Tranh cãi về hệ thống phòng thủ THAAD ở bán đảo Triều Tiên
- Triều Tiên nắn gân Mỹ khi phóng tên lửa phóng từ tàu ngầm
- Hãi tên lửa Triều Tiên, Hàn Quốc phải nhờ đến công nghệ S-400 của Nga
- Phản ứng của cộng đồng quốc tế về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết, trưa 9-7, CHDCND Triều Tiên đã phóng một vật thể được cho là SLBM từ khu vực biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. Nguồn tin này cũng khẳng định, vụ phóng tên lửa này đã thất bại.
Các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Hàn Quốc về THAAD đang khiến cho tình hình ở bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng. Ảnh: UPI. |
Hiện chưa có bình luận nào từ phía Bình Nhưỡng song theo nhiều nhà phân tích, đây có thể là hành động trả đũa nhằm vào việc Mỹ công khai lệnh trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên và chuyện Seoul-Washington tuyên bố chính thức về hệ thống phòng thủ THAAD. Hôm 8-7, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã hối thúc Mỹ rút lại lệnh trừng phạt công bố hôm 6-7 đối với nhà lãnh đạo nước này là ông Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao khác với các cáo buộc liên quan đến nhân quyền.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) còn đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ, Mỹ đã vượt qua ranh giới và động thái lần này là “tội ác xấu xa nhất không bao giờ có thể tha thứ”. Chính quyền Bình Nhưỡng còn khẳng định rằng, việc Mỹ dám thách thức quyền lực cao nhất của CHDCND Triều Tiên là “hành động thù địch tồi tệ nhất”. Riêng về THAAD, Bình Nhưỡng đã dọa sẽ trả đũa đích đáng nếu Hàn Quốc tham gia vào dự án do Mỹ đề xướng.
Theo các nhà phân tích, tình hình ở bán đảo Triều Tiên ngày càng diễn biến phức tạp. Các vụ thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng trong 6 tháng đầu năm cùng động thái mới của cả Washington và Seoul đã khiến cho hai bên trở nên đối đầu mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Thêm vào đó, việc Mỹ và Hàn Quốc công bố quyết định hoàn tất đàm phán và sẽ triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc chậm nhất vào cuối năm 2017 đã trở thành cái cớ để Bình Nhưỡng thực hiện thêm những hoạt động chống đối khác. Chưa hết, hệ thống THAAD còn là nguyên nhân châm ngòi mâu thuẫn mới giữa Nga-Mỹ, Trung Quốc-Mỹ.
Mặc dù đến nay, cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định rằng hệ thống này có mục tiêu duy nhất là đối phó với các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên chứ không nhằm vào bên thứ 3 song cả Moskva và Bắc Kinh đều kịch liệt phản đối. Bộ Ngoại giao Nga hôm 8-7 còn ra tuyên bố cảnh báo rằng việc Mỹ triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc sẽ gây ra những hậu quả không thể bù đắp được. Ủy ban an ninh và quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga cũng cảnh báo nước này có thể triển khai các đơn vị tên lửa tại khu vực phía Đông đất nước.
Còn Trung Quốc thì cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích an ninh chiến lược của nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, việc triển khai hệ thống THAAD không giúp ích gì cho mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích an ninh, chiến lược cũng như cân bằng chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ lo ngại về tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và khẳng định, đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Với cương vị là người lãnh đạo LHQ, ông Ban Ki-moon cũng sẵn sàng góp phần cải thiện mối quan hệ và nối lại các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc-CHDCND Triều Tiên cũng như các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề này.
Được biết, THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa độc đáo, độ chính xác cao, có khả năng chống lại các mối đe dọa trên toàn thế giới với khả năng di động và các đơn vị chiến lược. Đây là loại hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới. Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu nói đến vấn đề này từ tháng 10 năm ngoái khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có chuyến thăm Nhà Trắng.
Đến tháng 2 vừa qua, sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân lần thứ 4, các cuộc đàm phán về THAAD được thúc đẩy nhanh hơn. Phía Mỹ hiện đang xem xét 4 địa điểm ở Hàn Quốc để triển khai THAAD. Trước đó, vào tháng 4-2013, THAAD cũng được đưa tới đảo Guam nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích từ CHDCND Triều Tiên và bảo vệ khu vực Thái Bình Dương.