“Phát súng” bắn vào thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ - Trung

Chủ Nhật, 09/12/2018, 09:09
Việc Canada bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ đã khiến dư luận dấy lên những nghi ngờ mới về thỏa thuận “đình chiến” thương mại mong manh mà lãnh đạo Mỹ - Trung đạt được cách đây ít ngày.

Bên cạnh đó, vụ lùm xùm này cũng phần nào gây tổn hại tới quan hệ giữa Trung Quốc với Canada khi Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Ottawa.

Bị các cơ quan tình báo Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, Tập đoàn Huawei là một trong những công ty công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Công ty này bán nhiều điện thoại thông minh hơn cả Apple của Mỹ và xây dựng được các mạng lưới viễn thông tại nhiều nước trên thế giới. 

Vụ bắt giữ Phó Chủ tịch tập đoàn này đồng nghĩa với phát súng cảnh báo của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch siết gọng kìm với sự lan rộng toàn cầu của công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến các cuộc đàm phán thương mại của người đứng đầu Nhà Trắng với phía Trung Quốc gặp không ít xáo trộn. 

Theo các nhà phân tích Tổ chức Á - Âu (Eurasia Group), “những kiểu hành động như thế này sẽ ảnh hưởng tới bầu không khí xung quanh các cuộc đàm phán và khiến hai bên khó đi đến được một giải pháp bền vững”. 

Trong khi đó, ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Washington cho rằng: “Vụ việc này như một cú giật mạnh một sợi dây lỏng lẻo và có thể một phần khiến mối quan hệ đổ vỡ. Cả hai bên cần phải có những hành động thận trọng và phải hiểu rõ những lợi ích lâu dài của mình”. 

Ông Christopher Balding một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Fulbright thì gọi “Đây là sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu. Ảnh: Warior trading news

Một số chuyên gia phân tích khác thì cho rằng, Mỹ có thể lợi dụng diễn biến mới này như một con bài mặc cả trong tranh chấp thương mại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ có thể dùng bà Mạnh Vãn Châu để gây sức ép trực tiếp lên Trung Quốc nếu nước này không đáp ứng được thời hạn mà Tổng thổng Donald Trump đặt ra để giải quyết tranh chấp thương mại. 

Ông Dennis Wilder, từng là nhà phân tích Trung Quốc tại CIA cho rằng, vụ việc chắc chắn sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán và có vẻ như Mỹ muốn gia tăng áp lực trong giai đoạn 90 ngày. 

Trong khi đó, Giáo sư Giả Văn Sơn của Đại học Chapman, Mỹ nhận định, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu là một phần chiến lược địa chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đối đầu với Trung Quốc, cảnh báo điều này có nguy cơ đẩy các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đi chệch hướng. 

Còn giáo sư luật học Lưu Đức Lương thuộc Học viện pháp luật, Đại học Bắc Kinh thì chỉ trích việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế. Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, vụ bắt giữ cho thấy Mỹ đã áp đặt luật pháp vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. 

Ông nhấn mạnh: “Đó là một trong các chính sách ngạo mạn không ai có thể chấp nhận. Nó đã bị nhiều nước, ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ phản đối. Washington phải chấm dứt ngay điều này”.

Vụ bắt giữ đã thực sự khiến Trung Quốc tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ và Canada “ngay lập tức sửa sai” và khôi phục “tự do cá nhân” cho nhân vật quan trọng này. Câu hỏi lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ làm gì. 

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đáp trả và chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể chuẩn bị các động thái khác nhằm vào lợi ích của Trung Quốc. Rủi ro đó hiện đang ở mức rất cao. Rõ ràng, thời điểm này chưa thể đánh giá vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu có thể khiến mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ - Canada ảnh hưởng ở mức độ như thế nào. 

Liệu rằng đây có phải vật cản mới đặt ra cho thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung hay không? Hay mọi nỗ lực trước đây cho một hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Canada có bị đổ sông, đổ biển? Tất cả những điều này có lẽ sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách xử lý tình hình của các bên liên quan. Ở đây, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò chính để diễn biến xung đột thương mại mới không biến thành một vụ án chính trị với những hậu quả khôn lường.

Đôi nét về bà Mạnh Vãn Châu

Bà Mạnh Vãn Châu có bằng thạc sỹ Đại học Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán. Năm 1992, bà xin việc làm đầu tiên ở Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (China Construction Bank) nhưng chỉ một năm sau thì bắt đầu làm việc cho Huawei, công ty của cha. Bà từng trải qua nhiều vai trò quyền lực trong mảng ngân hàng, quản lý vốn và kế toán. Tuy thế, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc, bà Mạnh tiết lộ là đã từng bắt đầu ở Huawei trong vai trò người nhận điện thoại, thư ký, và đôi khi lo bán hàng tại hội chợ.

Năm 2003, bà Mạnh Vãn Châu được trao nhiệm vụ thống nhất các bộ phận tài chính của Huawei trên toàn cầu và chuẩn hóa các thủ tục kế toán, IT (công nghệ thông tin). Từ năm 2005, Mạnh Vãn Châu đảm nhận vai trò điều hành việc thành lập 5 trung tâm dịch vụ của Huawei. Từ năm 2007, bà Mạnh Vãn Châu đã phụ trách Chương trình Chuyển đổi Dịch vụ tài chính tích hợp trong một dự án chung 8 năm với tập đoàn IBM để giúp Huawei phát triển hệ thống dữ liệu và quy tắc phân bổ nguồn lực, cải thiện hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa quá trình kiểm soát nội bộ.

Bà Mạnh Vãn Châu làm Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei cho đến lúc bị bắt ở Canada. Bà có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ khi Huawei bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Iran và hỗ trợ hoạt động gián điệp của Trung Quốc, theo cáo buộc của Washington. 

PV

Tập đoàn Huawei phủ nhận là mối đe dọa an ninh

Tập đoàn Huawei hôm 7-12 phủ nhận là mối đe dọa an ninh sau những cảnh báo của Liên minh châu Âu. Tuyên bố của Huawei đưa ra sau khi Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về công nghệ Andrus Ansip cho rằng, EU nên thận trọng với Tập đoàn Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, bởi vì các nguy cơ có thể xảy ra đối với an ninh và ngành công nghiệp của khối.

Trong tuyên bố đưa ra, Tập đoàn Huawei cho biết rất ngạc nhiên và thất vọng trước bình luận của quan chức EU. Huawei phản đối bất cứ cáo buộc nào liên quan đến mối đe dọa an ninh. Tập đoàn này cũng khẳng định chưa bao giờ bị bất cứ một chính phủ nào đó đề nghị xây dựng “cửa sau” hay phá mạng lưới nào đó. Huawei cũng khẳng định phản đối những hành vi như vậy.

Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, Tập đoàn Huawei cũng cam kết sẽ giải quyết các vấn đề an ninh mà chính phủ Anh nêu ra trong một báo cáo đầu năm nay. 

PV

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.