Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không dừng hoạt động quân sự tại Syria

Chủ Nhật, 13/10/2019, 06:41
Điều này được thể hiện ở việc máy bay và pháo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tối 11-10 (giờ địa phương) tiếp tục tiến hành các đợt tấn công xung quanh Ras al-Ayn, một trong hai thị trấn nằm ở khu vực biên giới của Syria. Sau 3 ngày kể từ khi phát động chiến dịch, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát được thêm 2 ngôi làng ở khu vực biên giới của Syria.


Trong khi đó, ở mặt trận khác, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành pháo kích các mục tiêu ở gần thị trấn Tel Abyad.

Theo các tổ chức phi chính phủ, kể từ khi được phát động hôm 9-10 vừa qua, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt được 54 tay súng người Kurd, song cũng khiến 17 dân thường thiệt mạng và 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn Kilis gần biên giới Syria.

Với chiến dịch quân sự, đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế này, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập vùng an toàn sâu 32km vào lãnh thổ Syria nhằm chia tách nước này với những vùng lãnh thổ do nhóm nổi dậy người Kurd mang tên Các đơn vị bảo vệ nhân dân kiểm soát. Dù được coi là nòng cốt trong cuộc chiến chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Syria, song nhóm nổi dậy này lại bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố.

Phát biểu tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 11-10 tuyên bố, nước này sẽ không ngừng chiến dịch quân sự hiện nay và sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả các tay súng khủng bố bị đẩy lùi xuống khu vực phía Nam 32km.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ dừng cuộc chiến chống nhóm khủng bố người Kurd, mà ngay cả chính quyền Syria cũng không hoan nghênh. Chúng tôi sẽ không từ bỏ, bất kể ai nói gì. Cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả những kẻ khủng bố phải rút khỏi khu vực biên giới của chúng tôi”, ông nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo an ninh cho biên giới phía Nam và đảm bảo an toàn cho người Syria trở về.

Chia sẻ quan điểm này,  Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cùng ngày khẳng định mục tiêu của chiến dịch quân sự này nhằm ngăn chặn “hành lang khủng bố” dọc biên giới giữa nước này và Syria, cũng như xây dựng một “vùng an toàn” cho người di cư Syria quay trở về. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Syria.

Một số nước châu Âu đã cảnh báo về một thảm họa nhân đạo trong khu vực cũng như gia tăng khủng bố vì hoạt động này của Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phẫn nộ trước những lời đe dọa của ông Recep Tayyip Erdogan về việc mở cửa biên giới cho khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria đến châu Âu.

Trong một diễn biến liên quan, thông qua một quan chức tình báo người Kurd ở Iraq và quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc, tờ Newsweek cho biết, lực lượng Đặc nhiệm Mỹ hoạt động trên đồi Mashtenour ở thành phố Kobani đã hứng chịu hỏa lực từ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia chiến dịch quân sự ở Syria.

Thay vì bắn trả, lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đã rút lui khi cuộc pháo kích chấm dứt. Tờ Newsweek trước đó cho biết, những quy tắc hiện tại về sự tham gia của các lực lượng Mỹ tại Syria vẫn tập trung vào phòng vệ và không có lệnh nào được Lầu Năm Góc ban hành để rút hoàn toàn binh sĩ khỏi Syria.

Quan chức Lầu Năm Góc cho rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ nên nắm được vị trí của binh sĩ Mỹ để tránh nã hỏa lực. Quan chức này không nói rõ chính xác số lượng lính Mỹ hiện diện, nhưng cho biết chỉ là “số lượng nhỏ dưới cấp đại đội”, tức có khoảng từ 15 đến 100 quân.

Đáp lại báo cáo của Newsweek, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố phủ nhận rằng quân đội của họ đã nhắm vào lực lượng Mỹ. Bộ này khẳng định rằng “các tiền đồn biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam Suruc đã bị nã pháo từ những ngọn đồi nằm cách một trạm quan sát của Mỹ gần 1.000m về phía Tây Nam”. “Để tự vệ, hỏa lực đối ứng đã được nã nhằm vào các vị trí quân khủng bố tiến hành vụ tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ đã không nổ súng vào trạm quan sát của Mỹ”, tuyên bố nói thêm.

“Tất cả các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện trước khi nổ súng để ngăn chặn bất kỳ tổn hại nào đối với căn cứ của Mỹ. Để phòng ngừa, chúng tôi đã ngừng bắn khi nhận được thông tin từ Mỹ. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ tuyên bố rằng lực lượng Mỹ hoặc liên quân Mỹ đã bị trúng hỏa lực”.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc sau đó đã chứng thực bản báo cáo của Newsweek, khi người phát ngôn - Đại úy Hải quân Brook DeWalt nói rằng “Quân đội Mỹ ở vùng lân cận Kobani đã trúng đạn pháo từ các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng 21h ngày 11-10”.

“Các vụ nổ xảy ra trong phạm vi vài trăm mét tại một địa điểm bên ngoài khu vực Cơ chế An ninh và trong khu vực mà người Thổ Nhĩ Kỳ biết là có lực lượng Mỹ”, tuyên bố nói thêm, lưu ý rằng không có thương tích xảy ra và lực lượng Mỹ đã rút khỏi Kobani.

“Mỹ vẫn phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria và đặc biệt là các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài khu vực Cơ chế An ninh và tại những khu vực mà người Thổ Nhĩ Kỳ biết lực lượng Mỹ có mặt”, tuyên bố của Người phát ngôn Lầu Năm Góc kết luận. “Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tránh các hành động có thể dẫn đến những hành động phòng vệ lập tức”.

Khổng Ha (tổng hợp)
.
.
.