Căng thẳng trong quan hệ Iran-Arab Saudi: “Cuộc chiến” chưa có hồi kết

Thứ Hai, 11/01/2016, 08:16
Trong hai tuần đầu tiên của năm 2016, Trung Đông đã trở thành điểm nóng trên toàn cầu với đỉnh điểm là căng thẳng quan hệ ngoại giao giữa Arab Saudi và Iran. Vòng vây mà chính quyền Riyadh siết quanh Tehran ngày càng chặt nhất là khi các quốc gia trong vùng Vịnh đồng loạt có nhiều phản ứng mạnh mẽ hơn trong vụ việc Đại sứ quán Arab Saudi ở Iran bị tấn công bởi một nhóm người biểu tình quá khích.


Vòng vây đồng minh của Arab Saudi

Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Arab Saudi và Iran dường như không có dấu hiệu xuống thang. Ngược lại, các bên đều đang cố thể hiện sức mạnh của mình cũng như khả năng gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác trong khu vực. 

Bằng chứng mới nhất là Ngoại trưởng Arab Saudi Adel Al-Jubeir đã triệu tập được cuộc họp bất thường của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Thủ đô Riyadh hôm 9-1.

Dưới sự chủ trì của ông Adel Al-Jubei, các Ngoại trưởng trong Hội đồng này đều tỏ rõ thái độ ủng hộ Arab Saudi, lên án vụ tấn công của người biểu tình Iran nhằm vào Đại sứ quán Arab Saudi ở Thủ đô Tehran. 

Trong tuyên bố được đưa ra tối 9-1, các Ngoại trưởng GCC tỏ rõ thái độ sẵn sàng ủng hộ Arab Saudi sử dụng các biện pháp chống Iran với mục đích là “ngăn cản các hành động khủng bố của Tehran và đảm bảo rằng, nước này sẽ không phá hỏng các mối quan hệ láng giềng thân thiết giữa các quốc gia Arab trong vùng Vịnh”. 

Tại cuộc họp ở Riyadh hôm 9-1, Ngoại trưởng các nước GCC đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Arab Saudi xung quanh mâu thuẫn với Iran. Ảnh: SPA.

Chưa hài lòng với những kết quả từ GCC, hiện tại, Arab Saudi còn đang kêu gọi cả tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhóm họp khẩn cấp để lên án hành động tấn công Đại sứ quán nước này ở Tehran. 

Lấy cớ là những hành động gây hấn này có thể lan sang các Đại sứ quán nước ngoài khác ở Iran như Đại sứ quán Mỹ, Anh…, Ngoại trưởng Arab Saudi Adel Al-Jubeir nhấn mạnh, các quốc gia phải có hành động ngay tức thì đối với Iran trong vấn đề này. 

Đồng thời, ông Adel Al-Jubeir cáo buộc chính quyền Tehran làm ngơ trước những vụ việc bạo lực như vậy và cư xử như “một quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế”. 

Ngoại trưởng Arab Saudi cũng dùng nhiều ngôn từ khá mạnh mẽ để chỉ trích Iran như: “Nếu là một quốc gia có trách nhiệm, họ (tức Iran - PV) phải nhận lỗi về mình và cư xử khác hơn. Nếu không, một nhà nước như vậy cần phải bị cô lập”. 

Thật không may cho Iran là có vẻ ngày càng có thêm nhiều quốc gia đứng về phía Arab Saudi. Sau Yemen, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến lượt Bahrain và Kuwait cũng tạm ngừng các hoạt động ngoại giao với nước này. 

Tổng thư ký GCC Abdullateef Al-Zayani trong bài phát biểu tại cuộc họp báo tối 9-1 cũng lớn tiếng cho rằng, “cách hành xử của Iran không phải từ vương quốc hay cộng đồng GCC” và rằng “GCC bắt đầu ngừng các hoạt động hợp tác với Iran và sẽ dần từng bước thực hiện biện pháp trừng phạt”. 

Thậm chí, Tổng thư ký GCC Abdullateef Al-Zayani kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp “ngăn chặn các hành động tương tự như vậy của Iran đối với phái đoàn ngoại giao nước ngoài trong tương lai”. Ông Abdullateef Al-Zayani cũng cho biết, GCC đang hợp tác với Arab Saudi để đưa vấn đề Iran lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

Và lá bài đơn kiện của Iran

Theo các nhà phân tích, rõ ràng Arab Saudi đang dùng ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia trong khu vực để siết chặt vòng vây trừng phạt nhằm vào Iran. Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir đến nay vẫn đe dọa rằng, nước này đang tìm kiếm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran. Mặc dù ông Adel al-Jubeir không nói rõ các biện pháp này song giới quan sát vẫn cho rằng, đây có thể là những biện pháp trừng phạt mạnh hơn khiến Tehran suy yếu, kinh tế bị trì trệ. 

Trước đó, hôm 4-1, Arab Saudi đã tuyên bố dừng các hoạt động liên quan tới giao thông hàng không và thương mại với Iran. Nhiều khả năng, lá bài giá dầu rẻ sẽ được áp dụng triệt để bởi lẽ việc Arab Saudi kiên quyết không giảm sản lượng khai thác dầu thô của mình sẽ gây bất lợi trước hết cho Iran. Công nghệ khai thác dầu của Iran đang lạc hậu nên khi chi phí khai thác cao hơn giá thị trường thì nước này sẽ rơi vào tình trạng càng làm càng lỗ… Đó là chưa kể đến việc Arab Saudi dường như đã chuẩn bị trước cho một kịch bản đối đầu với Iran trong khi Tehran thì không. Ở vào thế bị động bao giờ cũng chịu thua thiệt.

Trong bối cảnh như vậy, Iran cũng bắt đầu có những phản ứng quyết liệt hơn. Hôm 9-1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã trình đơn kiện Arab Saudi lên LHQ vì có hành động khiêu khích Tehran, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao hai nước. 

Trong lá đơn gửi Tổng thư ký LHQ, Ngoại trưởng Iran cáo buộc rằng, một số nhân vật cấp cao trong chính quyền Riyadh dường như đang cố gắng đào sâu thêm nữa hố ngăn cách giữa hai quốc gia này, biến nó thành một chiến dịch chống Tehran ở Trung Đông. 

Ông Mohammad Javad Zarif khẳng định, Iran không muốn làm gia tăng căng thẳng nhưng cũng không thể làm ngơ trước các hành động khiêu khích của Arab Saudi. Đồng thời, Ngoại trưởng Iran cáo buộc Riyadh ủng hộ và hỗ trợ các tổ chức khủng bố, tổ chức cực đoan trong khu vực, khuyến khích những hành động xấu nhằm vào Iran, nơi có đông người Hồi giáo theo dòng Shiite sinh sống. 

Ông cũng cho biết, Iran đã gửi một thư kiện tương tự tới OIC và Ngoại trưởng các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Iran cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch ngoại giao với các quốc gia láng giềng. Hôm 8-1, trong chuyến thăm Oman, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Morteza Sarmadi đã nhấn mạnh ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Iran là thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng, đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh Persic.

Sông Thương
.
.
.