Nguy cơ tái diễn Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ

Thứ Sáu, 07/10/2016, 08:12
Hai ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký quyết định đình chỉ thỏa thuận xử lý plotunium cấp độ vũ khí với Mỹ, hôm 5-10, Nga tiếp tục có những động thái cứng rắn trong quan hệ ngoại giao với Washington khi thông báo đình chỉ thỏa thuận hạt nhân và nghiên cứu năng lượng hạt nhân được ký năm 2013 với Mỹ.


Trong khi đó, Mỹ lại tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Moskva liên quan đến Ukraine. Nhiều nhà phân tích lo ngại, với tình hình này, nguy cơ tái diễn “Chiến tranh Lạnh” giữa hai cường quốc này ngày càng hiện hữu.

Thông báo được đăng tải trên trang mạng chính thức của Nga cho biết, sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận hạt nhân và nghiên cứu năng lượng hạt nhân ký năm 2013 với Mỹ được Thủ tướng Dmitry Medvedev đưa ra hôm 5-10. 

Sắc lệnh có đoạn viết: “Việc Mỹ đều đặn gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có động thái đình chỉ hợp tác Nga-Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân buộc Nga phải áp dụng các biện pháp trả đũa với Mỹ”.

Theo sắc lệnh này của Nga thì mọi công dân Mỹ sẽ không còn được phép tới các cơ sở hạt nhân của Nga.

Cùng với đó, hợp tác giữa Cơ quan năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga với Bộ Năng lượng Mỹ nhằm nghiên cứu cách chuyển đổi các lò phản ứng của Nga để sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu ở cấp độ thấp sẽ bị ngừng hoạt động.

Trước đó hai ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký quyết định đình chỉ thỏa thuận xử lý plotunium cấp độ vũ khí với Mỹ.

Căng thẳng giữa Nga-Mỹ đang ngày càng gia tăng. Trong ảnh là Tổng thống Putin và Tổng thống Obama trong một lần gặp gỡ trước đây. Ảnh: Quotesgram.

Phát biểu trước báo giới, ông Vladimir Putin khẳng định, Nga chỉ có thể khôi phục hiệu lực của thỏa thuận này trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân trên lãnh thổ các nước NATO, đồng thời dỡ bỏ cấm vận và đạo luật Magnitsky.

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga còn yêu cầu Mỹ bồi thường những thiệt hại mà Nga phải hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì Nga buộc phải áp dụng các biện pháp cấm vận đáp trả.

Đồng thời, ông Vladimir Putin đã yêu cầu tăng cường năng lực quốc phòng để duy trì sức mạnh quốc gia trong bối cảnh đang gia tăng căng thẳng với Mỹ.

Giải thích về một loạt động thái gần đây của Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tất cả là do những hành động không thiện chí từ phía Mỹ và rằng Moskva không thể tin tưởng Washington, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm như về plutonium và hạt nhân…

Thêm vào đó, Nga cũng kịch liệt chỉ trích cái mà nước này gọi là “áp lực” của tình báo Mỹ đối với các nhà ngoại giao Nga đang công tác tại Mỹ. 

Cụ thể, Washington đang tạo ra “những khó khăn giả tạo” và “những hạn chế phi lý” đối với việc đi lại của các nhà ngoại giao Nga, ngăn cản họ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, tăng cường do thám các hoạt động của Nga dưới vỏ bọc ngoại giao trong đó nổi rõ nhất là việc Tùy viên quốc phòng Mỹ ở Moskva thường xuyên xuất hiện gần các cơ sở quân sự chiến lược của Nga. Chưa hết, Nga còn cáo buộc Mỹ đã ngăn cản cả hoạt động của các nhà ngoại giao Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ)…

Về phía Mỹ, nước này vẫn bác bỏ mọi cáo buộc mà Nga đưa ra. Từ Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng, Mỹ chưa nhận được thông báo chính thức của Nga về việc đình chỉ thỏa thuận hạt nhân và nghiên cứu năng lượng hạt nhân ký năm 2013. Và nếu đúng như vậy thì Washington lấy làm tiếc về quyết định đơn phương này của Nga.

Ông Mark Toner cũng bảo vệ quyết định của Mỹ về việc mở rộng lệnh trừng phạt Nga và giải thích thêm rằng, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm vào danh sách trừng phạt 83  công ty và tổ chức trong đó có 75 công ty, tổ chức có liên quan đến Nga, 7 tổ chức liên quan đến Crimea vì Nga “vô trách nhiệm” khi hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hôm 4-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau còn cho biết thêm rằng, Mỹ đã quyết định ngừng đàm phán song phương với Nga về vấn đề Syria và tiếp tục cáo buộc Moskva không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn ở Syria mà hai bên làm trung gian…

Rõ ràng, căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ đang bị đẩy lên đến đỉnh điểm. 

Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, nhiều khả năng, Moskva và Washington có thể sẽ trở lại thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”.

Mối quan hệ Nga-Mỹ bắt đầu xấu đi từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Sông Thương
.
.
.