Thỏa thuận hạt nhân Iran đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn diện

Thứ Năm, 09/05/2019, 08:15
Iran tuyên bố dừng thực thi một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015, đồng thời thông báo về khả năng xé bỏ văn kiện này nếu không nhận được sự đảm bảo từ các cường quốc trước loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia ngày 8-5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani chính thức thông báo quyết định của Hội đồng An ninh Tối cao Iran về việc dừng tuân thủ một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015 với các cường quốc nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức), còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).

Theo lời Tổng thống Rouhani, Iran sẽ sớm đưa hoạt động làm giàu uranium lên cấp độ cao hơn so với mức độ cho phép trong thỏa thuận. Động thái này là để đáp trả tương xứng việc Mỹ rút khỏi JCPOA ngày 8-5-2018 rồi tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Tehran.

Ông Rouhani cũng cho biết chuỗi hành động cứng rắn của Iran “sẽ được tiếp nối bằng các biện pháp tương tự trong vòng 60 ngày”, tức rút khỏi JCPOA, trừ khi các bên còn lại trong thỏa thuận, gồm Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Đức cùng Liên minh châu Âu (EU) tuân thủ cam kết hỗ trợ Iran trong lĩnh vực bán dầu và hoạt động ngân hàng, vốn đang ngày càng bị siết chặt bởi lệnh cấm vận đơn phương từ Mỹ.

Hệ thống tên lửa tầm xa của Iran. Ảnh: Reuters.

“Hôm nay chưa phải là hồi kết của thỏa thuận hạt nhân”, Tổng thống Iran nói, song nhấn mạnh “hồi kết” sẽ sớm đến nếu các thành viên còn lại của JCPOA không có hành động thuyết phục để cứu vãn thỏa thuận.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thông báo nước này đã gửi một bức thư đến Đại sứ quán các nước tham gia JCPOA để thông báo về việc Iran tạm thời dừng thực thi những “cam kết tự nguyện” trong JCPOA, vốn được đưa vào văn kiện nhằm tăng cường lòng tin giữa các bên. Ông Zarif nói việc Tehran tiến hành bước đi trên như một phản ứng trước việc EU không mạnh mẽ chống đỡ sức ép của Mỹ nhằm cô lập Iran về kinh tế và chính trị.

JCPOA được ký dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, quy định việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận đơn phương cũng như quốc tế áp đặt lên Iran, đổi lại Iran tình nguyện hạn chế chương trình hạt nhân. JCPOA là kết quả của 15 năm đàm phán ngoại giao, được chính quyền Obama mô tả là một chiến thắng lịch sử.

Tuy nhiên, JCPOA lại bị Tổng thống Donald Trump coi là một thoả thuận “bỏ đi”. Sau khi nhậm chức, ông Trump cáo buộc thỏa thuận này rất thiếu sót khi Iran không làm gì để hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo hoặc hỗ trợ của lực lượng ủy nhiệm trong một số cuộc chiến ở Trung Đông.

Iran bác bỏ cáo buộc, khẳng định việc phát triển tên lửa đạn đạo không liên quan đến hoạt động hạt nhân, hoàn toàn nhằm mục đích tự vệ và sự hỗ trợ của họ cho các đồng minh ở Trung Đông không liên quan đến Washington.

Ngày 8-5-2018, Tổng thống Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và lần lượt áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Iran, kéo theo các tuyên bố qua lại cứng rắn suốt một năm qua.

Đối phó với biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran dù chỉ trích Washington, song vẫn lựa chọn cách tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân đã kí với các cường quốc. Tuy nhiên, căng thẳng trong những tuần gần đây leo thang qua ngưỡng “khẩu chiến” mà thành “hành động”, với việc Mỹ xếp nhánh quân đội Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) của Iran vào danh sách khủng bố. Để đáp trả, Iran gọi Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) chịu trách nhiệm hoạt động quân sự Mỹ ở Trung Đông là tổ chức tài trợ chủ nghĩa cực đoan.

Tuần trước, Lầu Năm Góc thậm chí thông báo đang triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và một số máy bay ném bom B-52 tới khu vực, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cảnh báo Washington sẽ đáp trả "không thương xót" bất kỳ cuộc tấn công nào của Tehran; kéo theo việc Tehran tuyên bố chấm dứt đối thoại với Mỹ.

Thêm vào đó, sau thời điểm Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân, nhiều nước đồng minh châu Âu của Mỹ dù chỉ trích bước đi của chính quyền Tổng thống Trump và cam kết bảo vệ Iran trước các đòn trừng phạt, nhưng một năm qua, Iran đã nhiều lần cáo buộc châu Âu chỉ đưa ra những cam kết “suông” mà chưa có động thái thực tế nào giúp Iran duy trì bán dầu và hoạt động ngân hàng...

Sau tuyên bố chính thức của Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh châu Âu muốn duy trì JCPOA, song các bên trong thoả thuận này đều cần tôn trọng nó. Bà Florence Parly cũng cảnh báo Tehran sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế nếu rút khỏi thoả thuận.

Trong khi đó, trên báo Time of Israel, chuyên gia Clement Therme thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế tại Mỹ nhận định, Iran rõ ràng đang chịu nhiều áp lực từ Mỹ và vẫn muốn một thoả thuận hạt nhân đầy đủ.

Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, châu Âu cần phải cứng rắn và mạnh mẽ hơn nữa trong việc giúp đỡ Iran chống lại sức ép của Mỹ. "Tình hình hiện nay cũng đòi hỏi Iran cần duy trì đối thoại chính trị với châu Âu để ngăn chặn sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và châu Âu trong quan điểm chống lại nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này", ông Therme nhận định.

Thiện Minh
.
.
.