Thủ tướng Anh lâm thế "đơn thương độc mã" giữa dòng Brexit?
Đơn thương độc mã
Theo BBC, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể được thực hiện trong ngày 12-12, với những nguồn tin cho biết đã có đủ 48 Nghị sỹ thuộc Đảng bảo thủ viết đơn yêu cầu và gửi đến Chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ Graham Brady. Trong trường hợp 158 trong số 315 Nghị sỹ bỏ phiếu chống, chiếc ghế Thủ tướng của bà May có nguy cơ bị lật đổ.
Tương lai chính trị của bà May trở nên mong manh hơn bao giờ hết kể từ sau khi bà tuyên bố tạm hoãn việc bỏ phiếu Brexit tại Hạ viện Anh dự kiến diễn ra hôm 11-12 vừa qua, trong bối cảnh nội bộ chính phủ Anh đang trở nên đầy chia rẽ. Thủ tướng Anh hy vọng việc trì hoãn kế hoạch bỏ phiếu sẽ giúp bà có thêm thời gian tìm kiếm những nhượng bộ khác từ phía EU để làm vừa lòng dư luận nước Anh.
Tương lai chính trị của bà May đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Ảnh: Reuters |
Thế nhưng những tuyên bố trì hoãn của bà May không những không làm dịu đi sự căng thẳng trong nội bộ nước Anh về một thỏa thuận Brexit không có lợi cho xứ sở sương mù, mà còn thổi bùng lên sự bất mãn khi nhiều nghị sỹ cho rằng bà May đã không tôn trọng nền dân chủ nghị viện.
Số báo Telegraph ra ngày 12-12 đã công bố bức thư của Cựu Bộ trưởng Anh Owen Paterson, theo đó yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nữ Thủ tướng. "Tôi viết thư này để thông báo rằng tôi không còn tin tưởng vào Thủ tướng nữa", ông viết trong lá thư gửi đến nhà lập pháp cấp cao, người chịu trách nhiệm giám sát bất cứ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào.
Trong thư, cựu Bộ trưởng Môi trường Anh buông lời đanh thép: "Sẽ là một trò hề nếu phán quyết dân chủ của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 - cuộc trưng cầu lớn nhất trong lịch sử Anh - không được đưa ra, nhưng "thỏa thuận" của Thủ tướng May thật tồi tệ đến mức không thể coi là bất cứ điều gì hơn sự phản bội của những lời hứa rõ ràng".
Ủng hộ quan điểm này, Thủ lĩnh Đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn lên tiếng: "Thủ tướng phải thừa nhận thoả thuận của bà đã chết. Tiến trình đàm phán hỗn loạn của bà với EU đã kết thúc trong thất bại và với quyết định hoãn bỏ phiếu ở Hạ viện, Thủ tướng đã không còn thẩm quyền đàm phán cho đất nước, thậm chí là thẩm quyền trong đảng Bảo thủ". Ông sau đó cũng lên tiếng kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May.
Tiến thoái lưỡng nan
Quá trình dai dẳng kéo dài suốt 2 năm qua nhằm đưa nước Anh ra khỏi EU tưởng chừng đã có thể hái được quả ngọt, với việc Anh và EU đạt được thỏa thuận khung vào hồi tháng trước, giờ đây bỗng biến thành một thất bại mới đối với Thủ tướng Theresa May.
Trong bối cảnh các nghị sỹ trong nước vẫn lên tiếng phản đối gay gắt và liên tục phủ quyết những điều khoản trong thỏa thuận, nhất là về vấn đề biên giới Ireland, Thủ tướng Anh ngày 11-12 đã vội vã lên đường đến Đức và Hà Lan tham dự các cuộc gặp liên tiếp với nhà lãnh đạo nước này nhằm tìm kiếm sự ủng hộ về một khung thỏa thuận mới "hài hòa" hơn cho nước nay.
Một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May nhiều khả năng sẽ diễn ra. Ảnh: National Review |
Thủ tướng Anh cũng dự kiến sẽ đến Brussels để họp với chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk và tham dự một cuộc họp với Hội đồng châu Âu ngày 13-12 nhằm tìm kiếm sự ủng hộ để cứu vãn thỏa thuận Brexit, mặc cho trước đó nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố cứng rắn rằng sẽ không tái đàm phán thỏa thuận mà chỉ thảo luận để tìm cách giúp văn kiện được thông qua tại Anh.
Theo đúng kế hoạch, nước Anh sẽ phải rời EU trước ngày 29-3-2019. Giới quan sát đánh giá Thủ tướng Theresa May đang nắm trong tay một ván bài quá lớn với quá nhiều rủi ro. Trong bối cảnh này, Tòa án công lý châu Âu cho biết Anh hoàn toàn có quyền đơn phương ngừng Brexit, quay lại mái nhà chung EU trước đây.
Ván bài chính trị đang trở thành thách thức lớn hơn bao giờ hết, quyết định số phận chính trị của Thủ tướng Anh Theresa May. Nếu Thủ tướng May vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, các nghị sĩ chống đối sẽ không thể thách thức vai trò lãnh đạo đảng của bà trong vòng một năm tiếp theo. Nếu Thủ tướng không vượt qua được cuộc bỏ phiếu, đảng Bảo thủ sẽ tổ chức bầu tân lãnh đạo đảng và bà May sẽ không được phép tham gia tranh cử.
Giới quan sát lo ngại rằng, với làn sóng phản đối ngày càng mạnh mẽ trong nội các Anh, cùng với việc tiếng nói của bà May đang ngày càng trở nên mất uy tín, khả năng về việc Thủ tướng phải rời bỏ vị trí ngay trước thềm Brexit là có thể xảy ra.