Nhiều tranh cãi xung quanh việc Iran phóng tên lửa đạn đạo

Chủ Nhật, 13/03/2016, 10:10
Với “những quan ngại sâu sắc”, Mỹ hôm 11-3 đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thảo luận về các lần phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Iran trong phiên họp vào đầu tuần tới. Trong khi đó, Nga cũng đã tạm ngừng việc bán hệ thống S-300 tiên tiến cho Iran.

Sau CHDCND Triều Tiên, Iran đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, nhất là khi nước này vừa phóng thành công hai tên lửa đạn đạo khắc chữ “xóa sổ Israel”. Hãng thông tấn FARS dẫn lời Tư lệnh Lực lượng không gian vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh cho biết, các tên lửa này là tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn khoảng 2.000km, “có thể tấn công chế độ Do Thái từ khoảng cách an toàn”.

Một góc trong kho tên lửa dưới lòng đất của Iran. Ảnh: warar.net.

Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh nói: “Israel bị bao vây bởi các nước Hồi giáo xung quanh và họ sẽ không trụ được lâu trong chiến tranh. Họ sẽ sụp đổ trước cả khi bị các tên lửa này đánh trúng. Chúng tôi không phóng tên lửa "trong cơn giận dữ" hay khơi mào chiến tranh với Israel, nhưng Tehran cần ở thế chủ động. Do đó chúng tôi đặt các cơ sở hạ tầng ở đâu đó khiến kẻ thù không thể tiêu diệt chúng. Nhờ đó, Iran có thể duy trì được lợi thế lâu dài trong chiến tranh”.

Cũng theo lời của Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh thì các tên lửa được phóng lên hôm 9-3 là kết quả của các lệnh trừng phạt. Cả hai quả tên lửa đạn đạo đều được phóng thử trong khuôn khổ một cuộc tập trận quân sự của nước này ở miền Bắc Iran. Đây là loại tên lửa đạn đạo Qadr H và hành động khắc chữ “xóa sổ Israel” là nhằm biểu dương lực lượng của Iran khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Israel.

Trước đó một ngày, Đài truyền hình quốc gia Iran cũng phát đi bản tin cùng những hình ảnh về các vụ phóng tên lửa của Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đưa ra hôm 17-1. Khi đó, chính quyền Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt với các cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến chương trình tên lửa của Iran sau vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung Emad hồi tháng 10-2015. Lần này, Mỹ cũng tuyên bố xem xét các vụ phóng tên lửa và đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an LHQ để có phản ứng phù hợp.

Và đúng như những gì đã nói, hôm 11-3, Mỹ đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận về các lần phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Iran trong phiên họp vào đầu tuần tới, dự kiến vào ngày 14-3. Đại sứ Mỹ tại LHQ nói rằng, Washington “quan ngại sâu sắc” về các lần thử tên lửa “khiêu khích và gây bất ổn” của Iran. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng cảnh báo rằng, một nước Iran được trang bị hạt nhân là một nguy cơ hoàn toàn không thể chấp nhận được với Israel, với khu vực và với Mỹ.

Cùng với Mỹ, Pháp cũng cho rằng, việc thử nghiệm tên lửa của Iran đã vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó cấm nước này tiến hành “bất kỳ hoạt động nào” liên quan đến các tên lửa đạn đạo có khả năng phóng vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Israel cũng lên án vụ phóng tên lửa này và cho rằng Iran đã phớt lờ những yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Trong tuyên bố ngày 10-3, Bộ Ngoại giao Israel kêu gọi thế giới “cần phản ứng một cách cứng rắn và quyết liệt” trước khả năng Iran tiếp tục phóng thêm các quả tên lửa.

Trong khi đó, người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric lên tiếng kêu gọi Iran cần “hành động một cách cẩn trọng và thiện chí chứ không nên làm leo thang căng thẳng thông qua bất kỳ hành động vội vã nào.Còn Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi Iran “hành động một cách thận trọng” và tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân Iran đã được ký kết để không làm gia tăng căng thẳng tình hình trong khu vực. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Iran vẫn khẳng định vụ thử tên lửa không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và Tehran vẫn đang thực thi nghiêm túc trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, đơn vị thực hiện các vụ phóng tên lửa cũng nhấn mạnh rằng các tên lửa được phóng thử đều là tên lửa do Iran tự sản xuất và rằng nước này không nhượng bộ vấn đề an ninh và sức mạnh phòng thủ của mình.

Phan Hiển
.
.
.