Tình hình Iran gây chia rẽ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Chủ Nhật, 07/01/2018, 07:41
Phiên họp khẩn cấp ngày 5-1 (giờ địa phương) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) để thảo luận về làn sóng biểu tình bạo lực tại Iran đã diễn ra trong bầu không khí bị chia rẽ và không đưa ra được bất cứ tuyên bố chung nào.


Mỹ cho rằng, biểu tình ở Iran có thể biến thành xung đột lớn, trong khi Tehran nói Washington đang lạm dụng quyền của một Ủy viên thường trực HĐBA.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã lập luận rằng những cuộc biểu tình cả chống đối và ủng hộ chính phủ kéo dài 1 tuần qua tại Iran có thể biến thành một cuộc xung đột toàn diện, giống như ở Syria. Trong khi đó, Nga chỉ trích việc Mỹ hối thúc đưa vấn đề Iran ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) cho rằng những cuộc biểu tình ở nước này không phải là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cảnh báo HĐBA LHQ chớ nên can thiệp vào các vấn đề của Iran, đồng thời cho rằng, cuộc họp khẩn của HĐBA là âm mưu nhằm lợi dụng tình hình rối ren tại Iran để phá hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ Iran. Ảnh: Reuters

Moscow phản đối cuộc họp, cho rằng những cuộc biểu tình tại Iran không ảnh hưởng gì tới an ninh, hòa bình thế giới, song cũng không cản trở phiên họp. Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre cũng có quan điểm tương tự.

Ông lưu ý rằng, cần cảnh giác với bất cứ động thái nào nhằm lợi dụng cuộc khủng hoảng vì mục đích cá nhân, từ đó dẫn đến kết quả trái ngược với mong muốn. Cùng chung quan điểm với Nga và Pháp, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Ngô Hải Đào nhấn mạnh rằng, thảo luận về tình hình nội địa của Iran tại LHQ “không giúp giải quyết vấn đề nội địa của Iran”.

Về phần mình, Đại sứ Iran tại LHQ Khoshroo chỉ trích việc Mỹ yêu cầu HĐBA nhóm họp về các cuộc biểu tình tại Iran là “hành động lạm dụng quyền lực của một ủy viên thường trực”. Đại sứ Khoshroo cũng cho biết Chính phủ Iran có những “bằng chứng rõ rệt” cho thấy, các cuộc biểu tình gần đây tại Iran “rõ ràng là được chỉ đạo từ nước ngoài”.

Trước đó, hôm 4-1, Iran đã trực tiếp đổ lỗi cho một quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về các cuộc biểu tình kéo dài một tuần qua nhằm kêu gọi lật đổ nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tổng công tố Iran Mohammad Jafar Montazeri tuyên bố quan chức CIA này đứng đầu một chiến dịch nhận được sự hỗ trợ tình báo từ phía Israel và tài chính từ Saudi Arabia – hai “kẻ thù” lớn nhất của Iran ở khu vực.

Theo ông Montazeri, quan chức CIA này đã tìm cách câu kết với các nhóm người Iran lưu vong và chuẩn bị nhiều kịch bản mà trong đó có biểu tình. Âm mưu này nhằm kích động đối tượng bất đồng chính kiến từ trong nước để gây rối loạn Tehran. Ông cho rằng kế hoạch của CIA là nhằm biến biểu tình thành cuộc nổi dậy “có vũ trang” vào giữa tháng Hai, nhân dịp kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Cũng trong ngày 5-1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, việc Mỹ kêu gọi LHQ họp bất thường để thảo luận về sự bất ổn ở Iran là can thiệp vào chủ quyền của Tehran.

Thứ trưởng Ryabkov nói thêm tuyên bố của Tehran rằng các thế lực nước ngoài kích động các buộc biểu tình không phải là vô căn cứ, và Mỹ đã sử dụng bất cứ biện pháp khả thi nào để gây mất ổn định cho các chính phủ mà Washington không thích.

Trước đó, ngày 4-1, quan chức ngoại giao Nga cũng đã cảnh báo Washington không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai tuyên bố ủng hộ những người biểu tình gây bạo loạn tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ông Ryabkov cũng nhấn mạnh bất chấp các âm mưu xuyên tạc sự thật về những gì đang diễn ra ở Iran, Nga tin tưởng nước láng giềng Iran sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay.

Kể từ ngày 28-12-2017 tới nay, tổng cộng đã có 21 người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt giữ do các cuộc biểu tình phản đối những khó khăn kinh tế biến thành bạo lực tại Iran, với các cuộc tấn công nhằm vào các tòa nhà chính phủ và đồn cảnh sát.

Song song với biểu tình chống chính phủ là các cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ diễn ra trên khắp thủ đô Tehran trong 3 ngày qua trong khi chính quyền nỗ lực dập tắt bạo lực. Trong ngày 5-1, hàng chục nghìn người đã tham gia vào các cuộc tuần hành trên khắp đất nước Iran để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ và phản đối những cuộc biểu tình chống đối gần đây.

Phát biểu trước các tín đồ Hồi giáo tại Đại học Tehran, giáo sỹ Ahmad Khatami đã kêu gọi giới chức Iran “xử lý” mạnh tay đối với những kẻ kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ mới đây, đồng thời đề nghị Tehran quan tâm hơn nữa đến những khó khăn kinh tế của người dân.

Các cuộc biểu tình lần này thể hiện sự bất mãn của công chúng ở mức độ rộng khắp và nghiêm trọng nhất tại Iran kể từ thời điểm Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử vào năm 2009. Mức độ đa dạng trong khẩu hiệu của những người biểu tình cho thấy có thể có nhiều nhóm tham gia biểu tình và phong trào này chưa có các thủ lĩnh cấp quốc gia.

Lực lượng biểu tình gồm nhiều người nghèo, người thất nghiệp là trụ cột trong gia đình. Các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nơi nghèo của đất nước. Giới phân tích nhận định các cuộc biểu tình này thiên về tính chất bột phát từ dưới cơ sở lên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.