Thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh hậu Brexit, liệu có khả thi?

Thứ Hai, 07/09/2020, 17:47
Trong cuộc nói chuyện “cứng rắn” trước khi diễn ra vòng đàm phán quan trọng về thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Boris Johnson nói rằng Anh có thể rời khỏi các cuộc đàm phán trong vòng vài tuần tới và nhấn mạnh việc không có thỏa thuận sẽ là một “kết quả tốt” cho cả hai bên.

Thủ tướng Boris Johnson hôm 6/9 (giờ địa phương) đã tuyên bố sẽ bước ra khỏi bàn đàm phán nếu không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU vào ngày 15/10 tới. Khi đó, hai bên nên chấp nhận thực tế này và Anh sẽ thiết lập mối quan hệ thương mại với khối “theo các điều kiện như kiểu Australia”, tức giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Đàm phán giữa Anh và EU hậu Brexit đang bước vào giai đoạn quan trọng. (Ảnh minh họa: Skynews)

Theo Reuters, Anh được cho là đang soạn thảo các nội dung mới, theo đó sẽ thay thế một số "hạng mục quan trọng" trong Thỏa thuận rút khỏi EU, một bước mà nếu được thực hiện có thể gây tổn hại tới thỏa thuận hai bên đã ký tháng 1 vừa qua, thậm chí làm gia tăng căng thẳng ở Bắc Ireland. 

Tờ Financial Times dẫn nhiều nguồn tin thân cận cho biết một số nội dung trong dự luật thị trường nội khối, dự kiến công bố ngày 9/9, sẽ loại bỏ tính hiệu lực pháp lý của một số điều khoản của thỏa thuận Brexit trong một số lĩnh vực như như trợ giá chính phủ và thuế quan của Bắc Ireland.

Tuyên bố trên được Văn phòng Thủ tướng Anh đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Anh và EU đang gặp bế tắc. Vòng đàm phán thứ 8 và cũng là vòng đàm phán cuối cùng giữa Anh và EU nhằm thảo luận về mối quan hệ thương mại giữa hai bên hậu Brexit sẽ được nối lại ở London trong tuần này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán lần này không kỳ vọng đạt được kết quả khả quan sau những tuyên bố cứng rắn được cả hai bên đưa ra.

“Tuần này là thời điểm quan trọng cho các cuộc đàm phán và nếu không thể thống nhất được với nhau, London sẵn sàng thông qua các điều khoản thương mại ít cởi mở hơn với khối. Tất cả những gì Vương quốc Anh yêu cầu là được đối xử như bất kỳ quốc gia nào khác trong các cuộc đàm phán thương mại tự do. Không quốc gia nào khác chấp nhận bị ràng buộc hoặc kiểm soát bởi các quy tắc của EU hoặc trong quan hệ của nước đó với bất kỳ quốc gia nào khác”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh, David Frost tuyên bố Anh sẽ không trở thành một "quốc gia lệ thuộc" theo bất kỳ điều khoản nào của một thỏa thuận thương mại hậu Brexit ký với EU. 

“Anh sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cơ bản để họ kiểm soát luật pháp của riêng chúng tôi. Chúng tôi sẽ không trở thành một quốc gia lệ thuộc. Chúng tôi sẽ không chấp nhận các điều khoản cho phép họ kiểm soát nguồn tài chính hay cách mà chúng tôi có thể tổ chức mọi việc ở đây, trên chính nước Anh và điều đó là không phải tranh cãi”, ông Frost nói. 

Trưởng đoàn đàm phán của Anh đã không bày tỏ nhiều kì vọng về khả năng tạo ra đột phá. Theo đó, ông David Frost tái khẳng định lập trường của chính phủ Anh là không nhượng bộ và không lo ngại về một kịch bản không thỏa thuận. 

“Nếu chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận mà điều phối thương mại giống Canada, điều đó là tuyệt vời. Song, nếu chúng tôi không thể có được một thỏa thuận như vậy, chúng tôi sẽ áp dụng một thỏa thuận thương mại giống như Australia, và chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng cho kịch bản đó”, ông Frost cho hay.

Trong một động thái làm dấy lên lọ ngại rằng Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier bày tỏ “sự lo lắng và thất vọng” về cách tiếp cận của nước này đối với các cuộc đàm phán. 

“Chúng tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong quan điểm của Vương quốc Anh… Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn có một thỏa thuận với EU. Đây cũng là mong muốn của Nghị viện Châu Âu, mong muốn của 27 nguyên thủ và chính phủ các nước thành viên EU và chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đạt được một thỏa thuận cho đến phút cuối cùng. Nhưng phải nói rõ rằng, chúng tôi sẽ không hy sinh, không bao giờ hy sinh lợi ích kinh tế và chính trị lâu dài của EU vì lợi ích duy nhất của Vương quốc Anh”, ông Barnier nói, đồng thời cho biết cuộc đàm phán thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc có đạt được nhất trí về việc EU tiếp cận với vùng biển đánh cá của Anh cũng như quy định về trợ giá chính phủ hay không.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 6/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian nhấn mạnh rằng cần đạt được một thỏa thuận khẩn cấp trong các cuộc đàm phán thương mại Brexit, đồng thời cáo buộc thái độ của Anh đã dẫn tới sự bế tắc trong đàm phán. 

“Người dân Anh dường như không hiểu rằng nếu một nước muốn đàm phán được một thỏa thuận tốt, họ phải đàm phán về tất cả các vấn đề. Mọi việc không suôn sẻ, chỉ còn hai tháng nữa, rất cấp bách, quá trình đếm ngược thời gian đã bắt đầu. Chúng ta muốn đạt được thỏa thuận nhưng chúng ta cần thảo luận về toàn bộ gói thỏa thuận, trong đó có nghề cá - để tránh viễn cảnh không đạt được thỏa thuận nào”, ông Drian nhận định.

Có thể nói, Anh và EU đã đạt được rất ít tiến bộ thực tế kể từ khi các cuộc đàm phán về thương mại bắt đầu từ đầu năm nay. Các quan chức của cả hai bên nói rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm chệch hướng sự chú ý chính trị ở những nơi khác và khiến việc đưa ra những lời kêu gọi chính trị cần thiết để đi đến một thỏa hiệp trở nên khó khăn hơn. 

Hơn thế nữa, các nhà phân tích nhận định, sự cứng rắn trong thời gian gần đây đã làm hạ thấp thêm khả năng Anh và EU đạt được một thỏa thuận thương mại khi thời hạn chót đang cận kề.

Hồ Thiên (Tổng hợp)
.
.
.