OSCE: Chống khủng bố bằng cách ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan
- Lính bắn tỉa Ukraina xả đạn vào đoàn thanh tra OSCE và báo chí quốc tế
- OSCE: Không thể chấp nhận việc bắt giữ quan sát viên tại Ukraine
- OSCE gửi quan sát viên tới Ukraine
- Thượng đỉnh OSCE: Tham vọng nhiều, hy vọng ít
Chia sẻ kinh nghiệm của Đức trong việc chống khủng bố với các chuyên gia đến từ hơn 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cho biết, các con số thống kê của cơ quan tình báo nước này khẳng định, có tới 20% chiến binh nước ngoài của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện nay là nữ. Riêng ở Đức, 810 người đã rời quê hương để tới Iraq và Syria, gia nhập IS.
Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere nhấn mạnh rằng: “Trước nay chúng ta vẫn cho rằng Internet đã góp phần làm gia tăng và phát tán tư tưởng cực đoan. Nhưng mọi người khi tham gia các mạng xã hội đã biết tự chủ suy nghĩ và lựa chọn của mình. Internet cũng có lỗi nhưng không hoàn toàn chỉ một mình công cụ này chịu trách nhiệm về việc gia tăng số người ủng hộ IS. Chúng ta cần mở rộng và tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere chia sẻ kinh nghiệm chống khủng bố tại Hội nghị chống khủng bố của OSCE được tổ chức tại Thủ đô Berlin. Ảnh: DPA. |
Ông Thomas de Maiziere cũng không ngần ngại kể ra các kinh nghiệm của Đức như việc thành lập thêm một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố có tên gọi BFE+, chuyên trách về bắt giữ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm và bảo vệ nhân chứng.
BFE+ có biên chế 250 lính, được chọn lọc từ lực lượng đặc nhiệm SEK và lực lượng đặc biệt GSG-9. Thành viên của BFE+ được huấn luyện, đào tạo nâng cao nhằm đối phó với các vụ khủng bố có tổ chức như vụ ở Paris (Pháp) hoặc các đợt truy quét tội phạm lớn. Lực lượng này sẽ được trang bị các loại vũ khí hiện đại như xe thiết giáp, súng trường…
Tiếp đó, Đức còn mở ra một loạt các biện pháp chống khủng bố mới trong đó đáng chú ý là việc các cơ quan an ninh Đức có thể chia sẻ thông tin tình báo với các nước khác ở bên trong châu Âu hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngoài ra, còn có các biện pháp như tăng cường khả năng hoạt động bí mật của các cơ quan cảnh sát Đức để thâm nhập vào các đường dây buôn người; yêu cầu những người mua điện thoại trả trước hoặc SIM điện thoại sẽ phải trình giấy tờ tùy thân…
Bổ sung cho những phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Đức, người đứng đầu cơ quan Nội vụ Serbia Aleksandar Nikoliv đã tiết lộ rằng, nước này đang chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài ngăn chặn khủng bố. Chiến lược này bao gồm nhận diện những kẻ cực đoan và kêu gọi bạo lực, đưa chúng vào một nhóm để theo dõi. Tiếp đó là chùm hoạt động xử lý những kẻ này bằng nhiều biện pháp trong đó kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội. Ông Aleksandar Nikoliv cũng nhấn mạnh rằng, Serbia rất quan ngại về việc khủng bố, nhất là IS có thể lợi dụng Internet để tiêm nhiễm vào đầu giới trẻ nước này những tư tưởng cực đoan, chết chóc…
Trên thực tế, ngăn ngừa và chống lại bạo lực cực đoan và cực đoan hóa dẫn tới khủng bố đã là một ưu tiên trong hoạt động chống khủng bố của OSCE trong nhiều năm qua. Đây cũng là cách tiếp cận của OSCE nhằm hỗ trợ Chương trình hành động của Liên hợp quốc để ngăn chặn chủ nghĩa bạo lực cực đoan, được giới thiệu hồi tháng 1 vừa qua.
Để hỗ trợ OSCE trong chiến dịch này, các nước thành viên Nghị viện châu Âu (MEPs) cũng đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hành động để ngăn chặn hiện tượng cực đoan hóa ở giới trẻ. Nghị quyết đã đưa ra những đề xuất cụ thể cho một chiến lược toàn diện để chống chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt là các biện pháp áp dụng trong nhà tù, trên mạng Internet và thông qua giáo dục cũng như hoạt động xã hội.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một định nghĩa chung về các tay súng nước ngoài để tạo điều kiện cho tiến trình điều tra, xét xử hình sự đối với những người này khi họ trở về bất cứ nước nào trong Liên minh châu Âu (EU) và sự cần thiết phải có biện pháp kiểm soát một cách bắt buộc và có hệ thống đường biên giới chung của EU với bên ngoài. Nghị viện châu Âu đề xuất cách ly những tù nhân cực đoan, coi đây là biện pháp ngăn ngừa những phần tử này truyền bá tư tưởng độc hại trong môi trường nhạy cảm như nhà tù…
Bên cạnh đó, OSCE cũng đã nêu vấn đề là làm thế nào để đối phó với chiến binh khủng bố từng chiến đấu ở nước ngoài sau khi họ trở về và những cách để họ tái hội nhập vào xã hội; đề xuất thiết lập một danh sách đen các phần tử thánh chiến ở EU cũng như những đối tượng bị tình nghi là khủng bố.