Thổ Nhĩ Kỳ: Chiến tranh tổng lực chống chủ nghĩa khủng bố
- Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu đưa quân vào Syria
- Người Kurd “xé tan” tối hậu thư của Mỹ, quyết chiến với Thổ Nhĩ Kỳ2
Ông Tayyip Erdogan nói: “Hãy ngừng gây bất ổn với quốc gia này. Các người đã và đang gây ra đổ máu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Afghanistan như thế là đủ rồi”.
Đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết ông và người đồng cấp Nga đã nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm đảm bảo viện trợ nhân đạo đến được với người dân tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria, nơi đang xảy ra các giao tranh ác liệt.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực chung chống chủ nghĩa khủng bố, ông Tayyip Erdogan cũng đã thông báo cho ông Vladimir Putin về các chiến dịch hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria nhằm chống lại IS.
Cụ thể, từ sáng 24-8, 12 xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào lãnh thổ Syria để tham gia chiến dịch nhằm đánh bật IS khỏi thị trấn Jarablus. Trước đó, những xe tăng này đã nã pháo từ lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ sang Jarablus.
Lính Thổ Nhĩ Kỳ ngồi trên xe tăng trong đoàn xe quân sự tiến vào con đường chính ở Karkamis, vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ở tỉnh Gaziantep. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala cho biết, Ankara đang phối hợp với lực lượng liên quân và các nhóm đối lập ôn hòa ở Syria để chống IS cũng như các tổ chức khủng bố khác ở Jarablus. Khi các xe tăng này tiến vào lãnh thổ Syria, các máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu đã yểm trợ các xe tăng này.
Các chiến đấu cơ F-16 của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ theo sau cũng đã tấn công được 12 mục tiêu của IS. Ngày 26-8, Ankara lại điều thêm 4 xe tăng qua biên giới vào Jarablus. Đến ngày 27-8, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt được gần 70 mục tiêu của IS ở Jarablus…
Chính quyền Syria cho rằng, những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước này và rằng, cuộc chiến chống khủng bố chỉ nên được tiến hành phối hợp và có sự cho phép của chính quyền nước này. Tuy nhiên, Ankara vẫn bỏ ngoài tai mọi lời phàn nàn nói trên.
Thậm chí, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim còn tuyên bố về “một cuộc chiến tranh tổng lực” chống khủng bố vì thời gian qua, nước này đã phải “hứng chịu thiệt hại nặng nề” do khủng bố gây ra.
Hãng tin Reuters cho biết, cuộc chiến chống khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa tuyên bố tiến hành được gọi là chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates”.
Ngay sau khi bị Ankara tấn công liên tiếp, các nhóm tay súng của IS đã rời bỏ Jarablus. Vì vậy, trong 2 ngày qua, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn biên giới này thực chất là để ngăn chặn bước tiến của lực lượng người Kurd tại Syria vốn đang kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn dọc biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này thể hiện rõ qua tuyên bố của Thủ tướng Binali Yildirim rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận một thực thể của người Kurd ở sát biên giới.
Ông Binali Yildirim nói: “Chúng tôi đang bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi và sự thống nhất của Syria. Quân đội của chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi nào những kẻ khủng bố hoàn toàn bị đánh đuổi khỏi khu vực này”.
Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thì thẳng thừng nói rằng các hoạt động quân sự nói trên nhằm cả vào IS và lực lượng người Kurd. Nguyên do là lực lượng người Kurd là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ly khai đang hoạt động ở phía Nam nước này và vốn bị Ankara coi là khủng bố. Và đây chính là nỗi lo ngại lớn của các nhà phân tích. Nhiều người còn đánh giá rằng, động thái can thiệp của Ankara sẽ làm phức tạp hơn cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria.