Triều Tiên "thử” phản ứng của ông Donald Trump?

Thứ Hai, 13/02/2017, 09:30
CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ thử tên lửa đầu tiên trong năm 2017 khi phóng một tên lửa đạn đạo vào khoảng 7h55 ngày 12-2 (giờ địa phương). 

Vụ thử diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Washington, trong đó hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phối hợp đảm bảo phòng thủ mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc xác nhận, quả tên lửa được phóng đi từ căn cứ không quân Banghyon, phía Bắc tỉnh Pyongan của CHDCND Triều Tiên và “đã bay về phía Đông, hướng đến vùng biển Nhật Bản”, đồng thời nhấn mạnh đây là một tên lửa đạn đạo. Địa điểm mà Bình Nhưỡng thử tên lửa lần này cũng là nơi họ thử tên lửa tầm trung Musudan trong các ngày 15 và 20-10-2016.

Theo giới chức Hàn Quốc cho biết, quả tên lửa này bay được khoảng 500km trên không trước khi rơi xuống khu vực biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ngay lập tức ra tuyên bố lên án vụ thử tên lửa này của CHDCND Triều Tiên, khẳng định hành động này không chỉ là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và cộng đồng quốc tế.

Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cho biết, Seoul đang làm hết sức mình để đáp trả “một cách tương xứng nhằm trừng phạt Triều Tiên về vụ phóng tên lửa”. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp an ninh vào sáng cùng ngày nhằm đánh giá các bước tiếp theo sau vụ phóng tên lửa trên.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên có thể là hành động khiêu khích nhằm “thử phản ứng” của chính quyền mới ở Mỹ. Trong một tuyên bố, quân đội Hàn Quốc gọi đây là hành động “phô trương sức mạnh” của Bình Nhưỡng trước lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump đối với CHDCND Triều Tiên.

Nhật Bản cũng đã tổ chức cuộc họp báo để lên án hành động của Bình Nhưỡng. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga xác nhận, quả tên lửa đã rơi xuống vùng biển của Nhật Bản song không rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Phía Nhật Bản chưa có thông tin về thiệt hại sau vụ CHDCND Triều Tiên thử tên lửa. Tuy nhiên, ông Suga nhấn mạnh, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là hành động gây hấn đối với an ninh của Nhật Bản và khu vực. Nhật Bản sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao. Cụ thể, ngay trong ngày 12-2, Tokyo đã trao công hàm phản đối Bình Nhưỡng về vụ phóng tên lửa.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomo Inada cũng thẳng thừng tuyên bố quân đội nước này đã được điều động gấp, tập trung vào việc thu thập thông tin về vụ phóng tên lửa và giám sát kỹ những động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng xung quanh vụ việc này.

Trong khi đó, phát biểu từ Washington, một quan chức Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Trump đã được báo cáo về vụ phóng tên lửa này và Nhà Trắng đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình. Theo quan chức trên, Washington có thể sẽ tăng cường sức ép lên Trung Quốc để nước này kiềm chế CHDCND Triều Tiên, phản ánh quan điểm mà ông Trump từng tuyên bố trước đó là Bắc Kinh chưa đủ nỗ lực về phương diện này.

Quan chức trên cho biết thêm rằng, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ sẽ xem xét một loạt các phương án để phản ứng, trong đó có các lệnh trừng phạt mới nhằm siết chặt kiểm soát tài chính, tăng cường khí tài trên biển và trên không của Mỹ ở trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên, đồng thời đẩy nhanh triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, quan chức trên cũng khẳng định do vụ thử này dường như không phải là vụ thử tên lửa liên lục địa như Bình Nhưỡng từng đe dọa và CHDCND Triều Tiên cũng chưa tiến hành vụ thử hạt nhân mới nên Washington sẽ cố gắng tránh làm leo thang căng thẳng trong phản ứng của mình.

Không chỉ liên minh Mỹ - Nhật - Hàn nổi đóa về hành động gây hấn này của CHDCND Triều Tiên mà ngay Chính phủ Trung Quốc cũng tỏ ra không hài lòng. Bắc Kinh tỏ ra rất thất vọng về việc Bình Nhưỡng cứ lặp đi lặp lại những động thái nhằm khiêu khích Washington và Seoul, mặc dù các nước này đã nhiều lần đưa ra cảnh cáo với CHDCND Triều Tiên.

Vài ngày trước khi diễn ra vụ thử tên lửa mới nhất này, CHDCND Triều Tiên đã công bố kế hoạch tăng cường các vụ thử tên lửa mà theo nước này là “hoàn toàn vì mục đích phòng vệ”. Tuy nhiên, tuyên bố của phía Triều Tiên đã vấp phải sự chỉ trích của các nước nghi ngờ rằng, Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ lưỡng dụng trong việc này để phát triển các loại tên lửa tấn công.

Ông Kim Dong-yeop, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Viễn Đông tại Seoul cho rằng, quả tên lửa mà CHDCND Triều Tiên đang thử là Musudan hoặc một loại tương tự. Nếu thử thành công, động cơ của quả tên lửa này sẽ được sử dụng cho các quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của CHDCND Triều Tiên có khả năng tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Điều này từng được nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra trong bài diễn văn nhân dịp năm mới 2017 khi ông khẳng định CHDCND Triều Tiên đã tiến tới “giai đoạn cuối cùng” trong việc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoàn toàn có khả năng chạm đến lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn có quan điểm hết sức khác biệt về việc Bình Nhưỡng đã sở hữu tên lửa tầm xa đáng tin cậy có thể gắn đầu đạn hạt nhân để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ hay chưa.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.