Thế giới chỉ còn một năm trước khi vaccine hiện hành "mất tác dụng"

Thứ Tư, 31/03/2021, 09:03
Nhiều chuyên gia trên khắp thế giới cho rằng, nhân loại chỉ còn chưa đến một năm trước khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và các loại vaccine thế hệ đầu không còn tác dụng. 
Tiến độ triển khai tiêm chủng tại nhiều nơi trên thế giới không đồng đều. Ảnh minh họa Reuters. 

Nhiều chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đang cảnh báo rằng việc triển khai vaccine chậm chạp và phân phối không đông đều có thể khiến nỗ lực tiêm chủng trở nên vô nghĩa bởi các biến thể mới của virus có thể xuất hiện vào năm tới.

Hơn 70 nhà khoa học từ các tổ chức học thuật hàng đầu trên toàn cầu đã tham gia cuộc khảo sát, trong đó, khoảng 30% cho rằng sẽ cần có một loại vaccine thế hệ thứ hai sau 9 tháng nữa, trừ khi những vaccine hiện hành được sản xuất và phân phối rộng rãi hơn trên khắp thế giới.

Gần 90% các nhà nghiên cứu cho biết có nhiều khả năng sẽ xuất hiện đột biến kháng thuốc do “tỷ lệ triển khai vaccine cực kỳ thấp” ở nhiều quốc gia, chủ yếu là các quốc gia đang phát triển.

Theo “People’s Vaccine Alliance”, một liên minh của hơn 50 tổ chức y tế toàn cầu, với tốc độ hiện tại, có khả năng chỉ 10% người dân ở phần lớn các nước nghèo được tiêm chủng trong năm tới.

Liên minh này kêu gọi dỡ bỏ độc quyền dược phẩm và chia sẻ công nghệ để thúc đẩy khẩn cấp nguồn cung vaccine.

“Virus càng lây lan thì càng có nhiều khả năng xuất hiện các đột biến và biến thể, điều này có thể làm cho các loại vaccine hiện tại của chúng ta không còn hiệu quả. Đồng thời, các nước nghèo đang bị bỏ lại phía sau nếu không có vaccine và các nguồn cung cấp y tế cơ bản”, theo giáo sư y khoa Devi Sridhar đến từ Đại học Edinburgh.

“Virus không quan tâm đến biên giới. Chúng ta phải tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt, ở mọi nơi trên thế giới, càng nhanh càng tốt. Tại sao phải chờ đợi và quan sát thay vì đón đầu điều này?”, chuyên gia này cho biết thêm.

Theo cuộc khảo sát, 66% các nhà nghiên cứu cho biết thế giới còn một năm hoặc ít hơn trước khi virus đột biến và phần lớn vaccine thế hệ đầu tiên “mất tác dụng”. 18% chuyên gia được khảo sát cho biết chỉ còn 6 tháng hoặc ít hơn.

Liên minh “People’s Vaccine Alliance” kêu gọi tất cả các tập đoàn dược phẩm đang sản xuất vaccine COVID-19 chia sẻ công khai công nghệ và tài sản trí tuệ của họ thông qua Tổ chức Tiếp cận Công nghệ COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới để tăng tốc sản xuất và phân phối vaccine trên khắp thế giới.

“Nếu chúng ta tham chiến với một quốc gia có tên COVID, liệu các chính phủ có đặt các quyết định quan trọng về sản xuất, cung ứng và giá cả vào tay các công ty sản xuất vũ khí không?”, Tiến sĩ Mohga Kamal Yanni, cố vấn chính sách y tế cấp cao của “People’s Vaccine Alliance” cho biết. “Vaccine là vũ khí quan trọng nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống lại COVID-19, các nhà lãnh đạo thế giới phải kiểm soát điều này”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo thế giới đã thúc đẩy một hiệp ước quốc tế mới để chuẩn bị cho đại dịch toàn cầu tiếp theo cũng như tránh sự tranh giành vaccine vô hình trung cản trở phản ứng chống lại COVID-19.

Các nhà lãnh đạo từ 25 quốc gia, Liên minh châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tìm cách đưa ra các quy tắc cơ bản bằng văn bản để hợp lý hóa và tăng tốc độ phản ứng với các đợt bùng phát toàn cầu trong tương lai.

Hiệp ước này sẽ nhằm đảm bảo rằng thông tin, mầm bệnh virus, công nghệ để giải quyết đại dịch và các sản phẩm như vaccine được chia sẻ nhanh chóng và công bằng giữa các quốc gia.

“Đây là thời điểm để hành động. Thế giới không thể đợi cho đến khi đại dịch kết thúc để bắt đầu lên kế hoạch cho đợt tiếp theo”, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp gần đây.

Ông Tedros cảnh báo nếu không có một kế hoạch ứng phó đại dịch với sự phối hợp quốc tế thì “chúng ta vẫn dễ bị tổn thương”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo từ 5 châu lục đã kêu gọi chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai trong một thông cáo chung đăng trên các tờ báo quốc tế ngày 30/3.

Các bên ký kết bao gồm lãnh đạo từ Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nam Phi, Indonesia và Chile.

Các lãnh đạo cho biết trong thông cáo rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn để dự đoán, ngăn chặn, phát hiện, đánh giá và ứng phó hiệu quả với các đại dịch theo cách thức phối hợp chặt chẽ”. “Do đó, chúng tôi cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận với vaccine, thuốc men và chẩn đoán an toàn, phổ biến và giá cả phải chăng cho đại dịch này và cả đại dịch có thể trong tương lai”.

Các nhà lãnh đạo từ các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản không nằm trong số các bên ký kết cho đến nay.

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cho biết Washington và Bắc Kinh đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi. Ông Tedros cho biết ông hy vọng sẽ có một nghị quyết kịp thời cho Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5 này.

Việc thúc đẩy các nỗ lực chung diễn ra khi thế giới đang nỗ lực kết hợp các lực lượng để vượt qua đại dịch COVID-19, đã cướp đi sinh mạng của gần 2,8 triệu người trên toàn thế giới và tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu.

Sự lây lan của COVID-19 đã chứng kiến ​​các nước đổ lỗi lẫn nhau, thậm chí là cáo buộc các ước giàu tích trữ vaccine một cách không cần thiết, khiến các nước nghèo đứng trước nguy cơ không có vaccine để tiêm cho người dân.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.