Những dấu ấn quan trọng của thế giới năm 2017

Chủ Nhật, 31/12/2017, 08:25
Năm 2017 sẽ khép lại trong vòng không đầy 24 giờ nữa. Bên cạnh những điểm “nóng”, cũng có nhiều dấu ấn quan trọng, góp thêm những mảng màu tươi sáng, giúp bức tranh thế giới hài hòa hơn.

Năm 2017, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công tốt đẹp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC trong vòng 19 năm gia nhập diễn đàn này.

Các nhà lãnh đạo APEC nhận xét rằng, sự thành công của APEC 2017 chính là nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam từ công tác chuẩn bị cho sự kiện cũng như việc chuẩn bị các nội dung thảo luận của từng hội nghị riêng rẽ.

Những kết quả đạt được trong kỳ APEC 2017 không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối cũng như hội tụ trí tuệ của khu vực và thế giới.

Thành công này được thể hiện bằng việc APEC 2017 thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM). Ảnh: asean2017.ph

Năm 2017 cũng ghi dấu mốc lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ một hiệp hội sơ khai với năm quốc gia sáng lập, ASEAN - hiện bao gồm 10 thành viên - đã vượt qua nhiều khó khăn và khác biệt để trở thành nhân tố đóng góp quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.

Đặc biệt, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào tháng 12-2016, ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và cộng đồng kinh tế phát triển năng động nhất châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN đã tạo được vị thế quan trọng mà hiếm liên kết tiểu khu vực nào có được, với các cơ chế gắn kết không chỉ trong nội bộ mà còn với hàng loạt đối tác lớn trên thế giới.

Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu cũng là một điểm sáng trong bức tranh thế giới 2017. 10 năm sau cuộc đại suy thoái kinh tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang đạt sự tăng trưởng nhanh nhất và thị trường chứng khoán trên thế giới đang đạt mức cao kỷ lục.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế lên mức 3,6% trong năm 2017 và 3,7% trong năm tiếp theo, cao hơn đáng kể so với mức 3,2% của năm 2016. Bên cạnh đó, khoảng 75% các nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay. Những kết quả này là nhờ vào thành quả thương mại và sản xuất tại khu vực châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Kinh tế Mỹ tăng 3,3% trong quý III/2017, mức tăng cao nhất trong 3 năm vừa qua, với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 2000. Trung Quốc có vẻ sẽ vượt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2017, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Trong khi đó, Nga, vốn phải vật lộn trong nhiều năm qua vì giá dầu thấp cùng các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề Ukraine, đang chứng kiến sự tăng trưởng khiêm tốn.

Trên mặt trận chống khủng bố, thế giới đã chứng kiến một bước ngoặt quan trọng trong những ngày cuối năm. Ngày 9-12, Chính phủ Iraq tuyên bố giải phóng hoàn toàn Iraq khỏi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với việc giải phóng khu vực cuối cùng do IS kiểm soát trên lãnh thổ của quốc gia này.

Trước đó 2 ngày, giới chức Nga tuyên bố, không còn vùng lãnh thổ nào tại Syria nằm dưới quyền kiểm soát của IS và Quân đội Chính phủ Syria đã quét sạch phiến quân IS khỏi lãnh thổ. Khoảng 60.000 tay súng Thánh chiến đã bị tiêu diệt kể từ năm 2014, trong đó có nhiều thủ lĩnh cấp cao. Thậm chí, giới chuyên gia khẳng định, IS sẽ mất toàn bộ những vùng lãnh thổ từng chiếm giữ ở Trung Đông trong năm 2018.

Góp phần vào chiến thắng mang tính bước ngoặt này của Syria và Iraq không thể không kể đến vai trò quan trọng của Nga và Mỹ. Hai cường quốc trải qua không ít thăng trầm, lúc “bắt tay” hợp tác, lúc như “nước với lửa” khi xuất hiện xung đột lợi ích do những toan tính khác nhau tại Syria và Iraq.

Dưới sự lãnh đạo của vị “thuyền trưởng” mới – Tổng Thư ký Antonio Guterres, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã trải qua một năm với nhiều bước tiến tích cực, tạo nên những mảng màu tươi sáng vào bức tranh thế giới.

Năm qua, LHQ đã đẩy mạnh tiến trình thực thi các mục tiêu phát triển bền vững với một loạt chương trình phát triển được thông qua và thực hiện;  ngăn chặn và giải quyết một số cuộc khủng hoảng và xung đột trên thế giới, trong đó nối bật nhất là việc đã và đang đang tích cực hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Colombia sau khi chính phủ nước này và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đạt được thỏa thuận hòa bình, chấm dứt hơn 50 năm xung đột. Cũng trong năm 2017, LHQ  đã nỗ lực khởi động tiến trình tự cải tổ chính mình, vốn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ” bấy lâu…

Năm 2017, thế giới cũng chứng kiến những bước tiến lớn về mặt công nghệ, trong đó có sự lên ngôi của trí thông minh nhân tạo (AI) và kinh tế chia sẻ. 

AI nở rộ và bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong các trợ lý ảo (Alexa, Google Assistant), phần mền chatbot Messenger của Facebook, tính năng trả lời tự động của Gmail, hệ thống nhận diện khuôn mặt hay robot đánh bại con người trong các trò chơi điện tử. 

Ai cũng len lỏi trong các ứng dụng y học như dự đoán bệnh lý. AI còn tạo ra sản phẩm có khả năng trò chuyện tâm sự với con người. Các hãng công nghệ đều điều chỉnh để đáp ứng các ứng dụng liên quan đến AI.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.