Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thăm Mỹ: Bế tắc liệu có được tháo gỡ?
- Ông Trump nói Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 là thách thức nghiêm trọng
- Phiên điều trần luận tội ông Trump được phát trực tiếp trên truyền hình Mỹ
Chuyến thăm lần này của ông Erdogan tới thủ đô Washington diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ song phương, từ việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd tại Syria đến việc Ankara mua lại hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, cũng như sự tức giận của Ankara đối với việc Hạ viện Mỹ thừa nhận nạn diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman cách đây một thế kỷ.
Tuy nhiên, ông Erdogan khẳng định bất chấp những bất đồng, hai nước sẽ cải thiện quan hệ song phương. Về phần mình, ông Trump nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ một đồng minh tuyệt vời của NATO và là đối tác chiến lược của Mỹ.
Sau cuộc gặp được trông đợi tại Nhà Trắng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm, ông Trump cho biết mình là “một người hâm mộ cực lớn” của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và rằng hai người đã có cuộc gặp “rất hiệu quả”. Thế nhưng, cả hai nhà lãnh đạo đều không đi sâu giải thích về cách mà hai nước sẽ vượt qua sự khác biệt.
Lảng tránh vấn đề Syria
Sau nhiều tuần căng thẳng và thậm chí đôi khi là bối rối, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi mối quan hệ đặc biệt với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, dù vẫn lảng tránh khi nhắc về Syria.
Trong cuộc họp báo chung hôm 13-11 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Thổ, ông Erdogan không đề cập đến nội dung bức thư người đồng cấp Mỹ gửi cho mình hôm 9-10 cảnh báo về cuộc tấn công của quân đội nước này vào Syria với lời kết cảnh báo: “Không nên hành động dại dột!”, đồng thời cho biết đã trả lại bức thư này trong cuộc gặp trước đó với ông Trump.
“Tôi đã gửi trả bức thư cho Tổng thống Donald Trump và tôi cũng nhấn mạnh rằng, một kẻ khủng bố như thủ lĩnh nhóm nổi dậy người Kurd không nên được một nước như là Mỹ xem như một bên đối thoại. Đối với tôi, rất khó để hiểu lập trường này, trong bối cảnh chúng tôi đang cố gắng chống khủng bố ở quy mô toàn cầu”, Tổng thống Erdogan cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Washington DC, ngày 13-11. Ảnh: Reuters. |
Chuyến thăm của ông Erdogan tới Nhà Trắng – một tháng sau khi ông Trump rút quân Mỹ khỏi Syria dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch ở miền Bắc Syria – đã được lên kế hoạch để tạo sóng dư luận ngay trước khi phe Dân chủ thông báo họ bắt đầu điều trần luận tội công khai chống lại Tổng thống trong cùng ngày 13-11.
Mặc dù đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt nhằm "hủy diệt" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sau những hoạt động quân sự ở Syria, thế nhưng tại cuộc họp báo hôm 13-11, ông Trump không hề lên án chiến dịch và cũng không đưa ra cáo buộc nào đối với Ankara.
Thương vụ S-400 là “thách thức rất nghiêm trọng”
Trong cuộc gặp hôm 13-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từ bỏ việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, cho đây là thách thức nghiêm trọng đối với quan hệ song phương.
“Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống thiết bị quân sự tinh vi của Nga, như S-400, đã tạo ra thách thức rất nghiêm trọng đối với chúng ta”, ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo. Chỉ một vài phút sau cuộc họp báo, Nhà Trắng đưa ra một thông cáo với ngôn từ cứng rắn hơn hai nhà lãnh đạo.
“Để đạt được tiến trình trên các mặc trận khác, điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga và tăng cường mối quan hệ đối tác quốc phòng”, theo Nhà Trắng.
Washington cho biết việc mua hệ thống của Nga không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO và cũng là mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin. Mỹ cũng đang lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng hướng về Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối những lời đe dọa về trừng phạt của Mỹ và bắt đầu nhận các đơn hàng S-400 đầu tiên từ tháng 7 vừa qua. Để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã cấm bán F-35 cho nước này và loại bỏ Ankara khỏi chương trình sản xuất loại máy bay này với sự tham gia của nhiều nước đồng minh.
Ngày 13-11, hai lãnh đạo cho biết sẽ cố gắng giải quyết vấn đề nhưng không nói rõ sẽ giải quyết bằng cách nào. “Chúng tôi đã yêu cầu ngoại trưởng cũng như cố vấn an ninh để giải quyết vấn đề S-400”, ông Trump nói. Tổng thống Erdogan cho biết hai nước có thể khắc phục tranh chấp thông qua đối thoại.
Có thể thấy, thái độ của ông Trump khi đón tiếp ông Erdogan lại nồng ấm đến lạ thường, điều này trái với những dự đoán ban đầu của các nhà phân tích về một cuộc gặp “căng thẳng” giữa hai nhà lãnh đạo. Trong bối cảnh bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần và ông Trump hiện hướng tới hoàn thành lời hứa tranh cử, chấm dứt sự can dự của Mỹ tại Syria và rút quân đội về nước.
Khi ấy, sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở đây có thể duy trì sự ổn định, tạo điều kiện để ông Trump rút quân khỏi Syria và tự tin để gọi đó là một “chiến thắng”. Thế nên những sự đón tiếp “nồng ấm” của ông Trump dành cho ông Erdogan có thể là yếu tố quan trọng trong việc tái thiết lại quan hệ giữa hai quốc gia vốn là những đồng minh thân cận.