Những lợi thế để Việt Nam được chọn đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều
Các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn Việt Nam vừa thiết thực vừa mang tính biểu tượng. Vậy đâu là những lợi thế khiến Việt Nam được lựa chọn làm địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai?
Lợi thế thứ nhất của Việt Nam là vị trí địa lý. Thủ đô Hà Nội nằm cách Bình Nhưỡng 2.760km, đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ di chuyển ngắn hơn hành trình đến Singapore vào năm ngoái. Chuyến bay từ CHDCND Triều Tiên đến Việt Nam chỉ đi qua không phận Trung Quốc, quốc gia láng giềng hữu hảo của CHDCND Triều Tiên, khiến ông Kim Jong-un sẽ cảm thấy an toàn hơn nữa.
Lợi thế thứ hai là an ninh tại Việt Nam rất tốt. Việt Nam nổi tiếng thế giới là quốc gia có môi trường an ninh, ổn định cao. Người dân Việt Nam cũng rất thân thiện. Ông Vũ Minh Khương, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew ở Singapore, nhấn mạnh rằng: “Về mặt an ninh hay sự thân thiện thì Việt Nam rất xuất sắc. Chắc chắn ông Kim Jong-un sẽ rất hào hứng với điều đó”.
Còn Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, thì nhận xét, Việt Nam và Hà Nội sẽ trở thành trung tâm chú ý của cả thế giới khi cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim diễn ra. Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng tổ chức các sự kiện cấp cao với việc bảo đảm an ninh công cộng, cơ sở hạ tầng sang trọng đáp ứng được yêu cầu của các nguyên thủ. Trong Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã đảm bảo an ninh “ở mức cao nhất”.
Thứ ba, Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ hữu nghị với cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Mỹ và Việt Nam đã trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu, nhưng kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, hai nước đã chứng kiến những bước phát triển ấn tượng trên nhiều lĩnh vực từ quan hệ kinh tế, an ninh-quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, văn hóa-giáo dục, đồng thời chia sẻ mối quan tâm chung về các hoạt động thương mại của Trung Quốc cũng như vấn đề Biển Đông.
Hoạt động thương mại song phương đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên gần 52 tỷ USD vào năm 2016. Lầu Năm Góc duy trì tiến hành cuộc đối thoại cấp cao hằng năm với các đối tác Việt Nam, và năm ngoái Việt Nam đã lần đầu tiên tham dự cuộc diễn tập hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” (Rim of the Pacific).
Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức tại TP Đà Nẵng năm 2017. |
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và CHDCND Triều Tiên có lịch sử lâu dài hơn. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950 và 8 năm sau, lãnh tụ Kim Nhật Thành, người sáng lập CHDCND Triều Tiên và là ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đến thăm Hà Nội. Vào tháng 12-2018, Việt Nam đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân dịp 60 năm chuyến thăm.
Ông Joshua Kurlantzick, một thành viên cao cấp phụ trách vấn đề Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết: “Không có nhiều nơi khác mà Triều Tiên tin tưởng và Mỹ cũng tin tưởng như Việt Nam”.
Lợi thế tiếp theo của Việt Nam chính là một nguồn cảm hứng kinh tế. Chỉ một thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế - xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng hết sức khó khăn do bị bao vây cấm vận và những chính sách thời chiến đã lỗi thời. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu chính sách Đổi mới, mở cửa đất nước với thế giới và tạo ra một trong những bước ngoặt kinh tế tuyệt vời nhất. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng từ 6-7%/năm, với các doanh nghiệp nhỏ làm ăn nhộn nhịp, khu vực sản xuất thịnh vượng.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ như một cơ hội để quảng bá nền kinh tế Việt Nam ra thế giới. “Việt Nam rất muốn đưa câu chuyện của mình ra toàn thế giới để quảng bá hình ảnh đất nước”, ông Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho biết.
Trong khi đó, theo đài ABC, Washington nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể được cải thiện theo chiều hướng tích cực như giữa Mỹ và Việt Nam. Trong bài phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội vào năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định ông tin rằng Triều Tiên có thể tham khảo con đường của Việt Nam. “Phép mầu này (phép mầu kinh tế Việt Nam) có thể là của các bạn”, ông Mike Pompeo nhắn nhủ tới Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cũng cho biết Việt Nam đã thể hiện “năng lực vì hòa bình và thịnh vượng” và chính quyền Tổng thống Donald Trump đang hy vọng ông Kim Jong-un sẽ coi đó là một kiểu mô hình phát triển mà CHDCND Triều Tiên có thể học hỏi hay đi theo.
Cuối cùng, Việt Nam là một hình mẫu để định hình lại các mối quan hệ với Mỹ. Từ kẻ thù trong chiến tranh đến đối tác đáng tin cậy, quỹ đạo của mối quan hệ Mỹ - Việt Nam được cho là có thể “tạo cảm hứng” cho nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.
Mối quan hệ với Việt Nam đã khởi đầu chậm, với những nỗ lực song phương để giải quyết các vấn đề tồn đọng giữa hai nước, trong đó có tù nhân chiến tranh, sau đó mở rộng đi đến hợp tác hồi hương hài cốt lính Mỹ và xử lý hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Quan hệ văn hóa-giáo dục cũng phát triển nhanh chóng. Hiện nay, có khoảng 20.000 sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học tại Mỹ, đứng đầu các nước Đông Nam Á.
“Bạn có thể thấy sự thay đổi về quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong một thời gian ngắn và điều đó rất hữu ích với ông Kim Jong-un. Trước đây, không ai ghét người Mỹ như Việt Nam. Nhưng chúng tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình”, Giáo sư Vũ Minh Khương cho hay.