Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1: Một thắng lợi đối với Bắc Kinh

Chủ Nhật, 15/12/2019, 07:34
Đó là nhận xét của giới chuyên gia kinh tế và thương mại đối với thỏa thuận “đình chiến thương mại” mà Mỹ và Trung Quốc mới đạt được hôm 13-12.


Trong Tuyên bố về Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa đạt được với Mỹ đưa ra đêm 13-12, Trung Quốc cho rằng, thỏa thuận đạt được trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời đánh giá tích cực tác động của thỏa thuận đối với kinh tế thương mại hai bên.

Theo Tuyên bố, Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có 9 chương, gồm: lời tựa, quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, lương thực và nông sản, dịch vụ tài chính, tỷ giá hối đoái và minh bạch, mở rộng thương mại, đánh giá song phương, giải quyết tranh chấp và các điều khoản cuối cùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Trung Quốc cho rằng, việc đạt được thỏa thuận sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư và thị trường tài chính; phù hợp với phương hướng lớn về đi sâu cải cách mở cửa, cũng như nhu cầu nội tại về thúc đẩy kinh tế phát triển chất lượng cao của Trung Quốc.

Thỏa thuận cũng giúp tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng tiếp cận thị trường; tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như tăng cường niềm tin của thị trường toàn cầu.

Về tuyên bố vòng đàm phán tiếp theo giữa hai bên sẽ sớm bắt đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Liêu Mân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết: “Đàm phán giai đoạn 2 sẽ phụ thuộc vào tình hình thực hiện Thỏa thuận giai đoạn 1. Hai bên vừa đạt được Thỏa thuận giai đoạn 1, việc cấp bách hiện nay là ký kết và thực hiện cho tốt, nhằm phát huy 3 vai trò của Thỏa thuận là, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương, đem lại lợi ích cho người dân Trung - Mỹ và thế giới, ổn định mong đợi của thị trường toàn cầu”.

Bên cạnh đó, mặc dù không thông báo số lượng cụ thể, nhưng theo ông Hàn Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc cho biết, những mặt hàng nước này nhập khẩu với số lượng lớn từ Mỹ đều là những sản phẩm mà thị trường Trung Quốc đang rất có nhu cầu, như đậu nành, thịt lợn, thịt gia cầm...

Ông cũng tiết lộ, có những vấn đề hai bên đàm phán hơn 10 năm không thể hoàn tất, nhưng lần này đã đi đến kết quả đột phá và tác động tích cực đến xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang Mỹ, liên quan đến các loại hoa quả tươi, như lê, quýt, táo, hay thịt gia cầm chín và cá da trơn.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump thông qua mạng xã hội Twitter cho biết, Washington và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận giai đoạn 1 rộng lớn và “Trung Quốc đồng ý thay đổi nhiều về cấu trúc, đồng thời mua một lượng lớn nông sản, các mặt hàng công nghiệp và năng lượng cũng như nhiều mặt hàng khác”, đồng thời khẳng định sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15-12.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ sẽ hạn chế một số mức thuế đã được áp vào hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, thuế quan 25% đã được áp dụng đối với hàng hóa của Trung Quốc trước đây vẫn được duy trì. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ lập tức bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Bắc Kinh.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết, họ hy vọng sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tuần đầu tiên của tháng 1-2020 và phát hành một tài liệu gồm các điểm quan trọng, như các điều khoản thực thi và cải thiện chính sách bảo vệ công nghệ Mỹ, cũng như một cam kết của Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới. Đây được cho là một sự gia tăng đáng kể vì năm 2017, Trung Quốc chỉ nhập 190 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ, do đó nếu đạt được mục tiêu này có thể giảm 1/3 thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.   

Trong khi giới chức Mỹ hoan hỷ thông báo một thỏa thuận “đình chiến thương mại” vừa đạt được với Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế và thương mại cho rằng thỏa thuận này chủ yếu là thắng lợi đối với Bắc Kinh. Trong một phân tích, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc Scott Kennedy cho rằng: “Chi phí bỏ ra quá lớn trong khi lợi ích thu lại nhỏ bé và phù phiếm”.

Chuyên gia Kennedy nhấn mạnh: “Chỉ bằng những nhượng bộ ở mức hạn chế, Trung Quốc đã có thể bảo vệ được hệ thống kinh tế mậu dịch của mình và tiếp tục các chính sách công nghiệp phân biệt đối xử, gây bất lợi cho các đối tác thương mại của họ và nền kinh tế thế giới”.

Chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ, ông Scott Paul cho rằng, việc dỡ bỏ thuế quan đã lấy đi rất nhiều lợi thế của họ trong khi nhượng bộ trong các vấn đề thương mại quan trọng nhất với Trung Quốc.

Theo chuyên gia thương mại Mary Lovely, thỏa thuận trên chỉ có thể được xem là “chiến thắng một phần” vì “không tiến triển nhiều”. Phát biểu với báo giới, bà Lovely cho rằng thành quả của thỏa thuận không bù đắp được những thiệt hại đối với nông dân và các nhà công nghiệp Mỹ.

Bà nhận định: “Tổng thống Donald Trump đang cố gắng hết sức để trở lại bối cảnh kinh tế cách đây 18 tháng, trước khi áp dụng cách tiếp cận đơn phương và cứng rắn”. Về phần mình, Chủ tịch Liên đoàn Văn phòng Nông nghiệp Mỹ Zippy Duvall cho biết, trước khi bùng phát cuộc tranh cãi thuế, Trung Quốc từng là thị trường lớn thứ hai của nông sản Mỹ, nhưng giờ đã rơi xuống vị trí thứ 5.

Ông khẳng định: “Mở cửa cho thương mại với Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ giúp người nông dân và chăn nuôi tự đứng trên đôi chân của mình”. Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ thì nhận định: “Chiến tranh thương mại sẽ chỉ kết thúc khi xóa bỏ hoàn toàn thuế quan”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.