Ngày càng hiện hữu viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận

Thứ Hai, 29/06/2020, 08:39
Hôm 27-6 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và thiết lập quan hệ “theo các điều kiện như Australia”, nếu London và Brussels không đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ tương lai.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, Anh sẽ phải chấp nhận mối quan hệ kinh tế yếu hơn với khối do rời khỏi EU.

Anh rời khỏi EU vào ngày 31-1-2020 và giai đoạn chuyển giao dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm nay. Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh, nước này sẽ đàm phán tích cực với EU để tiến tới một thỏa thuận. 

Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận, Anh sẵn sàng rời EU theo các điều khoản giống như Australia. Chính phủ Anh trước đó cũng tuyên bố khả năng đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do kiểu Australia bao gồm hạn ngạch và thuế quan với EU, nếu không thể đạt được thỏa thuận toàn diện. Điều này đã khiến Ủy ban châu Âu “ngạc nhiên”, bởi Australia là một đối tác lớn và có nhiều điểm tương đồng, nhưng EU không có thỏa thuận thương mại với Australia, mà hiện đang giao dịch theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

EU cho rằng, Anh cần một thỏa thuận thương mại tham vọng hơn sau Brexit chứ không phải các điều khoản của WTO. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Anh sẽ phải “chấp nhận hậu quả” khi có mối quan hệ kinh tế yếu hơn với EU sau khi đã rời khỏi khối này. 

Bà nhấn mạnh Thủ tướng Boris Johnson mong muốn có thể xác định rõ phạm vi của những mối quan hệ giữa Anh và EU, song “sau này ông ấy dĩ nhiên sẽ phải chấp nhận những hậu quả - đó là một nền kinh tế kết nối lỏng lẻo hơn” với các nước láng giềng tại châu Âu.

Thực ra, với quỹ thời gian eo hẹp, trong khi những bất đồng lớn vẫn chưa được giải quyết là những yếu tố khiến cho viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận ngày càng hiện hữu. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin thừa nhận không thể loại trừ khả năng các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Anh kết thúc mà không có thỏa thuận nào dù đây là vấn đề lợi ích đối với Anh. 

Bà cho rằng, phía London mới là bên cần tới một thỏa thuận vì nước này không thể chịu được cú sốc thứ hai sau đại dịch COVID-19, ám chỉ nền kinh tế Anh đang lao đao do cuộc khủng hoảng COVID-19. “Họ (Anh) sẽ không được tiếp cận mạng lưới an ninh là châu Âu, họ cũng sẽ không được tiếp cận gói kích thích kinh tế”, bà nêu rõ. 

Quan chức này cũng khẳng định EU sẽ không chịu sức ép trước thời hạn mà Anh đặt ra, nhấn mạnh “Chúng tôi không muốn một thỏa thuận chỉ vì để có một thỏa thuận mà chúng tôi muốn một thỏa thuận cân bằng”. 

Đại sứ EU tại Anh Joao Vale de Almeida cho biết, các cuộc đàm phán hiện vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể nào và cho rằng, tháng 10 là thời hạn thực tế hơn để Anh và EU có thể tránh được một cuộc chia tay không thỏa thuận gây thiệt hại về kinh tế cho cả hai bên vào cuối năm nay. 

Về phần mình, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove cảnh báo sẽ rất khó để hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit với EU trước cuối năm nay nếu hai bên không đạt được đồng thuận trước tháng 10.

Viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận ngày càng hiện hữu.

Cho tới nay, cả Anh và EU đều mong muốn tạo ra bước tiến nhưng hai bên khăng khăng không thay đổi lập trường và không nhượng bộ. Các bất đồng còn tồn tại của hai bên chủ yếu ở 4 vấn đề chủ chốt gồm có: chia sẻ các ngư trường đánh cá của Anh với EU, vai trò của Toà án Công lý châu Âu (ECJ), các đòi hỏi về thiết lập “sân chơi bình đẳng” và cơ chế giải quyết tranh chấp. 

Bên cạnh đó, hai bên còn bất đồng lớn về các tiêu chuẩn môi trường, tài chính và xã hội. EU nhiều lần cảnh báo sẽ không vì đạt được thỏa thuận mà hi sinh lợi ích kinh tế của mình. Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier chỉ trích nước Anh “đòi hỏi” quá nhiều trong các cuộc đàm phán về Brexit. 

Theo ông, các nhà đàm phán Anh đang đi ngược lại với những cam kết đã được đưa ra khi Thủ tướng Boris Johnson ký một tuyên bố chính trị với các thành viên EU vào năm ngoái. Về phía Anh, hôm 12-6 vừa qua, Chính phủ Anh cho biết, nước này đã chính thức thông báo với EU rằng sẽ không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thời kỳ hậu Brexit sau ngày 31-12-2020. 

Tuyên bố này như một “gáo nước lạnh” vào các nỗ lực của cả hai bên. Bởi điều này đồng nghĩa, đến thời điểm nay, hai bên sẽ chỉ còn hơn 5 tháng ít ỏi để đàm phán một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa quyết định, trong đó quy định toàn bộ mối quan hệ chiến lược lâu dài trong tương lai. Dễ hiểu, càng kéo dài thời gian chuyển tiếp càng không có lợi cho Anh. 

Vì thế, thái độ cứng rắn của Anh được coi là chiến thuật của London để tìm kiếm những điều khoản có lợi hơn trong đàm phán với EU. Nhưng ngược lại, EU chắc hẳn cũng không khó nhìn thấy “nước cờ” của Anh và sẽ cố gắng giữ thế “cửa trên”. Dù trong phản ứng mới nhất đáp lại tuyên bố của Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic tuyên bố vẫn “để ngỏ khả năng gia hạn giai đoạn chuyển tiếp”.

Với quỹ thời gian eo hẹp còn gần 6 tháng trong khi bất đồng lớn chưa được giải quyết, tuyên bố không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp của Anh đang làm gia tăng lo ngại về viễn cảnh một Brexit không thoả thuận ngày càng hiện hữu. Bộ trưởng Montchalin nhận định, hai bên sẽ khó hoàn tất đàm phán trong thời gian ngắn ngủi và cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, trong đó có kịch bản không thỏa thuận thương mại giữa hai bên. 

Nếu kịch bản này xảy ra, trao đổi thương mại, pháp lý cũng như vấn đề công dân giữa hai bên sẽ bị đình trệ nghiêm trọng. Anh cũng có thể sẽ khước từ việc thực thi nghĩa vụ tài chính với EU, trong khi hai bên sẽ thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Đồng thời, quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ phải tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rõ ràng là giảm bớt rất nhiều lợi ích cho cả 2 bên so với việc đạt được một thỏa thuận thương mại song phương. 

Điều này rõ ràng sẽ chẳng có lợi cho cả hai vốn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Mới nhất, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) Anh cho biết, sản lượng của nền kinh tế Anh trong tháng 4 đã giảm 20,4% so với tháng trước - mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được theo dõi vào năm 1997.

Brexit không có thoả thuận có thể là một cú sốc kinh tế không chỉ đối với Vương quốc Anh mà còn tác động tiêu cực đến EU cũng như hoạt động thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh tế đang suy giảm mạnh vì đại dịch COVID-19. Rõ ràng ai cũng nhìn thấy những thiệt hại trước mắt, nhưng việc nhượng bộ thế nào, với mức độ ra sao thì không bên nào chịu đề xuất trước.  

Cũng đồng nghĩa, kịch bản không thể đạt được thỏa thuận giữa Anh và EU dù khó xảy ra, nhưng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và tính toán của cả hai bên. Theo giới quan sát, hai bên sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung trong một số vấn đề, từ đó đưa ra từng gói thỏa thuận nhỏ hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Đây có lẽ sẽ là kịch bản có thể chấp nhận được cho cả Anh và EU trong giai đoạn khó khăn này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.