Quan hệ Nga - Mỹ đang “đi lùi”?
Quyết định không gây ngạc nhiên
Giải thích cho quyết định của mình, Tổng thống Donald Trump cho biết, vụ “đụng độ trên Eo biển Kerch” mới đây giữa Hải quân Nga và Ukraine chính là nguyên nhân buộc ông phải hủy cuộc gặp trên. Thông qua mạng xã hội Twitter, người đứng đầu Nhà Trắng viết: “Căn cứ vào thực tế rằng các tàu và thủy thủ chưa từ Nga trở về Ukraine, vì lợi ích của tất cả các bên liên quan, tôi quyết định hủy cuộc gặp theo kế hoạch với Tổng thống Vladimir Putin tại Argentina. Tôi mong đợi một cuộc gặp nữa có nội dung phong phú ngay khi tình hình này được giải quyết”.
Phía Nga bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định của Tổng thống Donald Trump, đồng thời nhấn mạnh “điều này đồng nghĩa với việc thảo luận về các vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế sẽ bị trì hoãn vô thời hạn”.
Tổng thống Donald Trump (trái) và người đồng cấp Vladimir Putin. (Ảnh: AP) |
Kế hoạch tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Mỹ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 được xúc tiến sau khi cả Moscow và Washington đều khẳng định một cuộc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp giữa ông Vladimir Putin và người đồng cấp Donald Trump là cần thiết và đáp ứng lợi ích của hai bên.
Quyết định của Tổng thống Mỹ được đánh giá là không gây ngạc nhiên, bởi người đứng đầu Nhà Trắng cũng thường có những hành động “không nhất quán” như vậy. Hơn nữa Moscow không quá kỳ vọng vào bước đột phá cải thiện quan hệ với Mỹ nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước tại Buenos Aires diễn ra.
Thậm chí một số nhà phân tích còn lo ngại đây là cái cớ để lực lượng bài Nga ở Washington tung ra nhiều “chiêu bài” hủy hoại quan hệ song phương như họ đã từng làm sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan hồi tháng 7 năm nay.
Tuy vậy, phía Nga cũng cho rằng, nó thể hiện “sự thiếu nghiêm túc” của Mỹ trong đối thoại và hợp tác với Moscow, và điều này khiến uy tín của Washington với tư cách là một đối tác tin cậy cũng bị ảnh hưởng.
Quyết định hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga trong bối cảnh hiện nay cũng được cho là xuất phát từ thực tế Tổng thống Donald Trump vẫn phải chịu những sức ép trong nội bộ nước Mỹ, khi việc cải thiện quan hệ với Nga luôn là chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ trên chính trường Mỹ. Một bộ phận lớn giới quyền uy ở Washington luôn coi “bất cứ cuộc tiếp xúc nào với Tổng thống Nga là bằng chứng cho thấy ông Donald Trump có mối liên hệ với Điện Kremlin”.
Hồ sơ Nga can thiệp bầu cử Mỹ vẫn còn đó, nên trong mọi động thái liên quan đến Nga, ông Donald Trump buộc phải tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với việc đảng Cộng hòa đã đánh mất đa số tại Hạ viện. Giới phân tích cũng cho rằng, quyết định hủy cuộc gặp thực chất không phải do vấn đề Ukraine.
Tổng Giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga Andrey Kortunov cho rằng: “Sự cố tại Eo biển Kerch không hẳn nguyên nhân mà chủ yếu là cái cớ để hủy bỏ cuộc gặp tại Buenos Aires. Nguyên nhân thực sự nằm ở chỗ khác. Bất chấp nỗ lực ngoại giao con thoi và tiếp xúc các cấp, đến nay vẫn chưa tìm được chủ đề đàm phán mà hai bên có thể tuyên bố chiến thắng”.
Trong khi đó, cũng có nhận định rằng, không loại trừ khả năng sự khiêu khích ở Eo biển Kerch tìm cách làm lu mờ cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Donald Trump cũng như ngăn cản hai nhà lãnh đạo “xích lại gần nhau”. Bà Nina Bashkatov - một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Liege (Bỉ) – nhấn mạnh: “Đây là một sự khiêu khích có chiến thuật, được hình thành để ngăn chặn bất kỳ sự xích lại gần nhau giữa các siêu cường quốc.
Không phải lần đầu tiên
Theo giới phân tích chính trị, đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ chấp nhận “khuất phục” trước các thế lực muốn ngăn ông đối thoại với người đồng cấp Nga, song không phải là lần đầu tiên các âm mưu đó xuất hiện.
Từng có thông tin về một cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo nhân sự kiện kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế chiến I ở Paris, Pháp hồi đầu tháng 11, song sau đó hai bên đã hủy kế hoạch này. Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, ngay trước thềm cuộc gặp ở Helsinki chỉ 3 ngày, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã “kích nổ một quả bom” không báo trước khi buộc tội 12 công dân Nga với tội danh tấn công mạng đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer, đánh giá: “Việc Tổng thống Donald Trump bắt tay với người đồng cấp Vladimir Putin ở thời điểm có cáo buộc liên quan tới 12 công dân Nga là xúc phạm đến nền dân chủ của chúng ta”, cho rằng, Tổng thống Mỹ nên ngừng cuộc họp với nhà lãnh đạo Nga. Phản ứng trước thông tin buộc tội, Bộ Ngoại giao Nga cho biết động thái dường như được tính toán từ trước nhằm phá hoại cuộc gặp mặt.
“Thời gian xảy ra sự kiện không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Điều đó buộc Tổng thống Donald Trump đối đầu với người đồng cấp Vladimir Putin. Nếu như ông không làm thế, điều đó đồng nghĩa ông nhận tội”, John Dean - một cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Richard Nixon - lý giải. Đây chính xác là phương thức mà truyền thông và giới chính trị muốn “dựng khung” Hội nghị Helsinki.
Công bố cáo trạng nhưng Tổng thống Donald Trump lại không đề cập đến vấn đề “Nga can thiệp bầu cử” tại cuộc gặp với người đồng cấp Vladimir Putin, giới phê bình tại Mỹ ngay lập tức nổi giận chỉ trích. Một số người thậm chí còn cáo buộc Tổng thống Trump phạm tội “phản quốc”.
Mức độ nghiêm trọng trong phản ứng của giới phê bình dường như buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump phải hoãn cuộc họp tiếp theo. Sau cuộc gặp tại Helsinki, quan hệ Nga – Mỹ lại lâm vào tình trạng gần như đối đầu, nhất là sau việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi INF, đồng thời hai bên cáo buộc Nga lẫn nhau vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận.
Rõ ràng việc từ bỏ một cơ hội đối thoại nghiêm túc cũng khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới có thể lún sâu vào vòng xoáy đối đầu nguy hiểm, mà trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ chi phối sự ổn định chiến lược và nền an ninh quốc tế thì quyết định của Tổng thống Mỹ có thể xem là một bước lùi.