Tác nhân làm phức tạp cuộc chiến chống dịch toàn cầu

Thứ Hai, 01/02/2021, 07:42
Đó chính là những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của chúng đã đặt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch trước những thách thức mới.

Những biến thể đặc biệt nguy hiểm

Hiện nay có 4 loại biến thể của virus SARS-CoV-2 đặc biệt gây lo ngại khi chúng có thể khiến những nỗ lực chống dịch và cuộc đua vaccine COVID-19 trở nên “xôi hỏng bỏng không”. Các nhà khoa học không bất ngờ khi virus SARS-CoV-2 liên tục thay đổi và tiến hóa, bởi dù sao đó cũng là bản chất của các loại virus. Tuy nhiên, với sự lây lan không kiểm soát của đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới, virus này dường như đang ngày càng có nhiều cơ hội để tiến hóa.

Các biến thể được xác định gần đây dường như có khả năng lây lan dễ dàng hơn. Chúng dễ lây nhiễm hơn, dẫn tới số ca mắc gia tăng và làm tăng sức ép lên các hệ thống y tế. Điều các nhà khoa học lo ngại nhất là virus SARS-CoV-2 sẽ biến chủng tới mức nó có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, thoát khỏi việc bị phát hiện bởi các bộ xét nghiệm hiện nay, hoặc tránh được sự bảo vệ của vaccine với cơ thể.

Đứng đầu danh sách các biến thể đang được nghiên cứu ở Mỹ là B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên ở Anh. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã cảnh báo biến thể này có thể khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn. Việc nghe về các biến thể mới của virus có thể khiến mọi người hoảng loạn nhưng theo các nhà khoa học, dựa trên những gì họ phát hiện được, hệ miễn dịch của con người vẫn có thể đối phó với các biến thể xuất hiện cho tới nay, đặc biệt là B.1.1.7.

“Cho tới nay, như những gì chúng tôi biết, virus này vẫn lây nhiễm theo cùng một cách thức”, ông Gregory Armstrong, một quan chức thuộc CDC nhận định. Điều đó nghĩa là các biện pháp được thực hiện hiện nay nhằm làm giảm sự lây lan của dịch bệnh cũng có thể áp dụng với các biến thể mới, chẳng hạn như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người và rửa tay thường xuyên.

Đứng thứ hai là biến thể 501Y.V2, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi vào tháng 12-2020 và hiện đã trở thành biến thể phổ biến nhất tại khu vực này. Biến thể này có một kiểu đột biến bất thường gây ra những thay đổi vật lý trong cấu trúc của protein gai so với biến thể B.1.1.7. Một đột biến quan trọng, được gọi là E484K, dường như ảnh hưởng đến miền liên kết thụ thể, một phần trong protein gai có vai trò quan trọng nhất để gắn với các tế bào. Đột biến trên có thể giúp virus SARS-CoV-2 phần nào thoát khỏi các tác động của vaccine.

Tiếp theo trong danh sách là P.1, một biến thể được cho là khiến số ca mắc ở Brazil tăng vọt, cũng đã xuất hiện ở bang Minnesota của Mỹ trong tuần này. Biến thể trên xuất hiện ở một du khách đến từ Brazil, vì thế, chưa có dấu hiệu cho thấy biến thể này đã lây lan trong cộng đồng. Biến thể P.1 được phát hiện trong 42% mẫu bệnh phẩm trong một nghiên cứu được tiến hành ở thành phố Manaus của nước này. 

Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đặc biệt gây lo ngại khi chúng có thể khiến những nỗ lực chống dịch và cuộc đua vaccine COVID-19 trở nên “xôi hỏng bỏng không”.

Nghịch lý đại dịch

Trong bối cảnh đó, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với “một nghịch lý đại dịch”. Một mặt vaccine mang lại hi vọng đáng kể, song mặt khác những biến thể mới lại khiến cuộc chiến trở nên không chắc chắn.

“Có một nghịch lý là khi cộng đồng cảm thấy dịch bệnh sắp kết thúc nhờ có vaccine, thì cũng gần như cùng lúc họ được kêu gọi tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế trước sự xuất hiện của một mối đe dọa mới. Điều này gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi, tức giận và bối rối. Đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay”, ông Hans Kluge nói.

Theo các số liệu thống kê mới nhất, số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 100 triệu, trong đó hơn 1/4 số trường hợp là tại Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi vaccine dường như có thể giúp thế giới thoát ra khỏi đại dịch, thì những lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung đã đe dọa làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng ở Mỹ và châu Âu. Tây Ban Nha mới đây thông báo việc tiêm chủng sẽ bị đình trệ trong 2 tuần ở Thủ đô Madrid do nguồn cung đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, tại Đức, tình trạng thiếu vaccine có thể còn kéo dài đến tháng 4.

Trong cuộc họp tổng kết đầu tiên về tình hình dịch COVID-19, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây thừa nhận, chiến dịch tiêm phòng vaccine của nước này, vốn được mô tả là tham vọng nhất trong lịch sử quốc gia, sẽ phải mất một thời gian để tiếp cận hầu hết người Mỹ khi chính quyền mua được nhiều liều vaccine hơn và mở rộng nhóm người đủ tiêu chuẩn được tiêm vaccine.

“Sự thật là sẽ phải mất vài tháng trước khi phần lớn người Mỹ được tiêm chủng. Trong vài tháng tới, khẩu trang, chứ không phải là vaccine, mới là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống COVID-19. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu người dân Mỹ đeo khẩu trong 100 ngày đầu tiên của tôi trên cương vị mới”, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh.

Cuộc chạy đua để tiêm chủng cho người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương diễn ra khi các nhà khoa học cũng đang đẩy nhanh cuộc chiến chống lại những biến thể mới dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2. Đặc biệt trong đó là biến thể tại Nam Phi mà các chuyên gia lo ngại có khả năng kháng một số phương pháp điều trị bằng kháng thể và vaccine.

Hiện nay cả Pfizer, BioNTech và Moderna đều khẳng định vaccine của mình hiệu quả với những biến thể mới. Trong khi đó, Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ Anthony Fauci nhấn mạnh, giới khoa học đã có sự chuẩn bị nhằm đối phó với khả năng virus tiếp tục phát triển và có thể đạt đến mức vượt ngưỡng mà vaccine không còn hiệu quả như mong muốn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.