâm phạm không phận Iran đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện, với việc Tổng thống Donald Trump thậm chí còn định tiến hành các cuộc không kích đáp trả, song sau đó đã hủy vào phút chót.

Duy Tiến
.
.
.