Những quyết sách đầy dấu ấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau một năm trúng cử

Thứ Tư, 08/11/2017, 10:09
Một năm sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đã có nhiều quyết sách quan trọng, dù một số trong đó gây dư luận trái chiều, nhưng đã có những ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị và người dân Mỹ.


Ngày 8-11-2016 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chính trường nước Mỹ, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 58 với nhiều cuộc tranh luận và tranh cãi nảy lửa, để 41 ngày sau đó, ngày 18-12-2016, các đại cử tri thay mặt cử tri bầu ra Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Với số phiếu đại cử tri vượt trội, ông Donald Trump đã giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton, trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.

Một năm sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đã có nhiều quyết sách quan trọng, dù một số trong đó gây dư luận trái chiều, nhưng đã có những ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị và người dân Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016.  Ảnh Getty.

Nổi bật nhất trong số những quyết sách đầy bất ngờ của ông Donald Trump trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ là sắc lệnh cấm di trú đối với người dân từ một số quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Sắc lệnh 13769 hay còn được biết đến với tên gọi “Sắc lệnh bảo vệ quốc gia khỏi sự nhập cư của khủng bố nước ngoài vào Mỹ”, được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào ngày 27-1-2017. Sắc lệnh này hạn chế cả việc đi lại và cư trú của người từ một số quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, bao gồm Iran, Iraq, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen (sau đó Iraq được rút khỏi danh sách).  Dù gặp phải nhiều sự phản đối và tranh cãi về pháp lý, sau một số lần chỉnh sửa, lệnh cấm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30-6-2017.

Sau khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục theo đuổi việc xây dựng bức tường trên tuyến biên giới dài hơn 3.100km giữa Mỹ và Mexico nhằm thúc đẩy hơn nữa tuyên bố “Nước Mỹ trước tiên” và kiểm soát, ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp cũng như làn sóng tội phạm và bạo lực xâm nhập qua biên giới, đồng thời ông Trump nhấn mạnh sẽ tìm mọi cách để “khiến Mexico chi trả cho bức tường”. Ngày 4-10-2017, Nghị viện Mỹ đã thông qua một đạo luật tài chính chi tổng cộng 15 tỷ USD, bao gồm 10 tỷ USD dành cho việc đầu tư xây dựng bức tường biên giới và thêm 5 tỷ USD cho việc cải thiện những cửa khẩu trên đường biên này.

Trong gần một năm trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã kiên quyết rút nước Mỹ ra khỏi nhiều tổ chức và hiệp ước quốc tế. Chỉ hai ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đầu tiên, chính thức rút nước này ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại lịch sử vốn đã kết thúc đàm phán dưới thời người tiền nhiệm của ông vào tháng 10-2015 với sự tham gia của 12 nước trong khu vực.

Động thái này của ông Trump đồng nghĩa với việc 11 nước còn lại phải đàm phán lại hoặc thậm chí trong trường hợp xấu nhất là phải “khai tử” hiệp định bởi theo thoả thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2-2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật Bản).

Nối tiếp TPP, ông Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu ngày 2-6-2017. Bất chấp nhiều ý kiến phản đối cho rằng việc rút lui chính là sự từ bỏ vị trí lãnh đạo của Mỹ đối với thách thức quan trọng hàng đầu của thế giới, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump cho rằng Thỏa thuận Paris gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp khai thác dầu lửa và than của Mỹ và nền kinh tế Mỹ nói chung.

Ngày 4-8-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này vẫn sẽ tham dự các hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ trong thời gian tiến hành các thủ tục rút khỏi Thỏa thuận Paris, một quá trình được dự đoán là sẽ diễn ra trong 3 năm khi thời điểm sớm nhất để Mỹ hoàn toàn rút khỏi Thỏa thuận này là ngày 4-11-2020, cũng là thời điểm cận kề với đợt bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, ngày 12-10-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) từ ngày 31-12-2018 và sẽ chỉ duy trì vai trò của một quan sát viên. Mối quan hệ nhiều trắc trở của Mỹ và UNESCO trải qua nhiều thăng trầm khi Mỹ từng rút khỏi UNESCO hồi năm 1984, tái gia nhập năm 2002 dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ đặt một gánh nặng lên vai của tân Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulaykhi Mỹ là nước đóng góp đến 22% ngân sách hoạt động của UNESCO.

Một chiến thắng chính trị lớn mà ông Trump vừa đạt được khi Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấp ngân sách tài khóa 2018 trị giá 4.000 tỷ USD với tỷ lệ phiếu sát nút là 216 phiếu thuận – 212 phiếu chống. Việc thông qua ngân sách năm tài khóa 2018 trị giá 4.000 tỷ USD của Hạ viện Mỹ đã mở đường cho chính quyền Tổng thống Donald Trump sớm triển khai gói cải cách thuế “quy mô nhất lịch sử”. Và nếu chính thức được phê chuẩn thì cải cách này sẽ được coi là một thay đổi mang tính cách mạng và là thành tựu lớn đầu tiên về lập pháp của Tổng thống Trump kể từ khi cầm quyền.

Một năm kể từ ngày “Thứ Ba lịch sử” khi Tổng thống Donald Trump trúng cử vào vị trí lãnh đạo nước Mỹ. Với mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách trên nhiều lĩnh vực mà sâu sắc nhất là kinh tế và ngoại giao, có nhiều thay đổi đáng kể với người tiền nhiệm.

Dù trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều quyết sách kinh tế của ông Trump cũng đã mang lại trái ngọt khi nền kinh tế Mỹ chứng kiến có sự phục hồi mạnh mẽ trong quý II và quý III/2017, dù phải hứng chịu những cơn bão lịch sử, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 3,1 và 3%. Những năm còn lại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump được dự báo sẽ còn nhiều bất ngờ và những điều đáng chờ đợi khác.

Duy Tiến
.
.
.