Tổng thống Pháp Macron mang "tham vọng lớn" đến Anh quốc

Thứ Năm, 18/01/2018, 08:04
Trong bối cảnh Anh quốc đang triển khai tiến trình tách khỏi Liên minh châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến thăm nước này vào ngày 18-1. Dù là lần đầu tiên đến Anh kể từ khi nhậm chức nhưng ông Macron ấp ủ nhiều tham vọng lớn trong chuyến thăm này, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước và giải quyết vấn đề nhập cư.

Chuyến thăm đến Anh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Anh - Pháp lần thứ 35 được tổ chức tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst. Theo thông tin từ phía quan chức Anh, nội dung các cuộc đàm phán sẽ bao trùm toàn bộ các vấn đề song phương gồm cả giáo dục, khoa học kỹ thuật và đổi mới.

Một ngày trước khi Hội nghị diễn ra, đã có rất nhiều đồn đoán xoay quanh nội dung mấu chốt của các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Anh, trong đó phần lớn đều chỉ ra vấn đề nóng tác động trực tiếp đến mối quan hệ hợp tác song phương cũng như chính sách đối ngoại và kinh tế của hai nước này.

Tiến trình thực thi Hiệp ước Le Touquet

Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng di cư và việc nước Anh quyết định rời khỏi mái nhà chung châu Âu (Brexit) đang làm gia tăng bất đồng về hiệp ước Le Touquet 2003 giữa Anh và Pháp.


Hiệp ước Le Touquet cho phép quan chức Anh tiến hành thủ tục nhập cảnh cho người dân vào Anh tại đầu đường hầm xuyên eo biển Mache ở thành phố Calais của Pháp. Việc thực thi Hiệp ước Le Touquet thể hiện quyết tâm của chính phủ Anh và Pháp nhằm duy trì đường huyết mạch kinh tế quan trọng giữa hai nước.

Nhưng chính vì thỏa thuận này mà hàng chục nghìn người di cư muốn đến Anh đã bị chặn tại Calais và gây ra tình trạng mất ổn định tại đây. Reuters cho biết, trong ba năm qua, Anh đã chi 140 triệu euro (171 triệu USD) cho hạ tầng an ninh và biên giới. Song, giới chức Pháp lại cho rằng Anh cần phải có trách nhiệm và can thiệp sâu hơn trong vấn đề này.

Trong quá trình tranh cử, Tổng thống Macron đã từng lên tiếng cảnh báo rằng Pháp không còn là "bảo vệ bờ biển" của Anh và ông muốn đưa Hiệp ước này quay trở lại bàn đàm phán.

Như một động thái để hiện thực hóa điều này, chỉ hai ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Anh-Pháp lần thứ 35, Tổng thống Macron đã có chuyến thăm đến trung tâm tiếp nhận người di cư gần Calais - nơi trú chân của hàng chục nghìn người tị nạn nuôi hi vọng có thể sang Anh.

Phát biểu trước các lực lượng an ninh ở Calais, Tổng thống Macron cho biết sẽ tăng cường các nguồn lực để đảm bảo duy trì an ninh trong khi thực thi một chính sách di cư công bằng. Tổng thống Pháp khẳng định, Calais không phải là cửa sau để vào nước Anh, và Pháp sẽ không chấp nhận bất kỳ mạng lưới bất hợp pháp nào phát triển tại đây.

Theo đó, những người di cư sẽ không thể trở lại khu lán trại tị nạn gần cảng Calais vốn bị nhà chức trách Pháp xóa sổ hồi tháng 10-2016. Tổng thống Pháp đồng thời bày tỏ hy vọng Anh sẽ nhất trí tiếp nhận thêm người tị nạn và trả thêm chi phí để đảm bảo an ninh biên giới với Pháp.

Trong một động thái có liên quan, tờ Telegraph ngày 15-1 cho biết, Anh quốc đã đồng ý rằng Hiệp ước Le Touquet sẽ không tiếp tục ở dạng hiện tại và chấp nhận một giải pháp bổ sung hoặc một Hiệp ước mới. Do đó, nhiều khả năng Tổng thống Macron sẽ không "trắng tay ra về" trong vấn đề nhập cư tại Hội nghị Thượng đỉnh Anh - Pháp lần thứ 35.

Tham vọng liên minh quốc phòng

Một tham vọng lớn hơn mà các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Pháp kỳ vọng sẽ có thể đạt được trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần này, đó chính là “cái gật đầu” của giới chức Anh về việc tham gia ủng hộ kế hoạch cải cách quốc phòng châu Âu do chính ông Macron đề xuất.

Trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ xây dựng một “cộng đồng quốc phòng châu Âu” với học thuyết quân sự và ngân sách chung, đồng thời có khả năng can dự giải quyết các vấn đề quốc tế.

Những định hướng cải tổ nền quốc phòng EU trên nếu được hiện thực hóa sẽ không chỉ củng cố tình hình an ninh của châu Âu mà còn giúp tăng cường sức mạnh về năng lực quốc phòng của chính Paris.

Trong khi đó, Vương quốc Anh hiện đang chi cho quốc phòng nhiều hơn bất kỳ nước châu Âu nào khác, với khoảng 36 tỷ bảng Anh trong năm ngoái so với mức 32 tỷ bảng của Pháp. Cần lưu ý thêm rằng, Pháp là đồng minh châu Âu quan trọng nhất của Anh, và ngân sách quốc phòng của hai nước chiếm gần một nửa ngân sách quốc phòng của toàn châu Âu.

Đồng thời, hai nước đã ký kết Hiệp ước Lancaster House năm 2010  nhằm tăng cường sự hợp tác song phương về an ninh quốc phòng. Vì vậy, sự ủng hộ của Anh sẽ "chắp thêm đôi cánh" cho kế hoạch và tham vọng quân sự châu Âu của Tổng thống Pháp.

Nhà phân tích quốc phòng Francis Tusa nhận định, quyết định của ông Macron là hết sức thức thời, bởi Tổng thống Pháp hiểu rằng bất cứ sáng kiến nào trong tương lai gần của châu Âu sẽ khó lòng thực hiện nếu không có sự hiện diện của Vương quốc Anh - một trong những cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu.

Về phía Anh, không thể phủ nhận rằng, quốc phòng vẫn chiếm vị trí quan trọng với nền kinh tế nước này. Financial Times nhận định, sau cuộc “ly hôn” với châu Âu, Anh chắc chắn vẫn phải tìm kiếm hướng hợp tác với các quốc gia trong châu Âu để phát triển các công nghệ mới.

Việc tăng cường hợp tác song phương với Pháp hậu Brexit cũng sẽ hỗ trợ Anh trong quá trình củng cố và xây dựng quan hệ đối tác với các thị trường lớn tại “lục địa già”. Hội nghị Thượng đỉnh Anh - Pháp lần thứ 35 hứa hẹn sẽ chứng kiến cái "bắt tay" lịch sử mới trong hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May tại Paris hồi tháng 6-2017. Ảnh: News Sky
An Nhiên
.
.
.