Bạo loạn vì phân biệt sắc tộc ở Mỹ

Thứ Sáu, 23/09/2016, 07:54
Trong hai ngày 20 và 21-9 (giờ Mỹ), các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn đường phố tại thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina nhằm phản đối vụ một cảnh sát da màu bắn chết một người gốc Phi, khiến ít nhất 16 cảnh sát và một số người tham gia biểu tình bị thương.

Sự bất bình tiếp tục dâng cao sau khi phía cảnh sát ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma, công bố đoạn video cho thấy một người đàn ông da màu bị cảnh sát bắn chết trong tình trạng không hề mang vũ khí vào hôm 16-9.

Thông tin trái chiều thổi bùng ngọn lửa bạo lực

Nạn nhân trong vụ ở Charlotte được xác định là Keith Lamont Scott, bị cảnh sát bắn chết chiều 20-9 trong quá trình truy tìm một đối tượng khác.

Phía cảnh sát đã xác nhận vào thời điểm đó, Scott đã bước ra khỏi ôtô với một khẩu súng và có biểu hiện đe dọa, buộc viên cảnh sát Brentley Vinson mặc thường phục, cũng là người da màu, phải bắn hạ sau khi các nhân viên cảnh sát khác yêu cầu ông hạ súng xuống nhưng đã bị phớt lờ.

Cảnh sát trưởng khu vực Charlotte-Mecklenburg Kerr Putney hôm 21-9 khẳng định, dù không chĩa súng vào cảnh sát, ông Scott vẫn bị coi là một mối nguy hiểm đối với họ. Cũng theo lời ông Putney, cảnh sát đã phát hiện ra một khẩu súng gần thi thể của ông Scott chứ không phải một quyển sách như những người hàng xóm của ông Scott kể lại.

Cảnh sát trưởng khu vực Charlotte-Mecklenburg cho biết thêm rằng, các nhân viên cảnh sát mặc đồng phục đều được trang bị camera cá nhân, trong khi đó, nhân viên cảnh sát mặc thường phục thì không được trang bị thiết bị này. Tuy nhiên, ông Putney nói thêm rằng, ông chưa thể cung cấp đoạn video đó vì vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Tình hình tại thành phố Charlotte vẫn đang rất căng thẳng. Ảnh: Reuters.

Sau vụ việc này, Vinson đã bị tạm đình chỉ chức vụ và hiện đang bị thẩm vấn phục vụ công tác điều tra. Cũng theo lời Cảnh sát trưởng Putney, ông Scott là người có nhiều tiền án tiền sự và từng bị kết án tại Texas, Bắc Carolina và Nam Carolina.

Cáo trạng tại bang Texas nêu rõ, Scott bị cáo buộc chống đối lệnh bắt giữ vào năm 2005 và vài tháng sau lại tham gia vào một vụ tấn công có sử dụng vũ khí giết người.

Trong khi đó, một số nhân chứng lại cáo buộc phía cảnh sát đã lừa dối khi khẳng định Scott lúc đấy chỉ đang ngồi đọc sách như thường ngày trong lúc đợi con trai tan học.

Họ cho biết vào thời điểm đó, Scott chỉ đang cầm một quyển sách, chứ không phải vũ khí như phía cảnh sát thông báo, và rằng viên cảnh sát nổ súng là người da trắng chứ không phải người da màu.

Ông Scott cũng đã giơ tay đầu hàng sau khi có lệnh từ cảnh sát.

Những mâu thuẫn giữa các bản báo cáo của cảnh sát và lời khai của các nhân chứng càng cho thấy rõ nét sự căng thẳng vẫn luôn tồn tại giữa lực lượng bảo vệ pháp luật và cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Các vụ việc trên một lần nữa thổi bùng lên làn sóng phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ sau một loạt hành động sử dụng vũ lực được cho là quá mức cần thiết của cảnh sát nhằm vào những người da màu.

Buổi tuần hành ban đầu diễn ra ôn hòa, nhưng sau đó đã bùng phát thành bạo lực khi cảnh sát dàn hàng để chặn một nhóm người biểu tình trước cổng một khách sạn tại một giao lộ ở trung tâm Charlotte.

Những người này hô vang: “Mạng sống của người da màu cũng quan trọng” và “Chúng tôi đã giơ tay, đừng bắn”, đồng thời la ó chửi bới các nhân viên cảnh sát đứng chặn đường. Trước tình hình trên, cảnh sát đã phải dùng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông.

Trước đó, hôm 20-9, các cuộc biểu tình cũng đã biến thành bạo loạn đường phố tại thành phố Charlotte khiến ít nhất 16 cảnh sát và một số người tham gia biểu tình bị thương.

Đêm cùng ngày, hàng chục người biểu tình tiếp tục ném gạch đá vào cảnh sát, phá hủy xe cộ, cướp và đốt một chiếc xe tải. Cảnh sát đã phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông. Bạo lực bùng phát sau khi một phụ nữ được cho là con gái của Scott đăng tải một đoạn video dài 1 giờ liền trên Facebook, trong đó nêu rõ, bố của cô không hề mang vũ khí khi bị bắn.

Và hành động của chính quyền

Trước bối cảnh trên, ngày 21-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho thị trưởng thành phố Charlotte và Tulsa, yêu cầu giới chức địa phương có những biện pháp xử lý bình tĩnh, thỏa đáng để kiềm chế các cuộc biểu tình.

Tổng thống Obama cũng đã gửi lời chia buồn đến cả hai thị trưởng thành phố về những vụ việc đáng tiếc trên, đồng thời khẳng định cam kết của chính quyền liên bang trong việc cung cấp hỗ trợ kịp thời khi cần thiết. Cả hai thị trưởng đã cập nhật cho tổng thống về tình hình thực địa cũng như các cuộc biểu tình tại hai thành phố Charlotte và Tulsa.

Giới chức hai thành phố cũng tái khẳng định quan điểm mọi cuộc biểu tình cần diễn ra trong hòa bình và cần tìm kiếm các cách thức hợp lý để xử lý vấn đề này một cách bình tĩnh và hiệu quả. Cùng ngày, Thống đốc bang và Thị trưởng thành phố Charlotte đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn thành phố.

Trong một tuyên bố, Thống đốc bang Bắc Carolina Pat McCrory cho biết thêm rằng, chính quyền bang đã cử các binh sỹ thuộc đội tuần tra quốc lộ đến hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật theo yêu cầu của phía chính quyền thành phố Charlotte.

Quan chức này tuyên bố: “Mọi hành vi bạo lực nhằm vào dân thường và cảnh sát hay phá hoại tài sản sẽ bị nghiêm trị”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.