Chiến lược châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dần sáng tỏ?

Chủ Nhật, 05/11/2017, 08:40
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến công du đầu tiên tới châu Á kéo dài 12 ngày. Chuyến đi này hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế cũng như khu vực, khi phần nào sẽ làm sáng tỏ tương lai chiến lược “xoay trục” của Mỹ tại châu Á.

Với 3 trọng tâm chính là đẩy mạnh giải pháp quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do - cởi mở và tăng cường sự thịnh vượng của Mỹ thông qua những hoạt động thương mại tự do và công bằng tại khu vực này, chuyến công du của Tổng thống Mỹ được đánh giá là phần nào sẽ giúp giải tỏa những quan ngại, đồng thời cũng là cơ hội để Mỹ có thể xác định châu Á – Thái Bình Dương có vị thế như thế nào trên bản đồ địa chiến lược của Washington.

Phát biểu ngay trước thềm chuyến công du hôm 3-11 (giờ Mỹ), người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định: “Chúng ta sắp bắt đầu một chuyến đi dài. Chúng ta sẽ nói về thương mại, về CHDCND Triều Tiên và tôi nghĩ sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Chúng ta sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra, song tôi nghĩ đây sẽ là một chuyến đi thành công, với rất nhiều thiện chí”.

Trong khi đó, Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster tuyên bố, chuyến công du châu Á lần này của người đứng đầu Nhà Trắng là cơ hội không thể tốt hơn để tái khẳng định cam kết của Washington đối với khu vực, củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống và mở rộng các liên minh - đối tác mới. Sau 9 tháng tiếp quản Nhà Trắng với quan điểm “Nước Mỹ trên hết”, tới nay, chiến lược châu Á của Tổng thống Mỹ vẫn là một ẩn số.

Khu vực này có còn nằm trong ưu tiên của Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quyết liệt theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục giảm sự can dự tại các thể chế khu vực.

Việc người đứng đầu Nhà Trắng từ bỏ chiến lược “xoay trục Châu Á” – vốn là một điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Barack Obama và gạt sang một bên TPP đã khiến chuyến công du lần này của ông được kỳ vọng sẽ phần nào làm sáng tỏ chính sách, cũng như tầm nhìn bao quát của nhà lãnh đạo Mỹ đối với mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, khu vực tăng trưởng năng động và có ý nghĩa chiến lược về địa chính trị bậc nhất thế giới.

Ngày 3-11 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump đã rời Washington, bắt đầu chuyến thăm châu Á – Thái Bình Dương kéo dài 12 ngày.

Mặc dù, trong bối cảnh tình hình khu vực đang có những chuyển biến sâu sắc, mà Mỹ lại chưa định hình chính sách đối ngoại rõ ràng tại châu Á, có nhiều ý kiến cho rằng chuyến công du của Tổng thống Donald Trump sẽ không hoàn toàn dễ dàng. Song, người đứng đầu Nhà Trắng “sẽ có những ngày êm đềm” khi tới thăm Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng. Đây cũng là một điểm nhấn được đánh giá là sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ Đối tác toàn diện và nâng quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ lên một tầm cao mới.

Hai nước hiện đang tiếp tục mở rộng hợp tác đôi bên cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đến khoa học-kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, an ninh – quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh hay các vấn đề cùng quan tâm như chống biến đổi khí hậu, y tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ ngày càng hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), APEC hay ASEAN. Sự kiện Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam cũng nhận được nhiều đánh giá cao từ truyền thông Mỹ.

Hôm 3-11, với tiêu đề “Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược và phục hồi trọng tâm ngoại giao”, tờ The Washington Times đã bình luận về chặng dừng chân tại Việt Nam tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng của người đứng đầu nước Mỹ.

Trong chiến lược toàn cầu, các đời chính quyền Mỹ vẫn luôn coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực địa chiến lược, địa chính trị trọng yếu, quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Chính vì thế, dù có nhiều phát biểu gây tranh cãi, song với tinh thần xuyên suốt là vì lợi ích nước Mỹ, vì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục thực thi chính sách “xoay trục”, nhưng với cách làm mới và phương pháp mới.

Ngoài ra, chuyến công du đã chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với an ninh, thịnh vượng của nước Mỹ và nhiều khả năng sẽ giúp làm sáng tỏ tầm nhìn và định hình chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực này trong thời gian tới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.