Phải tôn trọng phán quyết về vấn đề Biển Đông

Thứ Tư, 04/09/2019, 13:19
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhấn mạnh phán quyết của tòa án trọng tài năm 2016 về vấn đề Biển Đông với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi tuần trước. Tuy nhiên, vấn đề gai góc này xem ra vẫn còn nhiều khó khăn để giải quyết vì Bắc Kinh chưa chịu từ bỏ yêu sách của mình về Biển Đông.

Ngược lại, Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông bằng những hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế.

Họng súng trong vỏ bọc hòa bình

Những ngày qua, dư luận quốc tế xôn xao về cuộc nói chuyện đầy gay cấn giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xung quanh vấn đề Biển Đông. Cụ thể là, biết được ý đồ của ông Rodrigo Duterte, người đang có chuyến thăm Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bất ngờ nêu quan điểm của Trung Quốc rằng không công nhận phán quyết của tòa trọng tài hồi năm 2016 về vụ kiện Philippines-Trung Quốc và "không thay đổi lập trường" về Biển Đông.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập Cận Bình kêu gọi hai nước "gạt bỏ những tranh chấp, loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài đối với vấn đề Biển Đông" và "tạo ra bước tiến lớn hơn trong hoạt động chung về thăm dò dầu mỏ và khí đốt trên biển"...

Chưa hết, Trung Quốc còn sử dụng chiến thuật "lấy lại lòng tin" của Philippines bằng việc đồng ý thành lập một ủy ban chỉ đạo về thăm dò dầu khí chung giữa hai quốc gia; ký kết các thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả giáo dục đại học, khoa học và công nghệ và một khoản vay của Trung Quốc cho một dự án đường sắt của Philippines.

Giới quan sát nhận định, các vấn đề gai góc trong lịch sử quan hệ Philippines-Trung Quốc đã không có khả năng cản trở sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia, ngay cả khi ông Rodrigo Duterte dự định chuyển trọng tâm vấn đề Biển Đông sang phạm vi luật pháp quốc tế. GS Jeffrey Ordaniel, chuyên gia nghiên cứu về an ninh quốc tế tại Đại học quốc tế Tokyo, chia sẻ, ông hoan nghênh kế sách chuyển sang luật pháp của Philippines sau khi chính sách sử Công ước quốc tế Liên hợp quốc  về Luật Biển (UNCLOS) không nhận được sự  dụng hợp tác từ phía Bắc Kinh.

Tuy nhiên, GS Jeffrey Ordaniel cũng nhấn mạnh rằng, dù cuộc gặp cuối tháng 8 vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo Philippines-Trung Quốc không dẫn đến bất kỳ giải pháp cụ thể nào về vấn đề nổi cộm hiện nay trên Biển Đông; nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, Bắc Kinh đã có vẻ kiên nhẫn hơn trong quá trình giữ đà phát triển mối quan hệ với Manila.

Yêu sách đường chín đoạn đánh dấu tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, tuyên bố chủ quyền đối với cả những vùng biển và hải đảo đang thuộc chủ quyền hoặc quyền kiểm soát của các nước khác, trong đó có Philippines. Hai tháng gần đây, mức độ gia tăng hành động đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông ngày càng lớn trong đó đặc biệt có vụ một tàu cá Trung Quốc đụng độ một tàu cá Philippines và 22 thành viên thủy thủ đoàn của Philippines sau đó được một tàu Việt Nam giải cứu.

Hãng Philippines Inquirer viết: "Nhìn vào những hành động đó, Philippines phải tiếp tục nhắc lại phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế dù Bắc Kinh không thừa nhận". "Phải nhắc lại chiến thắng này bất cứ khi nào có thể bởi đây là cách duy nhất để sử dụng nó như đòn bẩy cho bất cứ sự nhượng bộ nào", Philippines Inquirer dẫn lời của ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines.

Đồng quan điểm này, Vishnu Prakash, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc trong bài viết đăng trên tờ The Korea Times cũng cảnh báo: "Việc hải quân Trung Quốc tiến hành tuần tra thường xuyên ở Biển Đông và xua đuổi các tàu không phải của Trung Quốc không phải là ít. Ví dụ, tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat, di chuyển trong vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông, sau khi ghé cảng của Việt Nam hồi tháng 7 - 2011, đã bị hải quân Trung Quốc quấy rối. Ấn Độ có lợi ích chiến lược và kinh tế ở Biển Đông. Theo thỏa thuận với Việt Nam được ký kết hồi năm 2011, Ấn Độ đã khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc phản đối vô cớ...

Hành động bắt nạt của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với các nước ven biển và các quốc gia khác có lợi ích ở khu vực Biển Đông tự do và mở rộng. Sự thực là, ngày nay vẫn còn có việc khẳng định sức mạnh bằng "họng súng". Chỉ có điều các quốc gia này cố che giấu sự xâm lấn của họ trong "vỏ bọc" hợp pháp và lời lẽ hòa bình. Trung Quốc đã hoàn thiện nghệ thuật đó. Nước này giỏi tạo ra các bản đồ, tài liệu và các dấu vết củng cố các yêu sách của họ.

Thêm vào đó, Trung Quốc thường rêu rao để đánh bóng hình ảnh của mình rằng "Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành bất kỳ cuộc chiến tranh hay xung đột nào" hay "Trung Quốc luôn đi đầu trong việc hướng tới hòa bình và ổn định khu vực"... Nhưng đây chỉ là khẩu hiệu. Những gì Trung Quốc làm hoàn toàn trái ngược với điều đó. Chỉ có một mặt trận quốc tế thống nhất mới có thể cản trở hành động leo thang của Trung Quốc".

Người dân Philippines biểu tình phản đối những hành động đơn phương, vi phạm pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tín hiệu tích cực từ cộng đồng quốc tế

Tính đến nay, Trung Quốc tiến hành quân sự hóa một số đảo nhân tạo trên Biển Đông được cho là động thái ở mức cao nhất của nước này đối với các vấn đề ở khu vực. Thực chất hành động cũng như mục đích đằng sau của Trung Quốc đe dọa tới không chỉ các nước trong khu vực mà còn tới cả nước khác như Mỹ, Ấn Độ, Australia...

Thống kê mới nhất cho thấy, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã mở rộng thêm khoảng 12.000km2 trên khắp 7 cấu trúc địa hình với hàng loạt thiết bị cảm biến tầm xa, cơ sở hạ tầng cảng biển, đường băng, và các kho nhiên liệu và vũ khí kiên cố hiện nằm rải rác. Đó là một dấu ấn quân sự to lớn, bất chấp cam kết trên danh nghĩa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 là không quân sự hóa các đảo và tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng các cơ sở hạ tầng phòng thủ cần thiết này được cung cấp chủ yếu để đảm bảo an toàn hàng hải và cứu trợ thiên tai.

Steven Stashwick, một nhà văn, nhà nghiên cứu độc lập tại New York (Mỹ) trong bài viết gửi trang Foreign Policy đã bình luận: "Những tuyên bố chủ quyền mang tính cực đoan của Trung Quốc trong khu vực và hành vi ép buộc có tính hung hăng của họ đối với các quốc gia có yêu sách khác, căng thẳng giữa các động lực chính trị và quân sự của Trung Quốc làm giảm bớt cơ hội để nước này sử dụng biện pháp ngoại giao và xuống thang trong một cuộc khủng hoảng. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng khả năng xảy ra một số cuộc đụng độ hay mâu thuẫn với các quốc gia khác ngoài khu vực nhưng có lợi ích trên tuyến đường biển quan trọng này.

Mỹ hiện đã thúc đẩy nhiều biện pháp quân sự mang tính răn đe. Australia, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng. Pháp, Đức và Anh còn ra một tuyên bố chung về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS tạo cơ sở cho hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và thế giới. Rõ ràng, Biển Đông đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và cộng đồng quốc tế đang ngày càng đoàn kết hơn trong việc giải quyết vấn đề này".

Nói rõ hơn về vai trò của quốc tế trong vấn đề Biển Đông hiện nay, TS Gerhard Will, chuyên gia về Biển Đông thuộc Quỹ Khoa học và chính trị Đức cho hay, EU luôn có lý do để quan tâm đến các diễn biến ở Biển Đông. Khối thương mại lớn nhất thế giới này có lợi ích kinh tế sống còn trong việc bảo vệ các hành lang vận chuyển bằng tàu tự do, an toàn và ổn định, đặc biệt là các hành lang nối khu vực này với các “nhà máy điện” kinh tế ở Đông Á...

Nhưng như hầu hết các bên tham gia quốc tế không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, EU không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với các vấn đề chủ quyền. Là một bên tham gia có sức nặng quy chuẩn và là bên tham gia ký kết UNCLOS, Brussels luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung. Năm 2012, Đường lối chỉ đạo chính sách Đông Á khuyến khích các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, hối thúc Trung Quốc và ASEAN nhất trí về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý. Chiến lược an ninh hàng hải EU 2014 xây dựng dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ UNCLOS cũng như quyền tự do hàng hải, coi đó là cơ sở cho môi trường toàn cầu ổn định.

Chiến lược toàn cầu EU (EUGS) hiện nay, được công bố hồi tháng 6-2016 cũng cam kết một cách cụ thể “ủng hộ tự do hàng hải, kiên trì tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và các thủ tục tố tụng của nó, khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp biển", nhấn mạnh sự cần thiết phải “xây dựng năng lực biển và hỗ trợ một cơ cấu an ninh khu vực do ASEAN dẫn đầu”...

Nhưng một sự đổi thay đang diễn ra đối với EU, tiến tới cách tiếp cận có cơ sở, thực tế hơn đối với các vấn đề toàn cầu. Tuyên bố chung của Đức-Pháp-Anh về vấn đề Biển Đông là một minh chứng cụ thể.

"Theo hiểu biết của tôi, đây là lần đầu có một quyết định ra tuyên bố về Biển Đông như vậy. Trước đây, họ có đề cập đến Biển Đông trong những văn bản chung. Tuy nhiên, việc họ quyết định tuyên bố về nó lại có một chuẩn mực khác. Họ đã nhấn mạnh một lần nữa rằng, vấn đề này không chỉ liên quan tới lợi ích khu vực mà cả lợi ích quốc tế.

Tuyên bố của EU và tuyên bố chung của Đức, Pháp, Anh ngầm ý nghĩa đáng kể bởi họ nói rõ ràng rằng, đây không chỉ là vấn đề khu vực mà cả quốc tế. Chúng có liên quan tới lợi ích của EU và EU muốn xung đột leo thang trong những ngày này phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế - điều mà Trung Quốc thường bỏ qua. Đây là một chuẩn mực mới mà ta không thể tìm được ở những tuyên bố trước đó". TS Gerhard Will phân tích.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.