Triều Tiên cần gì sau vụ phóng tên lửa đầu tiên trong năm 2020?

Thứ Ba, 03/03/2020, 08:09
Triều Tiên đã phóng hai vật thể không xác định vào ngày 2-3, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Hàn Quốc cho biết. Đây là vụ phóng đầu tiên như vậy kể từ khi Triều Tiên cảnh báo về "một vũ khí chiến lược mới" hồi đầu năm nay.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo các vật thể nghi là tên lửa được phóng từ bãi thử ở TP Wonsan, phía Đông Triều Tiên vào sáng 2-3. Các quả đạn bay được 240km và đạt độ cao tối đa 35km.

"Quân đội của chúng tôi đang theo dõi tình hình trong trường hợp Triều Tiên phóng thêm và chúng tôi đang duy trì tư thế sẵn sàng", JCS cho biết.

Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ ngày 28-11 năm ngoái, khi nước này phóng hai tên lửa từ vị trí được cho là một bệ phóng nhiều tên lửa siêu lớn. Trước vụ phóng vài ngày, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên cũng đã đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã tiến hành thị sát các cuộc tập trận quân sự, cho thấy Triều Tiên vẫn đang duy trì các hoạt động quân sự.

Người dân Hàn Quốc xem bản tin về việc Triều Tiên phóng hai vật thể không xác định hôm 2-3. Ảnh: Reuters.

Năm ngoái, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa 13 lần trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ với Mỹ. Các vũ khí được thử nghiệm bao gồm các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

"Bình Nhưỡng đang tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn lực cho chương trình tên lửa", Ủy ban Cấm vận Triều Tiên (SCNK) thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết trong một báo cáo mật hồi tháng trước. Trong thông điệp năm mới 2020, Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã tuyên bố Bình Nhưỡng không còn coi là bị ràng buộc bởi các lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo hạt nhân và xuyên lục địa, đồng thời đe dọa sớm trình diễn "vũ khí chiến lược mới".

Các chuyên gia cho biết "vũ khí chiến lược" có thể có nghĩa là một phiên bản tiên tiến của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc SLBM.

Vài giờ sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc đã triệu tập các quan chức cấp cao Hàn Quốc bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Suh Hoon trong một cuộc họp khẩn do Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong chủ trì.

Thông cáo báo chí được đưa ra sau cuộc họp cho biết các bộ trưởng kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động tương tự, vốn "không hữu ích cho các nỗ lực giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên”.

Nhà Xanh cho biết thêm, các quan chức đã "bày tỏ lo ngại đặc biệt" về việc Triều Tiên leo thang căng thẳng với các cuộc diễn tập "liên tục" ở gần TP Wonsan và nối lại việc phóng các vật thể bay tầm ngắn sau gần ba tháng. Tuy nhiên, Hàn Quốc không coi vụ phóng mới là một hành động khiêu khích.

Nói về vụ phóng hôm 2-3 của Bình Nhưỡng, tờ NKNews dẫn lời một chuyên gia cho hay, đây như là một “cuộc thử nghiệm khả năng tác chiến” thường được Chủ tịch Kim Jong-un chỉ đạo thực hiện vào tháng 3 hằng năm. “Về mặt lịch sử, dưới thời Kim Jong-un, Triều Tiên thường chắc chắn thử nghiệm tên lửa vào tháng 3, như một động thái mạnh mẽ nhằm phản ứng lại các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc”, Ankit Panda, chuyên viên cao cấp tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Ankit Panda, lần phóng này cũng cho thấy một sự tương phản, vì Chủ tịch Kim vẫn tiếp tục chỉ đạo các cuộc tập trận diễn ra bình thường ngay cả khi Mỹ-Hàn vừa quyết định hoãn đợt tập trận chung mùa xuân do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Giới chuyên gia cho rằng việc Bình Nhưỡng liên tục tiến hành nhiều hoạt động quân sự nhằm tăng cường sĩ khí quân đội, đồng thời cho thấy nước này không chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Trong bối cảnh tiến trình ngoại giao nhằm thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ, Tổng thống Donald Trump và các quan chức hàng đầu của Mỹ đã kiềm chế phần lớn cuộc thảo luận về vấn đề Triều Tiên trong nhiều tháng trở lại đây, vậy nên việc Washington chưa đưa ra bất kỳ phản ứng gì trước vụ thử tên lửa hôm 2-3 của Bình Nhưỡng là điều “khá dễ hiểu”.

“Hiện chưa rõ Mỹ sẽ phản ứng như nào với vụ phóng tên lửa, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ xử lý tốt chuyện này”, ông Andrei Lankov, một chuyên gia kỳ cựu về Bán đảo Triều Tiên nhận định. Đồng thời, ông Andrei Lankov nói thêm rằng vụ phóng đối với Triều Tiên chỉ là một màn trình diễn quân sự, cũng như một “lời nhắc nhở” về sự tồn tại của họ, và có thể là một cách để có được những thông số kỹ thuật quân sự hữu ích.

“Cuộc thử nghiệm tên lửa lần này không chỉ liên quan tới chính trị, mà còn cả về kỹ thuật nữa”, ông Andrei Lankov cho hay.

Cao Trung (Tổng hợp)
.
.
.