“Tảng băng” khó tan trong quan hệ Nga – NATO

Thứ Hai, 18/07/2016, 09:33
Mặc dù Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố rằng, cuộc họp Hội đồng Nga – NATO diễn ra hôm 13-7 tại Brussels (Bỉ) là “cực kỳ hữu ích” và phía Nga cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với liên minh quân sự này trong khuôn khổ Hiệp ước cơ sở Nga – NATO năm 1997, song thực tế cho thấy, vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan về khả năng “tan băng” trong mối quan hệ giữa hai bên.


Giữa Nga và NATO hiện vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc, những khác biệt quan điểm căn bản khó giải quyết trong thời gian trước mắt. Điều này có thể dễ dàng thấy được tại cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO hôm 13-7 vừa qua. Tất nhiên, việc hai bên đã cùng “xuống thang” để ngồi lại đối thoại được đánh giá là động thái tích cực đầu tiên nhằm mở đường cho việc nối lại những hợp tác cùng quan tâm và cùng có lợi.

Song, tất cả các nội dung chính trong chương trình nghị sự cuộc họp, từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine đến minh bạch các hoạt động quân sự, hay tình hình an ninh tại Afghanistan..., hai bên đều không tìm được tiếng nói chung. Giới chuyên gia nhận xét, cuộc họp trên vẫn chỉ dừng lại là diễn đàn để hai bên bày tỏ quan điểm của mình chứ không thể đi đến được bất cứ thỏa thuận thu hẹp bất đồng nào.

Bên cạnh đó, việc NATO không thực hiện cam kết ngừng mở rộng về phía Đông và tiếp tục thiết lập các căn cứ quân sự mới tại các nước Đông Âu là căn nguyên sâu xa khiến quan hệ hai bên luôn trong tình trạng hoài nghi, dè chừng nhau, vì Nga luôn coi bất cứ kỳ hành động “bành trướng” nào của NATO về khu vực phía Đông giáp biên giới nước này là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.

Nga và NATO cần thiết lập các cơ chế hữu hiệu nhằm khôi phục lòng tin.

Tại cuộc Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra tại Warsaw (Ba Lan) trong hai ngày 8 và 9-7, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua một loạt các “quyết sách mới”, trong đó nổi lên là quyết định mở rộng phạm vi hoạt động lẫn tầm ảnh hưởng ở sườn phía Đông của khối này với bốn tiểu đoàn luân phiên tại Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva từ năm 2017, bất chấp những cảnh báo và phản ứng gay gắt trước đó của Nga. Mặc dù ông Stoltenberg tuyên bố sẽ giải thích về biện pháp trên cho Moskva, song quyết định này có thể coi là “lời tuyên chiến” với Nga.

Cùng với đó là quyết định kích hoạt “lá chắn tên lửa” ở Ba Lan và Romania và tiến hành liên tiếp các cuộc tập trận sát biên giới với Nga. Chưa hết, NATO còn tuyên bố: “Nga đã đi ngược lại với các giá trị, nguyên tắc và cam kết cơ bản trong quan hệ Nga-NATO”. Tất cả những hành động này đang khiến cho Moskva cảnh giác và càng mất lòng tin vào liên minh quân sự của phương Tây.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, NATO đang ngày càng khuếch trương mưu toan tô vẽ hình ảnh nước Nga như một mối đe dọa để biện minh cho các hành động của mình cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi vai trò của NATO và một số quốc gia thành viên trong việc gây ra các cuộc khủng hoảng và duy trì tình hình căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Moskva đang nghiên cứu kĩ các quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO, tuy nhiên đánh giá sơ bộ cũng cho thấy bất chấp nhu cầu khách quan duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu, nhu cầu phối hợp tiềm năng của tất cả các quốc gia nhằm chống lại những thách thức thực tế của thế giới ngày nay, NATO đang tập trung vào việc kiềm chế một nguy cơ mà họ tự vẽ ra từ phía Đông.

Theo nhà ngoại giao người Nga, ngày càng rõ rệt hơn về mưu toan vẽ nên hình ảnh nước Nga thành một mối đe dọa nhằm biện minh cho các biện pháp tăng cường quân sự cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi vai trò của NATO và một số quốc gia thành viên trong việc gây ra các cuộc khủng hoảng và duy trì tình hình căng thẳng tại các khu vực trên thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo NATO đang xem nhẹ những hậu quả tiêu cực đối với an ninh của NATO, xuất phát từ các kế hoạch của Mỹ và khối này nhằm thay đổi cán cân lực lượng hiện nay, trong đó có việc tăng cường thực hiện các kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Có ý kiến bình luận rằng, NATO xem Nga như là một đe dọa lớn gây bất ổn cho châu Âu, thế nhưng chính bản thân NATO cùng với hệ thống truyền thông chống Nga (của phương Tây - PV) mới là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ở châu Âu.

Nhiều chuyên gia đã lên án lãnh đạo các nước phương Tây vì đã khuyến khích thực hiện chiến lược tuyên truyền bài Nga trên truyền thông và tất cả thông tin có thể được dùng để chống lại Nga đều được thổi phồng quá mức. Đây chính là lý do vì sao các nước Đông Âu và các nước Baltic thường tỏ ra lo ngại trước những hành vi được cho là “gây hấn” của Nga.

Quan hệ xấu đi giữa Nga với NATO đang làm tổn hại tới nhiều lợi ích của hai bên nên càng kéo dài tình trạng hiện nay càng không có lợi.

Khổng Hà
.
.
.