Thế giới chung tay cùng Ấn Độ đối phó “sóng thần” COVID-19

Thứ Năm, 29/04/2021, 08:38
Ngay lúc này, sự hỗ trợ của quốc tế trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, nhằm bảo vệ Ấn Độ và cả thế giới khỏi trận đại hồng thủy COVID-19.

Những chuyến hàng viện trợ y tế quan trọng từ các quốc gia đã bắt đầu được vận chuyển đến Ấn Độ, trong bối cảnh các bệnh viện tại đây đều ở tình trạng thiếu oxy và giường bệnh, còn số người tử vong vì COVID-19 đã tăng lên 200.000 người. Ngay lúc này, sự hỗ trợ của quốc tế trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, nhằm bảo vệ Ấn Độ và cả thế giới khỏi trận đại hồng thủy COVID-19.

CNN đưa tin, một chuyến tàu viện trợ từ Anh mang theo 100 máy thở và 95 máy tạo oxy đã cập bến thủ đô New Delhi ngày 27/4 (giờ địa phương), vào thời điểm thủ đô của Ấn Độ đang khủng hoảng trầm trọng, tới mức phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, do thiếu hụt cơ sở vật chất điều trị.

Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Pháp sẽ gửi 8 nhà máy tạo oxy quy mô lớn lắp đặt nhanh đến Ấn Độ cùng một số lượng lớn các thiết bị như mặt nạ thở, bơm tiêm điện, và sẽ chuyển 5 container chứa oxy lỏng vào tuần tới. Ireland, Đức, Singapore và Australia cũng đang lên kế hoạch vận chuyển các trang thiết bị tạo oxy và máy thở để hỗ trợ Ấn Độ trong giai đoạn nguy cấp này.

Cũng trong ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ hiện đang thảo luận về thời gian mà nước này có thể bắt đầu gửi các lô vaccine ngừa COVID-19 tới Ấn Độ và các quốc gia khác. Ngoài ra, ông Biden nói rõ thêm Mỹ sẽ bắt đầu vận chuyển các nguồn hỗ trợ khác cho Ấn Độ, bao gồm thuốc kháng virus remdesivir của Gilead Sciences và các bộ phận cơ khí cần thiết cho máy móc để điều chế vaccine.

Bên cạnh các trang thiết bị, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, hơn 2.600 nhân viên WHO đến từ các chương trình khác nhau đã được cử tới Ấn Độ để hỗ trợ quốc gia Nam Á này chống dịch COVID-19.

“WHO đang làm mọi thứ mà chúng tôi có thể làm. Chúng tôi đang cung cấp các thiết bị và vật tư quan trọng, gồm hàng ngàn máy tạo oxy, các bệnh viện dã chiến di động đã thiết kế sẵn và các dụng cụ thí nghiệm”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.

Tình trạng khẩn cấp y tế tại Ấn Độ được đánh giá sẽ gây ra tác động toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế được thực hiện trong bối cảnh tình hình COVID-19 tại Ấn Độ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày một phức tạp hơn. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai đã chứng kiến ít nhất 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua tại Ấn Độ, khiến các cơ sở chăm sóc y tế và thậm chí là lò hỏa táng tại quốc gia này trở tay không kịp.

Ngày 28/4, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận thêm 3.293 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 201.187 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người.

Cùng ngày, theo Reuters, chuyến tàu “Oxy tốc hành” đầu tiên của Ấn Độ chở khoảng 70 tấn oxy đã trên đường tới New Delhi để “giải cứu” thủ đô. Nhưng dường như nỗ lực này vẫn là không đủ để làm dịu đi sức tàn phá của COVID-19 ở tâm dịch chết chóc nhất thế giới hiện nay. “Làn sóng hiện vô cùng nguy hiểm và dễ lây lan hơn, trong khi các bệnh viện đều quá tải”, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal nhận định.

Đáng lo ngại hơn, Ấn Độ hiện đang là nơi có nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, sản xuất hơn 60% lượng vaccine trên toàn cầu. Thế nhưng, theo CNN, tại chính nơi ra đời của phần lớn vaccine, nguồn cung vaccine tại Ấn Độ đã gần cạn kiệt, với ít nhất 5 bang báo cáo tình trạng thiếu hụt vaccine nghiêm trọng và thúc giục chính phủ liên bang có biện pháp hành động.

Tình trạng khẩn cấp y tế tại Ấn Độ được đánh giá sẽ gây ra tác động toàn cầu đối với những quốc gia dựa vào nguồn cung vaccine AstraZeneca từ Ấn Độ, và dẫn đến cả nguy cơ xuất hiện những làn sóng lây nhiễm mới trên thế giới.

Đáng lo ngại hơn cả, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 28/4 cho biết, hơn 10 nước trên thế giới đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có nguồn gốc ở Ấn Độ.

Theo đó, biến thể B.1.617 có nguồn gốc tại Ấn Độ đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gene có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 17 nước. Đa số các chuỗi trình tự là của các nước Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore. WHO nhận định, biến thể mới ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác phổ biến tại quốc gia Nam Á này, trong khi khả năng lây lan của các biến thể khác cũng gia tăng.

“Tất cả chúng ta cần hiểu rằng chúng ta vẫn chỉ ở giai đoạn đầu của làn sóng lần này. Dịch bệnh ở Ấn Độ vẫn chưa đạt đỉnh”, người điều phối khả năng phản ứng COVID-19 toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ Gayle Smith cảnh báo. Thế giới, cùng với Ấn Độ, cần đưa ra một nỗ lực đối phó bền vững, nhằm tránh kịch bản sóng thần COVID-19 đổ bộ và tàn phá dữ dội hơn, trên bình diện rộng hơn.

An Nhiên
.
.
.