Thổ Nhĩ Kỳ rộ tin đồn đảo chính mới

Thứ Ba, 02/08/2016, 08:44
Nỗi ám ảnh về đảo chính vẫn đeo bám Thổ Nhĩ Kỳ khiến lòng dân không yên còn chính phủ thì liên tiếp thực hiện các biện pháp mạnh với hy vọng sẽ trấn áp được những kẻ đang có ý định chống đối.


Báo động ở căn cứ không quân

Theo tin từ hãng Reuters, hôm 31-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã xuất hiện trước báo giới và tuyên bố rằng, Giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc dàn dựng âm mưu đảo chính bất thành vừa qua chỉ là con tốt của một “kẻ chủ mưu” chống lưng. Nhiều quan chức khác trong chính quyền Ankara thì bóng gió rằng, “kẻ chủ mưu” đó là Mỹ và phương Tây.

Một số người còn tiết lộ rằng, cơ quan tình báo quốc gia đã chặn được hàng loạt tin nhắn mã hóa mà những người ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen gửi đi trước vụ đảo chính bất thành hôm 15-7. Từ đây, người ta còn phát hiện ra rằng những kẻ đảo chính dự định sẽ tiến hành “kế hoạch 2” nếu kế hoạch đảo chính đầu tiên thất bại. Cũng vì lẽ đó mà từ ngày 31-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm thời đóng cửa căn cứ không quân Incirlik ở khu vực Đông Nam nước này do lo ngại xảy ra một cuộc đảo chính mới.

Tờ nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc đóng cửa căn cứ quân sự đã được giao cho lực lượng cảnh sát chống khủng bố. Trưa 31-7, 7.000 cảnh sát trong lực lượng này với nhiều xe bọc thép đã phong tỏa căn cứ, tiến hành các hoạt động kiểm tra.

Cũng theo hãng tin này, cảnh sát đã nhận được một âm mưu đảo chính mới xuất phát từ đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ lại biện luận rằng đây chỉ là một cuộc “kiểm tra an ninh” và không có vấn đề gì xảy ra. Được biết, căn cứ không quân Incirlik là nơi đóng quân của lực lượng thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đã trở thành khu vực cấm sau hôm đảo chính bất thành.

Các nhà phân tích thì nhận định, vào thời điểm hiện nay, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ-EU đang hết sức nhạy cảm. Tuần trước, giới chức Ankara đã cáo buộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đứng đằng sau cuộc đảo chính. Thổ Nhĩ Kỳ cũng dùng những lời lẽ mạnh mẽ chỉ trích việc Mỹ không mặn mà trong quá trình thực thi yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Riêng đối với EU, Ankara đang muốn gây sức ép để tổ chức này cam kết miễn thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Ankara sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận về người nhập cư. Thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư đang ồ ạt đổ về châu Âu đã được EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký hồi tháng 3.

Tổng thống Tayyip Erdogan đang muốn đặt cơ quan tình báo quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của Tổng thống. Ảnh: AP

Và cuộc thanh lọc quân sự

Song song với đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ban hành sắc lệnh cải tổ lực lượng quân đội nước này. Cụ thể, Tổng thống và Thủ tướng từ bây giờ sẽ được quyền đưa ra những mệnh lệnh trực tiếp cho các tư lệnh của lục quân, không quân và hải quân. Hội đồng quân sự tối cao cũng có nhiều thay đổi về nhân sự.

Các thành viên nội các gồm các Phó Thủ tướng, những người đứng đầu các Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao sẽ trở thành thành viên của Hội đồng quân sự tối cao. Đây là biện pháp nhằm hạn chế quyền lực của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tư nhân A Haber, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết ông còn muốn đặt cơ quan tình báo quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của Tổng thống. Đối với các trường học quân sự, sắc lệnh cải tổ mới ban hành còn cho phép đóng cửa các trường quân sự, thành lập một trường đại học quốc phòng mới, đặt các Tư lệnh của các lực lượng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Quốc phòng và sa thải gần 1.400 quân nhân khỏi các lực lượng vũ trang.

Ông Tayyip Erdogan nói: "Với sắc lệnh mới này, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mạnh hơn nữa và tư lệnh các lực lượng vũ trang sẽ phải báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng. Các trường quân sự sẽ bị đóng cửa và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một trường đại học quốc phòng quốc gia"… Để hiện thực hóa những điều này, thời gian tới Thổ Nhĩ Kỳ còn tính đến việc thay đổi trong hiến pháp.

Sông Thương
.
.
.