Nước Anh trước giờ G

Thứ Năm, 23/06/2016, 07:40
Hôm nay người dân Anh sẽ bỏ phiếu quyết định việc “Xứ sở sương mù” sẽ ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Cuộc bỏ phiếu này được cho là có thể “viết lại” số phận chính trị và kinh tế EU.


Có lẽ do vậy mà những tranh cãi xung quanh những vấn đề lớn như người di cư, quy định pháp luật, chủ quyền, trong đó “nóng” nhất là kinh tế, giữa hai phe ủng hộ và phản đổi vẫn diễn ra vô cùng quyết liệt. Cả hai bên đều đang cố gắng tung ra những “chiêu bài” nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người dân.

Về vấn đề người di cư, những người mong muốn Anh rời khỏi “mái nhà chung” cho rằng, nếu xảy ra kịch bản Brexit (Anh rời EU), Anh sẽ có thể hạn chế lượng người di cư đến từ EU. Những người này bày tỏ lo ngại làn sóng nhập cư ồ ạt sẽ tạo áp lực đối với các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, hay đối với vấn đề nhà ở và hệ thống an sinh xã hội.

Trong khi đó, phe phản đối Brexit lại đưa ra lập luận rằng, người di cư tới EU đóng thuế cho nền kinh tế nhiều hơn là việc trở thành “gánh nặng”. Về những quy định luật pháp, theo quan điểm của những người ủng hộ Anh rời khỏi EU, EU áp đặt quá nhiều thủ tục đối với hoạt động kinh doanh của Anh.

Nếu xảy ra Brexit, các doanh nghiệp Anh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, trút bỏ bớt được gánh nặng thủ tục sẽ có quyền tự quyết lớn hơn đối với các hoạt động của họ.

Những người ủng hộ Brexit trong một cuộc tuần hành hôm 15-6 gần tòa nhà Quốc hội Anh. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, phe phản đối lại cho rằng kịch bản Brexit, nếu xảy ra, sẽ kéo theo một hệ quả tiêu cực đối với các doanh nghiệp, do các thị trường sẽ bị biến động mạnh và có thể phải mất nhiều năm để đàm phán, cũng như ký kết được các thỏa thuận với EU.

Về vấn đề chủ quyền, những người không muốn ở lại EU cho rằng, nếu xảy ra kịch bản Brexit, Anh không còn phải tuân thủ các quy định nội khối do Tòa án Công lý châu Âu đặt ra, trong khi các quốc gia khác cũng sẽ không bắt buộc phải thông qua các quy định phản đối những nguyện vọng của London. Tuy nhiên, phe phản đối cho rằng việc rời EU sẽ làm suy giảm vị thế của Anh trên toàn thế giới và có thể làm gia tăng khả năng Scotland đòi tách ra độc lập. Cuối cùng và nổi cộm nhất là vấn đề kinh tế.

Phe phản đối Brexit bảo vệ quan điểm rằng, nếu Anh tiếp tục ở lại EU, nền kinh tế của nước này sẽ mạnh hơn, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, cũng như thúc đẩy thương mại đầu tư. Tuy nhiên, phe ủng hộ Brexit lại cho rằng, rời khỏi “mái nhà chung” đồng nghĩa với việc Anh sẽ không còn phải thực hiện các nghĩa vụ đóng góp ngân sách EU với số tiền khoảng 8,5 tỷ bảng Anh (10,77 tỷ euro) như năm ngoái. London vừa có thể tìm kiếm mối quan hệ hợp tác thương mại với EU, vừa có thể ký các thỏa thuận thương mại có tính đột phá với các thị trường đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Thủ tướng Anh David Cameron hôm 19-6 khẳng định nếu xảy ra kịch bản Brexit, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên đưa ra quyết định như vậy trong lịch sử 60 năm tồn tại của EU và làm dấy lên nỗi lo sợ về tương lai của “dự án châu Âu”.

Theo ông Cameron, Anh sẽ không thể quay trở lại EU nếu cử tri nói “không” trong cuộc trưng cầu sắp tới. Ngoài việc mất quyền tiếp cận thương mại tự do với EU, quyết định ra đi của Anh còn tạo ra “lỗ hổng ngân sách” vốn đang rất eo hẹp. Ông Cameron thậm chí cảnh báo về “nỗi hổ thẹn” đối với một đất nước có vị trí quan trọng và đáng tự hào như nước Anh nếu rời khỏi “mái nhà chung châu Âu”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Cameron cũng nhấn mạnh vị thế của nước Anh sẽ bị ảnh hưởng nếu “đơn độc ra đi”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh kịch bản Brexit sẽ hủy hoại nghiêm trọng EU này và các nước thành viên còn lại sẽ phải làm mọi việc để có thể ngăn chặn sự đảo ngược tiến trình hội nhập”.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẩn thiết kêu gọi một EU hùng mạnh và thống nhất hơn, đồng thời cảnh báo rằng không có bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu nào có khả năng đương đầu với những thách thức của thế kỷ XXI. Theo nhận định của Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kịch bản Brexit, nếu xảy ra, sẽ gây hậu quả tiêu cực, sẽ tạo ra “làn sóng các đòn tấn công” nhằm vào toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó có Mỹ.

Đây không phải là lần đầu người dân Anh bỏ phiếu về Brexit. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1975, người dân Anh đã quyết định ở lại EU. Tuy nhiên, từ đó đến nay, EU đã có nhiều thay đổi và nhiều người Anh cho rằng họ bị áp đặt quá nhiều luật và phải trả phí thành viên lớn. Họ muốn nước Anh có toàn quyền kiểm soát biên giới và hạn chế người châu Âu đến Anh làm việc.

Và lần này, Brexit có thể coi là một lối đi - một sự lựa chọn của người Anh về tương lai, nhưng tính không chắc chắn của Brexit lại mang đến hai ngả đường - thịnh vượng hay suy giảm. Nếu người dân Anh lựa chọn Brexit, điều quan trọng nhất mà Chính phủ Anh cần hướng đến chính là giảm thiểu yếu tố không chắc chắn về các quan hệ hợp tác giữa Anh và các nước EU cũng như các nước ngoài EU.

Do vậy, nước Anh cần phải tập trung vào hoàn thành các đàm phán với EU nhanh nhất có thể, đồng thời đưa ra những định hướng về thương mại với các quốc gia ngoài châu Âu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.