Người dân Mỹ lại hoang mang vì xả súng

Chủ Nhật, 24/04/2016, 07:40
Tính tới sáng 23-4 (giờ Việt Nam), tổng cộng đã có 13 người thiệt mạng trong một loạt vụ xả súng xảy ra tại bang Georgia và bang Ohio của Mỹ. Vụ việc lại làm dấy lên nhiều lo ngại vốn đã tồn tại bấy lâu nay trong lòng người dân Mỹ và cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với công tác quản lý súng đạn tại nước này.

Theo cảnh sát quận Columbia, trong vụ nổ súng xảy ra tại thành phố Appling, bang Georgia, 4 người đã thiệt mạng ngay tại hiện trường trong khi một nạn nhân tử vong sau khi được đưa tới bệnh viện. Lực lượng điều tra nhận định rằng, cả 2 vụ xả súng trên đều do một tay súng thực hiện và động cơ xuất phát từ mâu thuẫn gia đình.

Theo Nước Nga ngày nay (RT), nghi phạm là Wayne Anthony Hawes được xác định đã tự sát. Theo báo cáo ban đầu, Wayne bắt đầu nổ súng sau khi biết vợ anh ta đang đệ đơn ly hôn. Trước đó cùng ngày, 8 thành viên trong một gia đình bị bắn chết trong vụ xả súng kinh hoàng vào 4 ngôi nhà ở quận Pike, phía Nam tiểu bang Ohio.

Cảnh sát quận Pike cho biết, lực lượng chức năng tìm thấy 7 thi thể tại 3 ngôi nhà gần nhau trong khi nạn nhân thứ 8 được phát hiện ở một địa điểm cách đó khoảng 50m. Cảnh sát trưởng quận Pike Charles Reader và Tổng chưởng lý bang Ohio Mike DeWine xác nhận, các nạn nhân đều là người trưởng thành, trừ một nam thiếu niên 16 tuổi, và đều là thành viên trong gia đình Rhoden. Ngoài ra, cảnh sát tìm thấy 2 em bé sơ sinh và 1 em bé 3 tuổi sống sót sau vụ việc.

Hiện trường vụ xả súng làm 8 người trong một gia đình thiệt mạng. Ảnh: AP.

Theo ông DeWine, giới chức chưa rõ một hay nhiều tay súng thực hiện vụ thảm sát, nhưng nghi phạm có vũ khí và “hết sức nguy hiểm”. Các nhà điều tra hình sự đã thẩm vấn hơn 30 người và gặp hơn 100 người là bạn bè của các nạn nhân. Dường như gia đình Rhoden là mục tiêu duy nhất của những kẻ tấn công và không có mối đe dọa cụ thể nào đối với cộng đồng.

Cơ quan chức năng cho biết, họ chưa rõ động cơ của thủ phạm, nhưng kêu gọi các thành viên gia đình Rhoden phải đề phòng. Cơ quan điều tra hình sự bang Ohio đang dẫn đầu cuộc điều tra và đã cử hơn 12 nhân viên hỗ trợ Văn phòng Cảnh sát quận Pike để làm sáng tỏ vụ việc. Trước đó, hôm 8-4, cũng đã xảy ra một vụ xả súng tại căn cứ không quân San Antonio-Lackland, bang Texas khiến ít nhất 2 người thiệt mạng.

Theo thống kê, trung bình hàng năm, có khoảng 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương do súng ở Mỹ, biến nước này trở thành quốc gia có tỷ lệ giết người liên quan tới loại vũ khí này cao nhất trên thế giới.

Trước bối cảnh như vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã triển khai chiến dịch thuyết phục Quốc hội và người dân ủng hộ dự luật siết chặt các quy định về kinh doanh và sở hữu súng đạn. Trong bài phát biểu hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố các biện pháp thắt chặt quản lý hoạt động mua bán súng đạn mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.

Theo đó, Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) sẽ thắt chặt việc cấp giấy phép kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức bán súng ở các triển lãm súng đạn hoặc qua mạng Internet. Người mua súng có sức công phá lớn sẽ bị kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt hơn và nhà chức trách sẽ hạn chế hoạt động mua bán vũ khí thông qua trung gian.

“Đây là các đề xuất nằm trong quyền hạn pháp lý của cơ quan hành pháp và cũng là ý nguyện của đại đa số người dân Mỹ, trong đó có những người sở hữu súng” - ông Obama nhấn mạnh. Ông cho rằng, quyết định của mình dù có thể không ngăn chặn được nạn xả súng hàng loạt hay giảm tỷ lệ tội phạm bạo lực, nhưng “sẽ cứu được nhiều sinh mạng”.

Tuy nhiên, với việc sử dụng quyền hành pháp, không cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội của Đảng Cộng hòa. Một số chính trị gia của đảng này đã đe dọa sẽ kiện chính phủ ra tòa để hủy bỏ các quy định kiểm soát súng đạn mới. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cáo buộc ông chủ Nhà Trắng xâm phạm quyền sở hữu súng đạn của người Mỹ.

Sở dĩ Quốc hội Mỹ luôn ngăn chặn dự luật kiểm soát súng đạn do Tổng thống Obama đề xuất chủ yếu là do sức ép từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA), với hơn 4,5 triệu thành viên và là một thế lực rất mạnh trong chính trường Mỹ.

Kết quả nhiều quốc gia khảo sát cho thấy, phần lớn người dân Mỹ ủng hộ thắt chặt các quy định kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, sự ủng hộ này đã giảm sút phần nào do mối lo ngại về nguy cơ khủng bố.

Khổng Hà
.
.
.