Bạo lực tái bùng phát vì phân biệt chủng tộc tại Mỹ

Thứ Năm, 30/04/2015, 10:02
Bất chấp lệnh giới nghiêm được giới chức thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) đã bắt đầu có hiệu lực từ 22h ngày 28/4 (giờ địa phương – 9h ngày 29/4 theo giờ Việt Nam), theo những hình ảnh trên truyền hình địa phương, khoảng 200 đối tượng quá khích vẫn tụ tập biểu tình tại các ngã tư đường phố, khiến lực lượng cảnh sát phải giải tán.

Tình hình căng thẳng tiếp diễn từ vụ biểu tình bạo loạn bùng nổ ngày 27/4, sau đám tang Freddie Gray, một thanh niên da màu người Mỹ gốc Phi, thiệt mạng do chấn thương nghiêm trọng một tuần sau khi bị cảnh sát bắt giữ. Đây được xem là một bằng chứng mới về cách hành xử có tính phân biệt chủng tộc.

Thị trưởng Baltimore Stephanie Rawlings-Blake cho biết, lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 22h hôm trước tới 5h hôm sau sẽ kéo dài trong một tuần và được gia hạn nếu cần thiết. Hàng nghìn cảnh sát đã được triển khai tại các chốt chặn, trong khi 2.000 binh sĩ của lực lượng Vệ binh Quốc gia tuần tiễu trên khắp thành phố nhằm đảm bảo lệnh giới nghiêm, lập lại trật tự và bảo đảm an ninh cho Baltimore, nâng tổng số lính Vệ binh Quốc gia được triển khai lên khoảng 5.000 người.

Bên cạnh đó, trực thăng và xe bọc sắt cũng được điều động trong chiến dịch này để tăng cường an ninh. Tuy nhiên, bất chấp lệnh giới nghiêm, khoảng 200 đối tượng quá khích vẫn tụ tập tại các ngã tư đường phố. Những người này đã ném chai lọ về phía hàng rào cảnh sát, buộc lực lượng thực thi pháp luật phải bắn đạn hơi cay và đạn khói để giải tán đám đông. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Cảnh sát trưởng thành phố Anthony Batts cho hay, 10 đối tượng đã bị bắt giữ trong vụ giải tán lần này, song khẳng định tình hình an ninh tại Baltimore đã được kiểm soát.

Người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ với nội dung: “Suốt ngày, suốt đêm, chúng tôi sẽ đấu tranh cho Freddie Gray”, hay “Công lý cho Gray”...

Trong đêm 27, rạng sáng 28/4, cảnh sát đã bắt giữ 200 đối tượng quá khích. Về phía cảnh sát, 15 người đã bị thương do bị người biểu tình ném đá. Trong khi đó, hơn 100 xe cộ đã bị đốt cháy, hàng chục cửa hàng và công trình bị phóng hỏa. Các trường học đã bị đóng cửa và các phương tiện giao thông công cộng ở một số khu vực của Baltimore phải ngừng hoạt động.

Trước tình hình căng thẳng như vậy, chính quyền bang Maryland đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia vào tối 27/4. Sự việc này được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, buộc lực lượng Vệ binh Quốc gia lần đầu tiên kể từ vụ bạo loạn năm 1968 phải tuần tra các tuyến phố. Đây cũng là vụ bạo loạn nghiêm trọng nhất kể từ làn sóng biểu tình bạo loạn bùng nổ tại thị trấn Furguson, bang Missouri hồi năm ngoái sau vụ cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da màu không có vũ trang Michael Brown, 18 tuổi.

Phát biểu từ Washington ngày 28/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, nhiều vụ cho thấy các sỹ quan cảnh sát thường có những hành xử không thỏa đáng đối với các cá nhân, chủ yếu với người Mỹ gốc Phi. Ông khẳng định: “Đây không phải là điều gì mới mẻ cả, điều này đã diễn ra hàng thập kỷ rồi”.

Ông chủ Nhà Trắng đã bày tỏ thất vọng đối với cuộc biểu tình biến thành bạo loạn hôm 27/4, đồng thời chỉ trích cả những người biểu tình và cách hành xử của cảnh sát thành phố Baltimore mà ông cho là có tính chất phân biệt đối xử với người da đen. 

Ông nói: “Sau vụ Ferguson, chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều vụ các sĩ quan cảnh sát đụng độ dân thường, mà chủ yếu là người da màu. Đây là điều cực kỳ khó hiểu. Tôi nghĩ rằng, lực lượng cảnh sát phải tự xem xét lại mình”. Tuy nhiên, ông Obama cũng cho rằng, việc tụ tập biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn và hôi của sau cái chết của Freddie Gray là những hành động không thể chấp nhận và không mang lại hiệu quả.

Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo chung với em song sinh của Gray, cô Fredericka; Mục sư Jamal Bryant thuộc Giáo hội Giám lý người Mỹ gốc châu Phi và Ủy viên Hội đồng thành phố Brandon Scott nhằm xoa dịu người biểu tình, Thị trưởng Rawlings-Blake cho biết, phần lớn những người biểu tình tuần hành trong hòa bình, tuy nhiên một số kẻ quá khích đã gây gián đoạn.

Bà nói: “Thật không may khi một nhóm nhỏ những người quá khích đã biến một cuộc biểu tình hòa bình thành một cuộc biểu tình bạo lực. Đây là điều không thể chấp nhận được cho tôi, cũng như cho những người đang sống ở Baltimore”.

Còn cô Fredericka thì chỉ ngắn gọn rằng: “Freddie sẽ không muốn điều này. Cha mẹ của chúng tôi không thích bạo lực”. Về phía người dân Baltimore, mặc dù lên án những người gây bạo động, nhưng cũng bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào lực lượng cảnh sát của thành phố này.

Theo thống kê, tính tới thời điểm hiện tại, trong các cuộc biểu tình bạo loạn ở Baltimore, 235 người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ, trong đó có 34 thiếu niên; 15 công trình xây dựng như nhà cửa và cửa hàng đã phóng hỏa; 144 phương tiện giao thông bị đốt cháy và hơn 20 cảnh sát bị thương.

Căng thẳng gia tăng nhiều tháng qua tại Mỹ liên quan đến hành vi của giới chức thực thi pháp luật vốn đa phần là người da trắng sự phân biệt đối xử với các công dân da màu.

Gần đây nhất, một cuộc biểu tình nổ ra ở bang Nam Carolina – Mỹ hồi đầu tháng 4 sau vụ một cảnh sát ở bang này đã bắn chết một người đàn ông da màu không có vũ khí. Khoảng 50 người biểu tình tập trung trước tòa nhà hội đồng ở thành phố Bắc Charleston sáng 8/4 để phản đối vụ cảnh sát Michael Slager, 33 tuổi, bắn chết Walter Scott. Người biểu tình đồng thanh hét lên “Tám viên đạn ở phía sau”, đề cập tới việc Slager bắn Scott 8 lần vào lưng.

Ngay trong ngày 8/4, Slager đã bị sa thải và phải đối mặt với án tù 30 năm với tội danh giết người. Vụ án của Slager là giọt nước làm tràn ly của cuộc chiến phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Trước đó, các vụ cảnh sát da trắng làm chết người da màu song được miễn truy tố đã làm bùng nổ làn sóng biểu tình tại Mỹ.

Freddie Gray tử vong ngày 19/4 tại bệnh viện với thương tích 80% đốt sống cổ bị hủy hoại. Trước đó, hôm 12/4, Gray đã bị cảnh sát đè xuống đất còng tay và đẩy lên một chiếc xe thùng khi tìm cách chạy trốn. Cảnh sát cho biết, Gray đã bị tạm giữ tại sở cảnh sát 30 phút trước khi được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Theo nguồn tin từ các nhà hoạt động, Grey đã không nhận được sự chăm sóc y tế khi đang trên xe tuần tra của cảnh sát. Sáu sĩ quan cảnh sát Baltimore đã bị đình chỉ trong vụ việc này; cảnh sát đang tiến hành điều tra nội bộ về vụ việc.
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.