Thông điệp mạnh mẽ từ Thượng đỉnh EU - Tây Balkan
- Hội nghị thượng đỉnh EU “nóng” vấn đề Brexit và nhập cư
- Năm thách thức tại Hội nghị thượng đỉnh EU
- Hội nghị thượng đỉnh EU: Căng thẳng vì những nhân vật không có mặt
Theo giới quan sát, hội nghị đã truyền đi một thông điệp đáng chú ý, thể hiện rõ quyết tâm không từ bỏ "sân sau" của châu Âu, trong bối cảnh một vài nước lớn đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Tây Balkan.
Hội nghị Thượng đỉnh EU - Tây Balkan vừa qua được tổ chức với sự tham gia của các nhà lãnh đạo hàng đầu khối EU và sáu nước Tây Balkan (Albania, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Montenegro, Cộng hòa Bắc Macedonia và Kosovo), cùng đại diện một số tổ chức quốc tế. Hội nghị vốn được lên kế hoạch diễn ra tại thủ đô Zagreb của Croatia, quốc gia hiện đang đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên EU.
EU cam kết giúp sáu quốc gia Tây Balkan đi đúng hướng để gia nhập khối này trong tương lai. Nguồn: COMECE. |
Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, hội nghị đã chuyển sang hình thức trực tuyến. Hội nghị lần này đã làm bật lên vai trò "nước lớn" của EU trong việc gắn kết cùng các đối tác, mà vẫn duy trì được giá trị và tiêu chuẩn của "lục địa già".
Kết thúc vào rạng sáng 7/5 (giờ Việt Nam), một tuyên bố với tên gọi Zagreb gồm 20 điều liên quan đến việc cùng chống lại COVID-19, tái khẳng định quan điểm của châu Âu về khu vực Tây Balkan và đưa ra các cam kết cải cách của Tây Balkan đã được thông qua tại thượng đỉnh này.
Cụ thể, EU đã trao hơn 3,3 tỷ euro, bao gồm gói hỗ trợ trị giá 1,7 tỷ euro từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu và thêm 750 triệu euro của gói hỗ trợ tài chính vĩ mô cho khu vực Tây Balkan để chống COVID-19 và phục hồi sau đại dịch. Trong đó, EU cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề giao thông, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kỹ thuật số và các hoạt động du lịch và văn hóa cho Tây Balkan.
Các chuyên gia phân tích chính trị thế giới đánh giá, bước đi trên từ phía EU là một "lá bài lật ngửa", chỉ rõ sự hỗ trợ và hợp tác của EU trên thực tế đã vượt xa tất cả những gì mà bất kỳ đối tác nào khác từng dành cho Tây Balkan. Động thái này cũng đồng thời "nhắc khéo" Trung Quốc và Nga - những nước vốn đang tích cực đầu tư vào các dự án tại đây, rằng EU sẽ không từ bỏ "sân sau" của mình.
Trước đó, việc chính quyền các nước Tây Balkan "tạo điều kiện" cho hai quốc gia trên trong khi EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất đã khiến cho khối này không khỏi phật lòng.
CNN dẫn lời một quan chức cấp cao EU giấu tên chia sẻ: "Hội nghị thượng đỉnh mang một thông điệp ngầm rằng, chúng tôi muốn các bạn tham gia khối. Song các bạn không thể ưu ái Nga và Trung Quốc khi cảm thấy có lợi”. Được biết, ở giai đoạn đầu chống dịch tại khu vực này, cả Nga và Trung Quốc đều tích cực hỗ trợ nhân lực, vật tư y tế cho Bosnia và Serbia, trong khi đó, các nước châu Âu vẫn còn loay hoay với cuộc chiến riêng mình.
Cũng trong tuyên bố Zagreb, phía EU nhấn mạnh việc ủng hộ viễn cảnh gia nhập châu Âu của các ước Tây Balkan, điều mà một vài năm trước EU quyết định trì hoãn. Về phía Tây Balkan, các nhà lãnh đạo khu vực đã tái khẳng định, hội nhập châu Âu là bước đi chiến lược để phát triển đất nước.
Reuters dẫn lời giới chuyên gia cho hay, chính việc trì hoãn nguyện vọng gia nhập EU khiến nhiều nước trong khu vực Tây Balkan ngả vào vòng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Nhận định về vấn đề này, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tin tưởng EU sẽ có trách nhiệm đặc biệt trong việc giúp đỡ các đối tác Tây Balkan đi đúng hướng.
"Kết quả của hội nghị chỉ ra rằng chúng tôi luôn sát cánh và sẽ cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ phục hồi và phát triển nhanh hơn bằng tinh thần đoàn kết và những nỗ lực hợp tác bền chặt. Không nghi ngờ gì cả, Tây Balkan thuộc EU".
Bà Ursula kêu gọi chính phủ các nước này tiếp tục thực hiện cam kết cải cách để phù hợp với tiến trình gia nhập khối và cùng chia sẻ mục tiêu về một châu Âu hòa bình, mạnh mẽ, ổn định và thống nhất, được củng cố bởi các mối quan hệ về lịch sử, văn hóa, địa lý giữa các quốc gia và các lợi ích chung về chính trị, an ninh và kinh tế của cả châu lục.
Hiện tại, Albania, Montenegro, Cộng hòa Bắc Macedonia và Serbia đã là các ứng cử viên chính thức gia nhập EU, trong đó Cộng hòa Bắc Macedonia và Albania đã tiến vào giai đoạn đàn phán quyền lợi thành viên sau hai năm trì hoãn. Bosnia và Herzegovina cùng Kosovo đang được coi là các ứng cử viên tiềm năng.