Tổng thống Mỹ thuyết phục Anh không rời EU

Thứ Bảy, 23/04/2016, 10:14
Hôm 21-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thủ đô London, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Anh. Sự có mặt của ông chủ Nhà Trắng tại số 10 phố Downing còn mang thông điệp kêu gọi Anh không nên rời Liên minh Châu Âu (EU).

Hôm 21-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thủ đô London, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Anh. Ngoài trọng tâm tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác của Anh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lần này, sự có mặt của ông chủ Nhà Trắng tại số 10 phố Downing còn mang thông điệp kêu gọi Anh không nên rời Liên minh Châu Âu (EU).

Hãng tin BBC cho biết, các hoạt động chính thức của ông Barack Obama trong chuyến công du lần này được tiến hành từ sáng 22-4. Tổng thống Mỹ đã dùng bữa trưa tại lâu đài Windsor của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Tiếp đó, ông có cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron về tình hình kinh tế toàn cầu, cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là chống lại IS.

Đồng thời, Tổng thống Barack Obama cũng gặp gỡ và nói chuyện với các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ ở Anh và thuyết phục các chính khách nước này ủng hộ giải pháp không lựa chọn rời khởi EU trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23-6 tới.

Cùng với những hoạt động này, người đứng đầu Nhà Trắng còn được đăng tải một bài viết trên tờ Daily Telegraph với nội dung rằng: “Một châu Âu lớn mạnh không đe dọa đến sự dẫn dắt toàn cầu của Anh. Ngược lại, nó mở ra cho Anh một con đường mới”.

Cựu Bộ trưởng trong nội các Anh Iain Duncan Smith khi trả lời phỏng vấn báo chí khẳng định: “Tôi dám chắc rằng, mục đích chính của chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Mỹ là thuyết phục người Anh chấp nhận thực tế hiện nay và không rời khỏi EU. Thị trưởng London Boris Johnson thì cho rằng, trong chuyến công du 3 ngày ở Anh, ông Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã có một lịch trình hoạt động dày đặc và việc gặp gỡ người dân Anh, nhất là thế hệ trẻ ở trung tâm thủ đô London cũng không nằm ngoài “chiến lược vận động nước Anh ở lại EU”.

Một số nguồn tin từ báo chí Anh thì cho hay, trước thềm chuyến công du Anh của Tổng thống Mỹ, một nhóm nghị sĩ Anh đã cảnh báo ông Barack Obama không can dự vào cuộc tranh luận về việc liệu Anh có nên ở lại EU hay không và cho rằng, việc can dự này sẽ đánh dấu “một mốc rủi ro” trong thời gian làm Tổng thống Mỹ của ông Barack Obama.

Cũng theo những nghị sĩ này, rõ ràng việc Anh ra khỏi EU không phải là vấn đề dành cho các chính khách nước ngoài hoặc các đối tượng quan tâm ở bên ngoài trả lời. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, chính phủ Mỹ cũng như nhiều ngân hàng, các công ty tại Mỹ rất lo sợ sự ra đi của Anh khỏi EU sẽ tạo ra rối loạn thị trường, làm giảm ảnh hưởng của Anh, suy yếu vị thế của London vốn là thủ đô tài chính toàn cầu. Do đó, ông Barack Obama sẽ không bao giờ từ bỏ ý định này của mình bất chấp sự phản đối của các nghị sĩ Anh.

Một điểm đáng chú ý nữa là không chỉ có Mỹ mà ngay cả nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về việc này và cho rằng nó gây tổn thất nghiêm trọng cho khu vực mà còn tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo mới nhất về "Triển vọng kinh tế thế giới" công bố hồi trung tuần tháng 4, IMF đánh giá việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) sẽ làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại đã được xác lập và gây ra "những thách thức lớn" cho cả Anh và phần còn lại của châu Âu.

Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò thành viên EU của Anh có ý nghĩa thế nào với các lợi ích của Mỹ (ảnh: Getty Imagine).

Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) - tổ chức đại diện các doanh nghiệp ở xứ sở sương mù thì cho biết, Brexit có thể gây tổn thất cho nền kinh tế Anh 100 tỷ bảng và gần 1 triệu việc làm. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne khẳng định, nếu người dân nước này lựa chọn rời khỏi EU thì sẽ gây thiệt hại lâu dài đối với nền kinh tế và lấy đi của mỗi hộ gia đình khoảng 4.300 bảng/năm, từ nay đến năm 2030. Chính phủ nước Anh sẽ mất khoảng 36 tỷ bảng tiền thuế ròng nếu nước này rời khỏi EU và phải thương lượng lại hiệp định thương mại tự do với liên minh này.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, cử tri Anh đang nghiêng về phía ở lại EU nhưng vẫn còn nhiều cử tri chưa thể đưa quyết định của riêng mình. Tổ chức ORB hôm 21-4 còn công bố kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, phe vận động cử tri Anh ở lại EU đang vượt lên dẫn trước gần 10%.

ORB chỉ ra rằng, tỷ lệ những người nói rằng phe "ở lại" đang triển khai chiến dịch vận động tốt hơn cũng tăng 5 điểm lên 39%, trong khi tỷ lệ những người cho rằng phe ủng hộ nước Anh rời EU triển khai chiến dịch vận động tốt hơn đã giảm 10 điểm xuống 25%. Những thay đổi tích cực mà phe vận động "ở lại" có được là nhờ việc chính phủ Anh đã chi 9 triệu bảng để in sách nhỏ gửi tới từng hộ gia đình nêu lý do vì sao chính phủ tin rằng bỏ phiếu ở lại EU là quyết định tốt nhất cho xứ sở sương mù.

Một cuộc thăm dò khác do tổ chức YouthSight tiến hành cho thấy 76% số sinh viên được hỏi ủng hộ Anh ở lại EU, trong khi chỉ có 14% ngả theo hướng Brexit.

Phan Hiển
.
.
.