Nhiều hành động “trả đũa” sau vụ điệp viên Nga bị đầu độc

Thứ Sáu, 16/03/2018, 11:39
Quan hệ Nga – Anh tiếp tục leo thang căng thẳng liên quan tới vụ điệp viên “hai mang” người Nga Sergei Skripal bị đầu độc hôm 4-3. Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh và đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga. Đáp lại, Moscow tuyên bố sẽ có những đáp trả tương xứng.

Lời qua, tiếng lại

Phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 14-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Theresa May nêu rõ, Nga đã không phản ứng trước đề nghị của chính phủ Anh yêu cầu giải thích về việc chất độc hóa học từ thời Liên Xô có tên gọi Novichok được tìm thấy trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal. Vì vậy, 23 nhà ngoại giao Nga mà Anh cho là các nhân viên tình báo sẽ phải rời khỏi Anh trong vòng 1 tuần.

Bà tuyên bố: “Theo Công ước Vienna, Vương quốc Anh sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga được xác định là các sĩ quan tình báo ẩn danh. Những người này có một tuần để rời khỏi lãnh thổ của Anh. Đây là vụ trục xuất lớn nhất trong vòng 30 năm qua và điều này phản ánh một thực tế rằng, đây không phải là lần đầu tiên Nga đã hành động chống lại nước ta”.

Cùng với đó, bà Theresa May cảnh báo sẽ phong tỏa các tài sản của Nga trên lãnh thổ Anh và đã rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh khẳng định không muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Moscow.

Trước quyết định trên của London, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã nhận được danh sách các nhân viên bị trục xuất và sẽ sớm có biện pháp đáp trả thích hợp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cho biết: “Đây không những là sự khiêu khích quốc tế mà còn là hành động phi chính trị. Chúng tôi đang chuẩn bị những hành động đáp trả phù hợp với những bước đi không thân thiện của Anh và sẽ thông báo sớm nhất có thể”.

Quan chức ngoại giao Nga cho rằng, phương Tây có vẻ muốn liên kết vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc với các vụ tấn công hóa học ở Syria. Bà nói: “Logic là gì? Đầu tiên là việc chứng minh Syria đã sử dụng vũ khí hóa học và Nga đã giúp họ. Tiếp đó là việc Moscow sử dụng chất độc hóa học trên lãnh thổ Anh (…) Điều đó cho thấy, (họ) đang cố gắng liên kết tất cả những yếu tố này lại với nhau để hoàn thành “câu chuyện” về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria”.

Bà nhấn mạnh: “Trước khi sáng tác ra những câu chuyện mới, Anh nên công bố kết quả điều tra các vụ việc trước đó — về  cựu điệp viên Alexander Litvinenko của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB), nhà tài phiệt Boris Berezovsky, doanh nhân Alexander  Perepilichnyi và nhiều người khác, đã chết bí ẩn trên đất Anh”.

Trước đó, Đại sứ quán Nga tại Anh cũng đã gọi quyết định của Anh trục xuất các nhà ngoại giao Nga là “bước đi thiển cận, không thỏa đáng và không thể chấp nhận được”. Người phát ngôn tại Đại sứ quán Nga nêu rõ: “Quyết định thù địch của chính quyền Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới công việc của văn phòng lãnh sự và giảm khả năng cấp thị thực cho các công dân Anh. Đại sứ quán đang cân nhắc những lựa chọn cho việc phân công lại công việc cho các nhân viên hiện tại”.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp khẩn của Liên hợp quốc (LHQ) thảo luận về vấn đề trên, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia một lần nữa khẳng định Moscow không liên quan tới vụ đầu độc và sẵn sàng phối hợp với London điều tra. Ông nhấn mạnh cáo buộc của phía Anh là “không thể chấp nhận được” và yêu cầu Anh đưa ra bằng chứng xác đáng.

Công tác khám nghiệp hiện trường tại khu vực nơi ông Skripal bị đầu độc.

Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, không có bước tiến hướng đến việc giải quyết bất đồng với Anh liên quan đến vụ đầu độc ông Skripal và con gái Yulia. Theo Ngoại trưởng Nga, cáo buộc của Anh rằng Nga có thể liên quan đến vụ đầu độc này mang động cơ chính trị, nhằm kéo dư luận quốc tế đi theo định hướng sai lầm. Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định, Nga không có động cơ để giết hại ông Skripal và đây là kế hoạch nhằm tuyên truyền tư tưởng chống lại nước Nga.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Mã Triều Khúc tuyên bố, Bắc Kinh hi vọng các bên liên quan tiến hành một cuộc điều tra toàn diện dựa trên thực tế và phù hợp với quy định quốc tế để có thể đi đến một kết luận dựa trên bằng chứng xác thực có thể được kiểm chứng. Trong khi đó, các đồng minh phương Tây của Anh là Mỹ và NATO tuyên bố ủng hộ London.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley hối thúc Nga hợp tác đầy đủ với Anh trong tiến trình điều tra xoay quanh vụ việc gây chấn động này. NATO thì ra tuyên bố “bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc lần đầu tiên xảy ra vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở lãnh thổ NATO kể từ khi tổ chức này thành lập, NATO xem đây là đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.

Ba Lan kêu gọi Nga sớm trả lời những câu hỏi từ phía Anh, yêu cầu giải thích về vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc trên đất Anh. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cực lực lên án vụ tấn công này, đồng thời cho rằng việc sử dụng một loại hóa chất độc hại làm vũ khí rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế.

Giống như Trung Quốc, Đức và Pháp kêu gọi đối thoại để giải quyết những bất đồng giữa hai bên. Giới chức Pháp nhận định hiện vẫn quá sớm để Pháp quyết định đưa ra phản ứng về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang tại Anh.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.