Quan hệ Iran - Arab Saudi đang "ấm" trở lại?
Financial Times ngày 18/4 đưa tin, các quan chức cấp cao Arab Saudi và Iran đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp trong nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Theo đó, vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra tại Baghdad, Iraq hôm 9/4 "một cách tích cực" nhằm thảo luận về các cuộc tấn công vào Arab Saudido phiến quân Houthi tại Yemen thực hiện.
"Đây là một cuộc họp để tìm hiểu xem liệu có thể có cách nào xoa dịu những căng thẳng đang diễn ra trong khu vực hay không", một quan chức Iran tiết lộ. Theo nguồn tin cấp cao Iraq, phái đoàn Arab Saudi do Giám đốc Tình báo Khalid bin Ali al-Humaidan dẫn đầu. Một vòng đàm phán khác dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới.
Trong diễn biến mới nhất, Reuters đưa tin ngày 19/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết Tehran luôn hoan nghênh đối thoại với Arab Saudi, nhưng ông không xác nhận hay phủ nhận cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên. Phát biểu họp báo thường kỳ, ông Khatibzadeh nói: "Chúng tôi đã biết tin tức truyền thông về cuộc đàm phán giữa Iran và Arab Saudi, mặc dù thông tin đôi khi có những trích dẫn trái chiều.
Các cuộc đối thoại diễn ra tại Baghdad trong tháng 4/2021 được cho là cuộc thảo luận chính trị quan trọng đầu tiên giữa Arab Saudi và Iran kể từ năm 2016. Ảnh: Shutterstock |
Điều quan trọng là Cộng hòa Hồi giáo Iran luôn hoan nghênh đối thoại với Vương quốc Arab Saudi và điều này có lợi cho người dân hai nước cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực". Cho đến nay, Arab Saudi - quốc gia có đa số người Hồi giáo dòng Sunni, vẫn thường xuyên cáo buộc Iran kích động các cuộc xung đột trong khu vực bằng việc ủng hộ các phong trào của người Hồi giáo dòng Shiite tại Syria, Iraq và Yemen.
Quan hệ giữa hai bên càng trở nên căng thẳng sau khi Arab Saudi xử tử hình 47 đối tượng bị cáo buộc các tội danh liên quan khủng bố, trong đó có giáo sỹ dòng Shiite Nimr al-Nimr, dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối Arab Saudi tại các nước có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số. Năm 2016, Arab Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, đưa căng thẳng hai nước lên cao trào. Căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm vào năm 2018 khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal Bin Farhan Al Saud đã tỏ rõ mong muốn ngừng bắn với nhóm vũ trang mà nước này cho là được Iran hậu thuẫn: "Arab Saudi kêu gọi Chính phủ Yemen và người Houthi chấp nhận sáng kiến ngừng bắn, đồng thời cũng nhắc lại sự bác bỏ hoàn toàn đối với sự can thiệp của Iran trong khu vực và ở Yemen, bởi đây là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kéo dài tại Yemen".
Giới phân tích nhận định, đối với Arab Saudi, một đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông, việc nối lại đàm phán với Iran cũng là cách chứng minh thiện chí. Bởi việc giảm căng thẳng giữa hai quốc gia đối thủ tại khu vực là một trong những mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.Trên thực tế, các cuộc đàm phán giữa Arab Saudi và Iran diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang thúc giục chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra ở Yemen, được coi là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Arab Saudi và Iran trong khu vực. Chính quyền mớicủa Mỹ được cho là đang đẩy mạnh vai trò tích cực hơn trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến tại Yemen. Trong khi đó, Washington và Tehran đang cố gắng khôi phục một thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Theo đó, Tehran đang tham gia các cuộc đàm phán tại Áo nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 với nhóm P5+1. Là quốc gia ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận để buộc Iran trở lại đàm phán sửa đổi nội dung thỏa thuận, Arab Saudi không ủng hộ khôi phục thỏa thuận cũ.
Tuần trước, Arab Saudi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới một thỏa thuận chặt chẽ hơn, với các tiêu chuẩn cao hơn, đồng thời cho biết các quốc gia Arab sẽ tham gia đàm phán thỏa thuận đảm bảo hạn chế cả chương trình tên lửa và kiểm soát tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Đại sứ Rayd Krimly, người phụ trách hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Arab Saudi khẳng định, bất kỳ thỏa thuận nào không giải quyết hiệu quả những lo ngại về chương trình tên lửa của Iran và hỗ trợ cho các ủy ban trong khu vực sẽ không thể có hiệu lực.
"Chúng tôi muốn đảm bảo ở mức tối thiểu rằng bất kỳ nguồn tài chính nào cung cấp cho Iran thông qua thỏa thuận hạt nhân sẽ không được sử dụng để gây bất ổn khu vực", ông Krimly nêu rõ.Đây là lúc giới quan sát chờ đợi xem những tín hiệu tiếp theo mà Arab Saudi và Iran đưa ra liệu có giữ được nhịp tích cực như cuộc đàm phán vừa qua.